Vốn FDI: Cuộc đua Nhật Bản-Hàn Quốc-Thái Lan

Với những thương vụ mua bán sáp nhập có giá trị lớn tại thị trường Việt Nam thời gian qua, Thái Lan đang dần trở thành những nhà đầu tư đáng quan tâm bên cạnh những cái tên quen thuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với những thương vụ mua bán sáp nhập có giá trị lớn tại thị trường Việt Nam thời gian qua, Thái Lan đang dần trở thành những nhà đầu tư đáng quan tâm bên cạnh những cái tên quen thuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản: gia tăng đầu tư

Trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản là cái tên hết sức quen thuộc. Trong năm 2012 và 2013 Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tính đến tháng 6 năm nay, Nhật Bản xếp thứ 3 với hơn 800 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, giảm so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đồng Yên mất giá.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu với hơn 2.300 dự án, tổng vốn đăng ký trên 35 tỷ USD. Đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với 1.213 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 29,82 tỷ USD (chiếm 54,2% tổng số dự án và chiếm 84,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 30 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 4% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực xây dựng có 54 dự án với vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD (chiếm 3% tổng vốn đầu tư).

Với quan điểm nhất quán, coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Ông Đỗ Nhất Hoàng,
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Mới đây, Phòng Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Cùng với đó, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Nói về sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam, ông Sato Motonobu, Tổng giám đốc Mitsui, cho biết Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cuộc chạy đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản, đó là thiện cảm của người Nhật với Việt Nam. Người Nhật thấy yên tâm khi hợp tác làm ăn với đất nước có nền chính trị, an ninh ổn định, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo. Thị trường tiềm năng, dân số đông và lao động trẻ của Việt Nam cũng là sức hút lớn với doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam, nhất là khi Nhật Bản đang giảm mạnh đầu tư tại Trung Quốc.

Về các tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Sojitz. Hiện tập đoàn này đã đầu tư vào hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, sau khi đầu tư thành công vào 2 khu công nghiệp (KCN) Long Đức và Long Bình, mới đây Sojitz đã quyết định đầu tư vào KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với quy mô lên tới gần 1.000ha, dễ dàng kết nối với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Quốc lộ 51, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Phú Mỹ 3 sẽ là KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản. Sojitz cũng đang nghiên cứu để hợp tác với Tập đoàn JK (Ấn Độ) đầu tư Nhà máy bột giấy, công suất 150.000 tấn/năm tại Khu kinh tế Dung Quất.

Cùng với Sojitz, Itochu cũng vươn dài cánh tay đến nhiều lĩnh vực tại Việt Nam với nhiều dự án đầu tư đình đám. Như năm 2012, Itochu cùng Tập đoàn Dệt May Việt Nam đầu tư 120 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi 50.000 cọc trên diện tích  20ha tại KCN Bảo Minh (Nam Định). Mới đây, Itochu cũng đề xuất với Bộ Giao thông-Vận tải dự án xây dựng bến cảng hàng rời dành cho hàng ngũ cốc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD.

Hàn Quốc: nhiều dự án khủng

Những năm trở lại đây Hàn Quốc luôn nằm trong top 5 quốc gia có vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2014, Hàn Quốc dẫn đầu trong số 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư mới đăng ký và tăng thêm đạt 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có những tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte…

Theo dự đoán, việc những tập đoàn lớn mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ kéo theo nhiều nhà cung cấp cùng sang Việt Nam đầu tư. Hiện Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2013, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sử dụng trên 500.000 lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.

