Cải cách thuế, hải quan: Điểm mặt nhũng nhiễu, tiêu cực

Không chỉ thủ tục hành chính phức tạp, khó khăn mà tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế hiện đang là trở ngại lớn cho quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ.

Không chỉ thủ tục hành chính phức tạp, khó khăn mà tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế hiện đang là trở ngại lớn cho quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ.

Một trong những điều doanh nghiệp ca thán về ngành Thuế như thông tư, chỉ thị, văn bản về thuế thay đổi “chóng mặt”, khiến doanh nghiệp rất khó cập nhật văn bản mới nên làm sai. Chính điểm này tạo ra kẽ hở cho việc trục lợi của một số nhân viên ngành Thuế và gây thất thoát ngân sách.

Kẽ hở lớn cho việc trục lợi, gây thất thoát ngân sách

Giám đốc một doanh nghiệp ngành dệt, nhuộm có trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM (đề nghị giấu tên) nói rằng chính nhân viên ngành thuế bày cách “lách thuế” để cho doanh nghiệp trốn thuế.

Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: Khuyết điểm của doanh nghiệp là không nắm rõ những chi phí nào là đúng và được chấp nhận theo tinh thần khai báo thuế. Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế, cơ quan thuế thường không quyết toán ngay mà có khi lại để tới vài ba năm sau mới quyết toán. Suốt thời gian này, nhiều cái sai mà doanh nghiệp không biết nên từ đó mới “lộ” ra số tiền lãi rất lớn và số lãi này phải đóng thuế. Nếu doanh nghiệp không muốn đóng thì phải “đi đêm” với cán bộ thuế.

“Năm vừa qua, doanh nghiệp tôi quyết toán thuế trong 3 năm, số lãi tăng lên đến 700 triệu đồng. Nếu đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) rồi cộng với tiền phạt thì số tiền nộp rất lớn. Nhưng cán bộ thuế biết cách làm cho hồ sơ đúng (để doanh nghiệp giảm được số tiền phải nộp) và muốn vậy phải có tiền “bôi trơn”, vị giám đốc này nói.

Cùng vấn đề này, một doanh nghiệp tại quận Tân Bình (TPHCM), đưa ra ví dụ, sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế, số lãi tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng, với thuế thu nhập doanh nghiệp 25% thì số tiền phải nộp là 250 triệu đồng. Muốn giảm số tiền thuế phải nộp, thay vì nộp 250 triệu đồng thì doanh nghiệp có thể nộp 150 triệu đồng vào ngân sách, còn 100 triệu, nhân viên thuế và doanh nghiệp sẽ thỏa thuận chia tỷ lệ 50/50 (nhân viên thuế hưởng 50 triệu đồng, doanh nghiệp giữ lại 50 triệu đồng, còn ngân sách Nhà nước… không được đồng nào trong số 100 triệu đồng lẽ ra phải là của mình!).

Vấn nạn “tiền lót tay” vẫn còn đó

Khi được hỏi về việc có hay không tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, một đại lý khai thuế hải quan tại cảng Cái Lái, TPHCM cho rằng mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực nhưng tình hình thực tế vẫn không mấy cải thiện.

Để thông quan, doanh nghiệp phải đi qua rất nhiều cửa, từ bộ phận tiếp nhận tờ khai, đến thuế, kiểm hóa, đến đâu cũng phải “chi tiền”, đại lý này cho biết.

Về lý do phải đưa tiền, theo đại lý này, những doanh nghiệp khai sai mã hàng để hòng giảm thuế thì tiêu cực là đương nhiên!?. Còn bình thường, khi doanh nghiệp khai sai mã hàng, cũng có cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp đưa về đúng mã mặt hàng đó, nhưng số khác lại “bắt tay” với doanh nghiệp để chia chác phần chênh lệch thuế.

Chẳng hạn: Lô hàng trị giá 10 tỷ đồng, doanh nghiệp khai sai để giảm xuống còn 5 tỷ đồng và đóng thuế 10%; số tiền chênh lệch thuế này được chia cho doanh nghiệp 2 phần, cán bộ hải quan 1 phần.

Ngay cả với những doanh nghiệp làm đúng nhưng nếu không chi tiền thì tờ khai sẽ bị để lại làm sau (nộp sáng sớm thì đến cuối ngày mới được giải quyết và đến hôm sau mới thông quan được); còn nếu chi tiền sẽ giải quyết ngay.

“Trước đây, việc doanh nghiệp đưa tiền thường là kẹp vào tờ khai. Nhưng khi ngành hải quan lắp camera để chống tiêu cực, cán bộ hải quan lại thay đổi bằng cách đưa cho doanh nghiệp 1 chiếc đĩa cứng. Tiếng là để doanh nghiệp copy dữ liệu nhưng thực tế là doanh nghiệp phải đi ra ngoài để tiền vào đó rồi nộp cùng với đĩa cứng cho họ”, đại lý này tiết lộ.

Như vậy, khi nhân viên trong ngành hải quan cố tình bắt tay với doanh nghiệp để trốn thuế thì cá nhân nhân viên hải quan đó “có lợi”, doanh nghiệp “có lợi”- nhưng đó là cách thu lợi không chính đáng,  không thúc đẩy sự phát triển một cách minh bạch mà làm méo mó chính sách của Nhà nước, thậm chí đây có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong buổi làm việc với ngành Thuế và Hải quan hồi tháng 7 vừa qua, ngoài việc chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng cho rằng, một bộ phận cán bộ những ngành này còn nhũng nhiễu, tiêu cực nên cần kiên quyết đưa số này ra khỏi ngành, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Các tin khác