TTCK: Sôi động "cuộc đua" tiếp vốn đầu tư

Vào những ngày cuối tháng 10-2009, VN Index đã có lúc tiệm cận 630 điểm nhưng không thể trụ nổi và sau đó có một đợt điều chỉnh mạnh. 5 năm sau, vào ngày 28-8-2014, chỉ số này đã vượt qua ngưỡng 630 điểm khá dễ dàng và vẫn trụ lại cho đến thời điểm này. Phải chăng, một chu kỳ mới hứa hẹn nhiều điều tích cực đang chờ đợi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam?

Vào những ngày cuối tháng 10-2009, VN Index đã có lúc tiệm cận 630 điểm nhưng không thể trụ nổi và sau đó có một đợt điều chỉnh mạnh. 5 năm sau, vào ngày 28-8-2014, chỉ số này đã vượt qua ngưỡng 630 điểm khá dễ dàng và vẫn trụ lại cho đến thời điểm này. Phải chăng, một chu kỳ mới hứa hẹn nhiều điều tích cực đang chờ đợi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam?

Thị trường đảo chiều?

Sau giai đoạn 2010-2011 khó khăn, TTCK đã bắt đầu phục hồi từ năm 2012 theo hướng năm sau tốt hơn năm trước, thậm chí năm 2014 còn gợi nhớ cả thời hoàng kim 2006-2007. Vào tháng trước, KSH (Khoáng sản Hamico) chỉ quanh quẩn vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu (CP), nhưng sau 15 phiên tăng trần liên tiếp hiện đã có giá xấp xỉ 16.000 đồng/CP, tỷ lệ tăng hơn 2,6 lần. Trong 2 phiên ngày 4 và 5-9, BCC (Xi măng Bỉm Sơn) đã tăng trần và ngay lập tức, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt (VDSC) đã đặt ra khả năng BCC trở thành “câu chuyện” tiếp theo sau PPC (Nhiệt điện Phả Lại) và HT1 (Xi măng Hà Tiên 1).

Nhiều đối tác nước ngoài đã tiếp cận với Sasco bàn kế hoạch tham gia mua cổ phần, nhưng không phải đối tác nào cũng phù hợp với mục tiêu chung của công ty. Trước khi IPO, chúng tôi đề ra kế hoạch kinh doanh như lợi nhuận sau thuế các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt 146 tỷ đồng, 170 tỷ đồng và 186 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang mô hình CTCP, Sasco quyết tâm đạt cao hơn để đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông.

Đoàn Thị Mai Hương,
Phó Tổng giám đốc Sasco

Theo VDSC, từ cuối tháng 6 đến nay, EUR đã giảm khoảng 6% so với đồng Việt Nam và hiện tỷ giá đang ở mức 27.500VNĐ/EUR (theo Vietcombank). Diễn biến này đã tác động đến những CP đang vay nợ lớn bằng EUR trên TTCK, chủ yếu là các công ty xi măng như HT1, BCC, BTS (Xi măng Vicem Bút Sơn).

Theo đó, HT1 liên tục tăng giá, trong khi BCC vừa được đưa ra khỏi diện cảnh báo nhờ lợi nhuận 6 tháng đầu năm dương trở lại (tính đến thời điểm cuối quý II, công ty này có khoản nợ bằng EUR quy ra gần 2.400 tỷ đồng). Theo báo cáo tài chính quý II-2014 của BCC, nếu lãi suất EUR giảm 10 điểm cơ bản, lợi nhuận trước thuế của công ty có thể tăng thêm gần 2 tỷ đồng, còn nếu tỷ giá giảm 1% có thể giúp lợi nhuận trước thuế tăng hơn 19 tỷ đồng.

HT1, một trong những CP tiêu biểu của năm 2014 khi đầu năm nay có giá khoảng 6.000 đồng/CP nhưng đã tăng gần gấp 3, lên sát ngưỡng 18.000 đồng/CP vào đầu tháng 9. HT1 có vốn điều lệ lớn, gần 3.180 tỷ đồng, thanh khoản cao nên CP này đã lọt vào tầm ngắm các quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có các quỹ ETF.

