Thay bình, có đổi rượu?

Đến thời điểm hết tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hóa (CPH) trong các tháng đầu năm được đánh giá khả quan, cho thấy mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau CPH hoạt động có khác trước?

Đến thời điểm hết tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hóa (CPH) trong các tháng đầu năm được đánh giá khả quan, cho thấy mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau CPH hoạt động có khác trước?

Tỷ lệ cổ phần bán được thấp 

Tại thông báo kết luận về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới đây do Văn phòng Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp có điều kiện phải thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo quy định hiện hành; doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, hay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường. Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, trong quý III, Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Kết luận này được đưa ra trong bối cảnh 7 tháng năm 2014 khi cả nước mới CPH được 55 doanh nghiệp trong số 432 doanh nghiệp cần phải CPH giai đoạn 2014-2015. Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ là sự nhấn mạnh đề xuất trước đó của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại hội nghị về sắp xếp doanh nghiệp nhà nước diễn ra tháng 2 năm nay.

Dù có những chuyển biến về tốc độ CPH so với vài năm gần đây, nhưng so với bình quân mỗi tháng phải CPH 18 doanh nghiệp mới hoàn thành mục tiêu CPH giai đoạn 2014-2015, nên con số 55 doanh nghiệp CPH trong 7 tháng là quá ít. Không những vậy, theo thống kê của mạng dữ liệu chứng khoán Vietstock, việc đấu giá cổ phần nói chung đang diễn ra gian nan. Trong 7 tháng năm 2014, chỉ mới gần 43% số cổ phần chào bán thành công trên cả 2 sàn HNX và HOSE.

Một trong những điểm quan trọng của việc CPH là đổi mới về chất lượng hoạt động doanh nghiệp. Nếu CPH theo phương cách trên có thể chỉ hoàn thành về mặt số lượng, khó làm thay đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Trong đó, riêng sàn HNX có tỷ lệ thành công 37%, tương ứng hơn 177 triệu cổ phần trúng giá. Đáng chú ý phiên IPO của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, khi doanh nghiệp này đấu giá gần 50 triệu cổ phần nhưng chỉ hơn 1,5 triệu cổ phần bán được và Nhà nước vẫn nắm gần 99% vốn tại doanh nghiệp. Hay như trong tháng 6, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng chỉ bán được 2.000 cổ phần trong số gần 31 triệu cổ phần chào bán; Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng sau 2 lần đấu giá chỉ bán được khoảng 1,7 triệu cổ phần trong số 8,3 triệu cổ phần đưa ra công chúng...

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cần có những giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch CPH 432 doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phục hồi tốt. Bởi sức cầu của thị trường còn hạn chế, trong khi số lượng doanh nghiệp IPO tăng đột biến, đang dẫn tới hiện tượng bội cung.

Hệ quả nhiều đợt IPO không đạt thành công như mong muốn. Do đó, việc áp dụng phương thức CPH mới là chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động... nhằm bước đầu cải thiện chất lượng quản trị, cũng như tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết.

Sức ép đổi mới và nâng cao minh bạch

Một số chuyên gia cũng đồng tình ý kiến này và cho rằng, nếu tiến độ CPH cao nhưng khả năng hấp thụ của thị trường còn nhiều hạn chế cần có sự tính toán phương thức khác trong CPH doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Chẳng hạn, doanh nghiệp đàm phán giá bán, số lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trước, sau đó bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn, rồi chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Sau khi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, doanh nghiệp có thể thực hiện IPO để thoái bớt phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trên thực tế, quan điểm về việc lựa chọn, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước sau đó tiến hành IPO đã từng được một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất. Bởi phương án này sẽ giúp doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, làm tăng giá trị doanh nghiệp, từ đó hấp dẫn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Song ý tưởng này đã không biến thành chủ trương khi mà lúc đó nỗi lo về thất thoát tài sản nhà nước lớn hơn sự thúc giục về CPH, đổi mới doanh nghiệp. Và khi CPH gặp nhiều khó khăn, phương án mới mà cũ này mới được tính đến.

Tuy nhiên, lo ngại đối với phương thức CPH trên (cổ đông là Nhà nước, SCIC, người lao động...) là tính hình thức và tính minh bạch. Bởi hiện nay, yêu cầu về CPH lớn nhưng tiến độ còn chậm, khi mang danh đã hoàn thành CPH liệu sức ép về đổi mới doanh nghiệp có còn? Theo nhiều chuyên gia, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả ngân hàng dù đã là công ty cổ phần nhưng tính công khai, minh bạch kém, hầu như rất ít thông tin được đưa đến nhà đầu tư.

Doanh nghiệp tìm đủ cách né tránh điều này, nhất là khi chưa niêm yết, nên rõ ràng phương án trên là thách thức lớn cho sự đổi mới doanh nghiệp. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Vina Capital, cho rằng với doanh nghiệp nhà nước điều lo ngại là sau CPH, ban điều hành có tiếp tục ở lại điều hành nữa hay không; hội đồng quản trị mới sẽ như thế nào, có đưa ra các chiến lược hoạt động gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp không...? Đó là những vấn đề mà nhà đầu tư khó có thể lượng hóa được.

Các tin khác