Ngành thép thua trên sân nhà?

Trước vòng đàm phán thứ 7 về Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) diễn ra hôm nay 15-9 tại Nga, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp ngành công nghiệp thép trong nước phải đóng cửa hoặc phá sản khi các mặt hàng sắt thép của Nga được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% vào Việt Nam.

Trước vòng đàm phán thứ 7 về Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) diễn ra hôm nay 15-9 tại Nga, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp ngành công nghiệp thép trong nước phải đóng cửa hoặc phá sản khi các mặt hàng sắt thép của Nga được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% vào Việt Nam.

Đối mặt cạnh tranh quá sức

VSA cho rằng ngành công nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh quá sức với người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép thế giới là nước Nga. Số liệu của Hiệp hội Thép thế giới cho thấy trong năm 2013 Nga đứng vị trí thứ 5 về sản xuất thép thô trên thế giới với 68,7 triệu tấn và xuất khẩu thép của Nga đạt 23,6 triệu tấn. Vì vậy, VSA cho rằng cần xem xét kỹ về phương án đàm phán thuế suất nhập khẩu của mặt hàng sắt thép trong VCUFTA cho phù hợp với mức thuế suất và lộ trình gia nhập WTO. Mặt khác, VSA cũng kiến nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất thép trong nước.

Trên thực tế, thời gian qua doanh nghiệp ngành thép cũng đã phải cạnh tranh quyết liệt từ doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2013 lượng ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 25% tổng số lượng nhập khẩu, trong khi nhập khẩu ống thép từ các nước ASEAN chỉ chiếm gần 20%. Dự báo, các doanh nghiệp sản xuất ống thép trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Việt Nam tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết của ACFTA. Theo đó, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng ống thép hàn sẽ giảm từ 5% hiện nay xuống 0% kể từ thời điểm 1-1-2015.

Báo cáo đánh giá tác động của ACFTA đến ngành sản xuất thép trong nước của VSA cho thấy, năm 2013 nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt khoảng 5 triệu tấn, chưa bằng một nửa tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất thép đang hoạt động. Nhiều nhà máy sản xuất thép trong nước phải giảm 45-50% công suất để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. 6 tháng đầu năm 2014 mức tiêu thụ thép xây dựng đạt khoảng 2,43 triệu tấn, tồn kho cuối tháng 6 ước khoảng 370.000 tấn, tăng 49.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Một khó khăn khác doanh nghiệp ngành thép trong nước đang phải đối mặt là tình trạng thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Riêng năm 2013 có 550.000 tấn thép cuộn xây dựng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo hình thức trên đã gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ước tính với mức giá nhập khẩu trung bình 550USD/tấn, mức thuế nhập khẩu áp dụng với thép cuộn 5%, nguồn thuế nhà nước thiệt hại khoảng 320 tỷ đồng.

Chưa có căn cứ xác đáng nguy cơ phá sản

Ngành thép thua trên sân nhà? ảnh 2Trong Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Nga là quốc gia giàu tài nguyên quặng sắt, công nghệ luyện thép hiện đại nên giá thành sản xuất các sản phẩm sắt thép của Nga rất rẻ, thậm chí rẻ hơn giá phôi thép tại Việt Nam. Nếu Việt Nam tham gia VCUFTA với mức thuế nhập khẩu các sản phẩm sắt thép bằng 0%, doanh nghiệp ngành thép sẽ điêu đứng vì phải cạnh tranh với gã khổng lồ ngành công nghiệp thép thế giới.
Ngành thép thua trên sân nhà? ảnh 3

Ông Phạm Chí Cường,
nguyên Chủ tịch VSA

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, cho biết VCUFTA với ưu đãi thuế nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép 0% là cần thiết. Đây là cơ hội tốt để thị trường Việt Nam có nhiều chủng loại sản phẩm thép của Nga chất lượng cao hơn. Ngành thép đã đến lúc phải chấp nhận cạnh tranh thực sự trên thị trường và mặt hàng sắt thép nằm ngoài danh mục hàng hóa được bảo hộ ở Việt Nam là hợp lý. Với một ngành theo kế hoạch năm 2014 sản xuất 9,55 triệu tấn thép các loại, trong khi phải nhập khẩu 9,5 triệu tấn nguyên phụ liệu với kim ngạch gần 7 tỷ USD, rõ ràng có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhất là trong sân chơi mới.

Theo một chuyên gia kinh tế, chúng ta đã gia nhập WTO, sắp tới tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chỉ có cạnh tranh mới làm giá sắt thép giảm và trật tự thị trường thép mới được thiết lập lại, doanh nghiệp phải thay đổi cách làm ăn và đầu tư, không thể cứ tiếp tục gia công sắt thép mãi. Ngành sản xuất thép và chính sách phát triển ngành thép nước ta trong thời gian qua đã được Nhà nước ưu đãi rất nhiều, như các ngành sản xuất ô tô, xăng dầu, điện...

Nhưng chính sự bảo hộ quá lâu đã làm cho sự phát triển của ngành thép tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đồng quan điểm này, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho rằng việc đàm phán mở cửa thị trường sẽ trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể giữa 2 bên, trong đó Việt Nam đặc biệt quan tâm đến xuất khẩu các mặt hàng dệt may, thủy sản, da giày và một số loại nông sản khác mà ta có ưu thế.

Riêng đối với các mặt hàng thép phía Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế. Như vậy về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp nhiều mặt hàng sắt thép Việt Nam không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam.

Đồng thời, 2 bên đều thống nhất việc đàm phán phải theo nguyên tắc trao đổi có đi có lại, xét trên tổng thể cân bằng lợi ích chung với một lộ trình cắt giảm thuế nhất định đối với một số mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng nhạy cảm của các bên, không phải đưa ngay về mức thuế suất 0% khi VCUFTA có hiệu lực. Những lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết hoàn toàn không có căn cứ xác đáng.

Các tin khác