Cái giá của ưu đãi đầu tư

Khối doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, song điều đáng quan tâm là Việt Nam cho nhiều ưu đãi nhưng nhận được bao nhiêu?

Khối doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, song điều đáng quan tâm là Việt Nam cho nhiều ưu đãi nhưng nhận được bao nhiêu?

Khó bắt tay “người khổng lồ”

Những ngày gần đây, thông tin xung quanh việc sản xuất các linh, phụ kiện cho Samsung đang thu hút sự quan tâm của cả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, vào ngày 11-9, Tập đoàn Samsung đã tổ chức buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung. Phía Samsung cho biết trong số 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, chỉ 7 công ty nội có đủ khả năng nhưng chủ yếu làm bao bì và đóng gói.

Đó cũng là lý do khiến năm 2013, Samsung phải nhập khẩu tới gần 20 tỷ USD để mua thiết bị và linh kiện. Việc Samsung giới thiệu 8 điều kiện cơ bản cho nhà cung cấp, trong đó yêu cầu công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển; chất lượng phải có chứng nhận ISO, giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn… Samsung còn đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ nhưng không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù muốn cũng rất khó bắt tay với Samsung.

Cần rà soát các ưu đãi đầu tư để có một hệ thống ưu đãi mới, thích ứng với đòi hỏi của nhà đầu tư và kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút FDI vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại… Chính sách ưu đãi đầu tư cần đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư tiềm năng vào ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng mới, đồng thời phải tính toán và được thực hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, hiệu quả kinh tế - xã hội của từng địa phương, chấm dứt tình trạng thu hút FDI theo phong trào, bất chấp chất lượng, hiệu quả.

GS. Nguyễn Mại,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, để đáp ứng các yêu cầu trên của Samsung cần phải đầu tư nhiều công nghệ hiện đại với khoản vốn rất lớn. Vì thế các doanh nghiệp đề nghị phải có cam kết từ Samsung và sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc này. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được các phụ kiện đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn. Vấn đề ở chỗ, không chỉ doanh nghiệp nội chưa được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn điện tử lớn, mà ngay cả ngân sách nhà nước cũng chưa được hưởng bao nhiêu. Nhìn lại năm 2013, Samsung xuất khẩu 23 tỷ USD nhưng nộp ngân sách nhà nước chỉ 1.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, theo một số ý kiến không nên chỉ nhìn vào số tiền nộp ngân sách mà hãy nhìn vào những đóng góp khác như việc tập đoàn này tạo ra nhiều việc làm cho lao động Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quan, thời gian qua việc doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế đang là thực trạng rất đáng lưu tâm. Thực tế này đang cảnh báo chúng ta cần xem lại những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Hồi đầu năm, tại hội thảo về xem xét và đánh giá vai trò của chính sách khuyến khích đầu tư đối với tác động của nguồn vốn FDI với kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết khoảng 0,7% GDP là chi phí Việt Nam phải bỏ ra để thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho khu vực doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy cái giá nền kinh tế Việt Nam đang phải trả cho những chính sách ưu đãi ngày càng đắt lên.

Thậm chí, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích với sự thay đổi của dòng vốn FDI thế giới theo hướng phát triển công nghệ ít phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng, nếu chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam không chuyển kịp một cách đồng bộ, bao gồm cả chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước, tháo gỡ nút thắt hạ tầng kỹ thuật, hướng vào chọn nhà đầu tư cụ thể thay vì chọn quốc gia, vốn FDI đến Việt Nam sẽ là từ các nhà đầu tư tranh thủ kiếm lợi nhuận nhờ sự yếu kém về năng lực quản lý của Việt Nam.

Cần môi trường kinh doanh công bằng

Nhìn vào số liệu thống kê tình hình xuất khẩu có thể thấy doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ lệ quá bán trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, 8 tháng năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 97 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) ước đạt 60 tỷ USD, tăng 15,8% và chiếm 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Còn nếu kể cả dầu thô, con số này là 65,2 tỷ USD, tăng 15,6%. Chỉ tính riêng 2 nhóm hàng thuộc diện công nghệ cao là điện thoại di động và máy vi tính, điện tử, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 18,85 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 19,44% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong số này, phần lớn là đóng góp của doanh nghiệp FDI.

Tất nhiên, việc chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn của nhóm FDI cũng không hoàn toàn từ những ưu ái mà Việt Nam dành cho họ, mà do chính năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI. Song nhìn vào những ưu ái các tập đoàn công nghệ lớn nhận được, có thể thấy không hề nhỏ.

Cụ thể, với dự án 1 tỷ USD của Samsung Display, tỉnh Bắc Ninh cho biết Thủ tướng đã chấp thuận cho Samsung Display được hưởng thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo nếu dự án đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao theo đúng cam kết tại hồ sơ. Không chỉ riêng Samsung mà một số dự án công nghệ cao khác cũng được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ và các địa phương.

Nhìn nhận khách quan, việc có mặt các nhà đầu tư lớn đặc biệt những tên tuổi đình đám về công nghệ sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam. Song trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp trong nước rất cần nhiều trợ lực hơn từ Chính phủ để có thể cạnh tranh tốt hơn. Bảo vệ doanh nghiệp trong nước cũng chính là xu hướng chung khi các mức thuế đang giảm dần về 0% theo các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương liên tục được ký kết.

Các tin khác