Nhật Bản-Hàn Quốc: Thị trường xuất khẩu số 1

Tại diễn đàn xuất khẩu 2014 diễn ra cuối tuần qua, khi nói đến tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam vào 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là những thị trường trọng điểm số 1 của Việt Nam.

Tại diễn đàn xuất khẩu 2014 diễn ra cuối tuần qua, khi nói đến tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam vào 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là những thị trường trọng điểm số 1 của Việt Nam.

Nhiều khoảng trống xuất khẩu

Nhìn lại năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2012. Còn với Hàn Quốc - đối tác quan trọng và mang tầm chiến lược của Việt Nam - trong 3 năm 2011, 2012 và 2013 luôn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của DN trong nước, trong khi ở chiều ngược lại Hàn Quốc là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Về tổng thể, trong năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, cụ thể xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD và nhập khẩu 20,7 tỷ USD, tăng 18,8% về xuất khẩu và 33,2% về nhập khẩu so với năm 2012. Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực hợp tác vì sự cân bằng cán cân thương mại.

“Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của Nhật Bản khoảng 700 tỷ USD và Hàn Quốc 500 tỷ USD. Như vậy nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường này khoảng 1.200 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy những cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 2 thị trường này” - ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, nhấn mạnh.

Dự báo của Bộ Công Thương cũng cho biết thời gian tới Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là 2 thị trường tiềm năng quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Hiện Bộ Công Thương và Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua nhiều hoạt động có lựa chọn, chia thị trường trọng điểm, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là trọng điểm số 1.

Song hành với đó là đẩy mạnh cơ hội thị trường thông qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay giữa Việt Nam và 2 quốc gia này đang có khung hợp tác trong ASEAN. Còn về các hợp tác riêng, Việt Nam và Hàn Quốc đang thúc đẩy FTA giữa 2 bên. Với Nhật Bản chúng ta cũng đã có FTA Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ 1-10-2009.

Nói về tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản, ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho biết: “Hiện tại, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu Nhật Bản - Việt Nam chỉ chiếm 1,65% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản, tuy nhiên trước sự phát triển không ngừng của quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước như hiện nay, tôi kỳ vọng trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Nhật Bản”.

Vượt qua rào cản

Các mặt hàng nông sản được xem là một trong những thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới xuất khẩu được nông sản chế biến hoặc đông lạnh, các mặt hàng nông thủy sản tươi sống, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chưa mở cửa cho hàng của Việt Nam. Theo thông tin từ ông Lê An Hải, chỉ khi chúng ta có hiệp định công nhận lẫn nhau về chất lượng hàng nông sản tươi sống, lúc đó rau củ quả cũng như thủy sản tươi sống của Việt Nam mới xuất khẩu được.

“Thời gian qua chúng ta xuất khẩu được thanh long và bắt đầu xuất khẩu xoài qua 2 thị trường khó tính này theo thỏa thuận đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, để có quả thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng ta đã mất 4 năm rưỡi và xoài cũng tương tự mới đáp ứng được những yêu cầu rất khắt khe” - ông Hải cho biết.

Ông Satoshi Nakajima cũng cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là 2 thị trường có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất thế giới. Vì thế, để đẩy mạnh được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, một trong những điểm Việt Nam cần lưu ý chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản là nông thủy sản, mặt hàng người tiêu dùng Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, với kinh nghiệm làm việc cùng đối tác Nhật Bản, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành, cho biết hiện Nhật Bản đang là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Đức Thành. Đây là nỗ lực rất lớn của Đức Thành, bởi khi làm việc với người Nhật luôn phải đảm bảo 2 yếu tố là uy tín và cam kết chất lượng 100%, thậm chí 101%. Về những băn khoăn của nhiều DN về việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối của Nhật Bản hay Hàn Quốc, ông Lê An Hải chia sẻ vài cách thức, như nỗ lực đưa hàng vào hệ thống phân phối của những tập đoàn này tại Việt Nam (Lotte, Aeon...). Bởi khi đã thực hiện được việc này, khả năng hàng hóa được sang hệ thống siêu thị của các tập đoàn này tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác rất cao.

Sản phẩm gỗ Đức Thành xuất khẩu sang Nhật Bản.

Sản phẩm gỗ Đức Thành xuất khẩu sang Nhật Bản.

Về việc Nhà nước liệu có hỗ trợ DN trong việc thâm nhập 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang bước vào nền kinh tế thị trường và phấn đấu trở thành nền kinh tế thị trường theo tiêu chí của WTO, vì thế Nhà nước chỉ cung cấp thông tin và cơ hội thị trường, còn sự tự thân, nỗ lực của DN mới là yếu tố quan trọng nhất.

Các tin khác