Tuy nhiên, câu chuyện liên quan đến vốn và thanh khoản của HT1 chưa ngoạn mục bằng trường hợp của FLC (Tập đoàn FLC). Mới tuần rồi, một quỹ ETF đã công bố đưa FLC vào danh mục và đây là một trong những lý do quan trọng để CP này tăng giá gấp đôi chỉ trong khoảng 4 tháng, với thanh khoản cao vào loại bậc nhất thị trường.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc FLC tăng giá, đó là một trong những CP có thanh khoản cao nhất thị trường, đã kéo thêm nhiều dòng tiền tập trung tại FLC. Với người mua, ngoài khả năng sinh lời của CP điều quan trọng là thanh khoản, trong khi hàng ngày FLC khớp hàng chục cho đến vài chục triệu CP. Nhờ vậy, từ chỗ là mặt hàng dành cho nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, FLC dần thu hút thêm cả dòng vốn ngoại tham gia.

Dòng tiền lan tỏa

Một tháng qua, ngoài sự bùng nổ của VN Index khi liên tiếp chinh phục các ngưỡng kháng cự quan trọng 610, 630 điểm, thanh khoản cũng trở thành một chỉ báo quan trọng của TTCK. Trong điều kiện bình thường, thanh khoản thường dao động 1.500-2.000 tỷ đồng/phiên, trong giai đoạn hưng phấn đạt mức 3.500-4.000 tỷ đồng/phiên và hiện tại thanh khoản cả 2 sàn đang ở mức này. Về dòng tiền trên sàn hiện nay, đã có những nhận định về dòng tiền margin đang giữ vai trò khá lớn trong việc đẩy thanh khoản. Bên cạnh đó là dòng tiền của NĐTNN đang tham gia ngày một sâu rộng hơn trên toàn thị trường.

NĐTNN đang chứng tỏ lợi thế khi tham gia TTCK. Một trong số đó là có nguồn vốn dồi dào và chấp nhận làm ngược với thị trường. Thời gian qua, không ít lần chúng ta chứng kiến TTCK tăng NĐT trong nước mua vào, trong khi khối ngoại lại bán ra. Ngược lại, có những lúc thị trường điều chỉnh (như giai đoạn tháng 5), NĐTNN đã tích cực mua vào để sinh lời.

TS. Nguyễn Văn Thuận,
Đại học Mở TPHCM 

Lấy đơn cử LHC (Công ty Đầu tư - Xây dựng thủy lợi Lâm Đồng) là CP có thanh khoản thấp, chỉ vài ngàn CP được giao dịch mỗi phiên, vốn điều lệ của công ty cũng chỉ 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm qua giao dịch của LHC, hiện có P/E gần 7 lần, EPS hơn 9.000 đồng/CP và đã xuất hiện NĐTNN tại LHC, khi khối này mua vào “rả rích” mỗi phiên vài ngàn CP.

Do chưa có đơn vị/cá nhân nào công bố thông tin về giao dịch tại LHC nên chưa thể biết chính xác “tác giả” của các giao dịch trên. Song ở đây không loại trừ khả năng có những quỹ ngoại chuyên săn tìm CP thanh khoản thấp, nhưng hoạt động kinh doanh tương đối tốt để mua vào. Những năm trước, các quỹ ngoại không chịu khó đến vậy và dòng tiền của họ chỉ tập trung các doanh nghiệp đầu ngành.

Sự chịu khó của quỹ ngoại cũng đồng nghĩa với khả năng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn. Tháng trước, Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM) đã cam kết đầu tư chiến lược vào Đức Long Gia Lai (DLG) với tỷ lệ nắm giữ lên đến 20%. Trước đó, cũng chính GEM ký kết hợp đồng đầu tư vào FLC 200 tỷ đồng với dạng thu xếp vốn từng lần. Cũng giống như FLC, DLG được xem là tiềm năng nhưng phát lộ tới đâu còn phải chờ xem.

Tuy nhiên, có thể hiểu theo hướng tích cực rằng NĐTNN thấy được ở những công ty đó có tiềm năng nhất định mới tham gia và điều này mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Với NĐT cá nhân, việc có quỹ ngoại tham gia sẽ củng cố thêm kỳ vọng và có thể xuất hiện những hành động như mua theo, mua đuổi. Đã có những quỹ ngoại tham gia, doanh nghiệp cũng có thể kéo thêm những quỹ ngoại khác. Dòng tiền nhờ vậy sẽ gia tăng và luân chuyển đều đặn hơn.

