Cải cách thuế, hải quan (K2): DN mong muốn…

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, Thông tư 119/2014/TT-BTC mà Bộ Tài chính vừa ban hành đã giải quyết nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn đó những khúc mắc…

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, Thông tư 119/2014/TT-BTC mà Bộ Tài chính vừa ban hành đã giải quyết nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn đó những khúc mắc…

Tại Thông tư 119, một loạt các vấn đề như quy định bắt buộc khai, tính thuế giá trị gia tăng, thủ tục hoàn thuế, lập hóa đơn... đã được sửa đổi, thậm chí bãi bỏ từ ngày 1/9/2014, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 200 giờ tính thuế, khai thuế mỗi năm.

Mới cải thiện được 80% yêu cầu

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề liên quan đến chính sách thuế mà doanh nghiệp kiến nghị chưa được sửa đổi, điều chỉnh.
Theo một đại diện của Dự án Quản trị Nhà nước của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ), Thông tư 119 mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Minh Nguyệt, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Gemadept (một đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ giao nhận kho vận) cho biết, Gemadept đang làm đại lý cho nhiều hãng tàu nước ngoài, với nhiều quốc tịch khác nhau. Nhiều nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam. Do vậy, khi phát sinh doanh thu tại Việt Nam, các chủ tàu sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, họ phải thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian mới được hưởng chính sách này. Thậm chí, đã có chủ tàu không muốn giữ mối quan hệ với Gemadept vì chính những thủ tục rườm rà từ cơ quan thuế.

Bà Nguyệt cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhằm loại bỏ các thủ tục gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi nào cả”.

Về thủ tục hải quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng có sửa nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thậm chí lại có tình trạng xử lý được vấn đề này thì lại nảy sinh vấn đề khác.

Cụ thể, về hồ sơ hải quan, Thông tư 119 đã bỏ quy định dùng hóa đơn xuất khẩu và chỉ cần sử dụng hóa đơn thương mại. Nhưng Thông tư lại quy định: "Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan".

Như vậy doanh nghiệp hiểu là ngày ghi nhận doanh thu là ngày thông quan. Trong nhiều trường hợp, hóa đơn thương mại trong tháng 8, lập tờ khai trong tháng 8 nhưng ngày thông quan trong tháng 9, do đó không thể để ngày ghi trên hóa đơn thương mại là ngày thông quan (hóa đơn thương mại lập trước khi thông quan). Thậm chí, trường hợp tháng 12 mở tờ khai mà tháng 1 (năm sau) mới thông quan thì doanh thu sẽ tính theo 2 năm khác nhau, điều này ảnh hưởng đến quá trình quyết toán thuế của doanh nghiệp.

Cần sự phối hợp, thống nhất của cơ quan thực thi

Đại diện Công ty Samsung Vina Electronics (Samsung) cho biết, theo quy định, những giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế.

Nhưng với những doanh nghiệp lớn như Samsung, số khách hàng nhiều, để quản lý được công nợ, Samsung cấp cho mỗi khách hàng một mã số, mã số này được thông báo cho ngân hàng mà hãng mở tài khoản. Ví dụ, tài khoản Samsung là 01234, mã số khách hàng là ABCD, khi chuyển khoản, khách hàng sẽ chuyển vào tài khoản 01234.ABCD (gọi là tài khoản ảo). Khi ngân hàng nhận được tiền, sẽ ghi “có” vào tài khoản công ty 01234, đồng thời xác nhận cho Samsung khoản tiền này do khách hàng có mã ABCD chuyển.

Hiện lượng khách hàng lên đến gần 1.000 và phát sinh hàng ngày nên Samsung chỉ có thể thông báo tài khoản chính (01234) cho cơ quan thuế mà không thể thông báo toàn bộ các tài khoản ảo được.

Tuy nhiên, về phía khách hàng thì tài khoản 01234.ABCD được coi là tài khoản của bên bán (Samsung) trong khi tài khoản thực là 01234. Vì vậy, khi khách hàng của Samsung làm thủ tục quyết toán, cán bộ thuế cho rằng hồ sơ không thỏa mãn điều kiện "thanh toán không dùng tiền mặt" nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT, không được tính chi phí khi quyết toán thuế TNDN (nghĩa là bị xuất toán toàn bộ chi phí mua hàng).

Sau khi nhận được kiến nghị, Cục Thuế TP.HCM ra công văn cho rằng trong tình huống này Sumsung không cần phải thông báo các tài khoản ảo cho Cục Thuế. Trong khi đó, Cục Thuế Hà Nội vẫn yêu cầu Samsung phải thông báo tài khoản ảo thì khách hàng mới đủ điều kiện khấu trừ thuế.

Ngoài sự không thống nhất giữa các địa phương, cũng theo đại diện Samsung, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do sự “không phối hợp” giữa các cơ quan thực thi như hải quan, kho bạc, ngân hàng...

“Ngày 5/9/2014, Công ty chúng tôi thực hiện thủ tục thông quan lô hàng tại Hải quan Hà Nội. Mặc dù Kho bạc Thành phố khẳng định tiền đã chuyển vào tài khoản của Hải quan, nhưng không biết do trục trặc ở đâu mà Hải quan cho biết vẫn chưa nhận được. Hai bên cứ “đẩy qua, đẩy lại”, không đơn vị nào chịu liên hệ với nhau để cùng giải quyết. Bên Công ty lại phải cử người đi lại nhiều, 3 ngày vẫn chưa xong. Theo tôi, vướng mắc này có thể do bên Hải quan không chịu cập nhật nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp đưa ra số bút toán mà kho bạc ghi cho hải quan, trong khi kho bạc nói rằng nếu hải quan yêu cầu thì liên hệ với họ chứ không đưa cho doanh nghiệp”, đại diện Samsung chia sẻ.

Theo đại diện của Samsung, tiền từ tài khoản doanh nghiệp đến được tài khoản của hải quan phải qua ngân hàng trung gian, rồi tới Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan rồi mới đến Cục Hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai. Cho nên nếu sự kết nối giữa các đơn vị này không chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian.

Nói cụ thể, nếu Kho bạc nhập liệu sai số tiền hay loại thuế, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin Kho bạc điều chỉnh; sau đó làm thủ tục xin Hải quan xác nhận về việc điều chỉnh. Cục Hải quan tạm thời chấp thuận việc điều chỉnh trên, nhưng phải chờ khi Kho bạc điều chỉnh xong với Tổng cục Hải quan thì hệ thống Hải quan toàn quốc mới cập nhật. Hoàn thành xong thủ tục này mất ít nhất từ 5 - 10 ngày. Bình quân mỗi ngày, Sumsung có trên 20 tờ khai và như vậy các lô hàng tiếp theo chưa thể thực hiện được và nó ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình nhập khẩu của doanh nghiệp.

Rõ ràng, doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước nhưng không có nghĩa họ lại phải đi giải quyết những vấn đề do sự thiếu liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước! Đây cũng là một trong những điều doanh nghiệp mong muốn được khơi thông.

Các tin khác