Chưa bao giờ doanh nghiệp Nhật Bản có sự quan tâm cao tới thị trường Việt Nam như hiện nay, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, gia công kim loại, cơ khí… Mục đích của các doanh nghiệp này là cung cấp phụ tùng cho các doanh nghiệp lớn đã có mặt ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Ông Maruta Yoshihisa,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam 

Về những dự án lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc, không thể không nhắc đến Samsung. Mới đây, ngày 2-7, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án có tổng số vốn 1 tỷ USD cho Công ty Samsung Display thuộc Tập đoàn Samsung. Đây là dự án thứ 3 của hãng công nghệ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Với dự án xây dựng nhà máy thứ 3 này, Samsung đã nâng tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên đến 6,7 tỷ USD, trong đó có 2 dự án trước đây, gồm Nhà máy sản xuất điện thoại SEV tại Bắc Ninh 2,5 tỷ USD; dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) 3,2 tỷ USD. Ngoài ra, Samsung cũng có kế hoạch đầu tư vào Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), sân bay Long Thành (Đồng Nai), ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, thậm chí hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính phủ điện tử…

Một lĩnh vực khác cũng đang thu hút sự quan tâm của Hàn Quốc đó là lĩnh vực bán lẻ, trong đó Lotte đang nổi lên với nhiều dự án lớn. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay thương hiệu này đã có 7 trung tâm thương mại tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận.

Ngày 2-9 vừa qua, Lotte Mart đã khai trương trung tâm thương mại thứ 8 - Lotte Mart Hà Nội Center, đồng thời dự kiến cuối năm nay tiếp tục khai trương các trung tâm thương mại tại TPHCM và TP Vũng Tàu. Đây là những hoạt động nằm trong chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam của Tập đoàn Lotte, với mục tiêu sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020.

Cùng với đó, Lotte đã liên doanh với các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản xây dựng “Khu phức hợp thông minh” tại khu lõi trung tâm thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Dự án có mức đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, để đón đầu TPP, doanh nghiệp Hàn Quốc có sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực phụ trợ trong các sản phẩm may mặc. Một số nhà bán lẻ lớn của Hàn Quốc như E-mart cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Thái Lan: làn sóng mới

Thương vụ mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã tạo tiếng vang cho đầu tư Thái Lan tại Việt Nam. Việc mua lại Metro giúp BJC hoàn tất 4 mảng lớn là sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ. Thật ra, trước đó đã có nhiều tập đoàn Thái Lan đến đầu tư và cũng có nhiều thương vụ mua bán sáp nhập tương tự.

Tính đến cuối năm 2013, Thái Lan có 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,46 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong đó phải kể đến Siam Cement Group (SCG) hiện đang tập trung 5 mảng chính gồm hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.

Vào Việt Nam từ năm 1992, đến nay tập đoàn này đã có hơn 19 công ty thành viên với hơn 6.400 nhân viên và tổng tài sản trên 580 triệu USD. Năm 2012, SCG nổi đình đám với thương vụ mua lại 85% cổ phần của Prime Group, nhà máy sản xuất gạch men lớn nhất Việt Nam, với khả năng cung ứng 75 triệu m2/năm, chiếm 33% sản lượng tại Việt Nam. Để hoàn tất thương vụ, SCG đã chi ra khoản tiền 7,2 tỷ baht (khoảng 4.900 tỷ đồng).

Sản xuất ổ cứng tại Công ty Greystone Data Systems Vietnam (100% vốn Hoa Kỳ) trong KCX Linh Trung 2. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất ổ cứng tại Công ty Greystone Data Systems Vietnam (100% vốn Hoa Kỳ)
trong KCX Linh Trung 2. Ảnh: CAO THĂNG

Tiếp tục nối dài danh sách những vụ mua bán sáp nhập của mình, SCG đã thông qua các công ty con để lần lượt mua 23% và 20% cổ phần của CTCP Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, với tổng số tiền 1,3 tỷ baht. Ngoài ra, SCG tham gia Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam với vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD. Cùng với SGC, những nhà đầu tư Thái Lan khác cũng được biết đến như CP trong lĩnh vực chăn nuôi, hay Tập đoàn Amata đã đầu tư tại Đồng Nai 20 năm trước, với dự án khu công nghiệp Amata đang hoạt động khá hiệu quả.

Trong năm 2013, Amata đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu về việc triển khai dự án khu công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh này. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2 tỷ USD. Mới đây nhất, Amata đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án khu công nghệ cao và khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành. Dự án có vốn đầu tư 530 triệu USD.

Các tin khác