Chờ đợi thời cơ

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhắc đến dòng tiền của các tổ chức nước ngoài khi các quỹ đầu tư trong nước cũng đang có những nỗ lực vận động đáng kể. Cuối tháng 8 vừa qua, có những thông tin cho thấy Công ty Quản lý quỹ VFM huy động được 200 tỷ đồng cho quỹ ETF VFMVN30 - quỹ ETF nội đầu tiên trên TTCK. Thực tế, con số 200 tỷ đồng chưa đến 10 triệu USD không phải là lớn, nhưng đã cho thấy những chỉ báo tích cực.

Từ năm 2013 cho đến đầu năm nay, những quỹ mở đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường và quy mô thường ở mức tổi thiểu 50 tỷ đồng. Trong khi đó một số nhận định cho rằng, 1 quỹ phải có quy mô tối thiểu 200 tỷ đồng mới thuận lợi trong đầu tư. Đến thời điểm này VFMVN30 đã đạt được con số 200 tỷ đồng, buộc các quỹ khác phải nỗ lực để đạt con số tương tự.

Thí dụ, có khoảng 5 quỹ đầu tư nội đạt quy mô 200 tỷ đồng/quỹ, tức tổng số tiền đã lên đến 1.000 tỷ đồng, một con số tương đối khá. Dòng tiền từ NĐT nội bỏ vào quỹ nhờ vậy cũng có ảnh hưởng đáng kể, thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư. Nếu kết quả tích cực, sẽ kéo thêm nhiều dòng tiền của NĐT trong nước đổ vào các quỹ, nhờ vậy ngành quản lý quỹ cũng được hưởng lợi.

Dòng tiền mới kéo theo vấn đề đặt ra là có hàng mới hay không? Được biết ngày 22-9 tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ tiến hành bán đấu giá gần 122 triệu CP với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP và ngày 12-9 là hạn nhận tiền cọc. Trước Vinatex vài ngày, Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng tiến hành IPO hơn 31 triệu CP.

Cả Vinatex và Sasco đều là những tên tuổi lớn được thị trường chờ đợi, nhưng do có một số rào cản nên không phải NĐT nào cũng có thể tiếp cận. Với Vinatex, nhiều người e ngại mốc 3 năm mới lên sàn tập đoàn này đề ra trong những lần gặp gỡ, trao đổi với NĐT trước khi IPO. Với Sasco, lãnh đạo công ty cho biết chưa có ý định lên sàn, dù khẳng định đang nỗ lực hết mức có thể để hoạt động kinh doanh tiếp bước những thành công sau 21 năm thành lập.

TTCK những ngày đầu tháng 9 đã tạo thêm sinh khí cho NĐT. Ảnh: LONG THANH

TTCK những ngày đầu tháng 9 đã tạo thêm sinh khí cho NĐT.  Ảnh: LONG THANH

Từ việc Sasco hay Vinatex ngập ngừng niêm yết, nhìn lên sàn thấy nhóm CP dầu khí tăng giá mạnh cũng gợi ra nhiều suy nghĩ. CP dầu khí là điển hình thành công trong việc niêm yết khi các đơn vị trực thuộc Petro Vietnam hầu hết được cổ phần hóa và niêm yết rất nhanh chóng.

Nhờ vậy lượng hàng hóa họ dầu khí, dù vàng thau lẫn lộn nhưng luôn ở thế đông đảo nhất trên thị trường. Dòng tiền nhờ vậy cũng sẽ tập trung, luân chuyển quanh họ dầu khí và các công ty trong ngành cũng rất thuận lợi trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, những họ CP mạnh như dầu khí trên sàn còn quá ít và dòng tiền cũng không thể mãi tập trung tại một họ CP, vì giá tăng quá nhiều sẽ không thể tăng nữa.

Dòng tiền tham gia TTCK dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nhìn chung đang gia tăng đều đặn, nếu ở mức giá tốt sẽ có người mua. Vậy nên, để TTCK tiếp tục vận động hiệu quả, thu hút thêm dòng tiền, việc cổ phần hóa, IPO doanh nghiệp lớn của Nhà nước cần được thực hiện một cách tích cực.

Các tin khác