Kinh doanh chiến tranh (K1): Tiền và máu

Chiến tranh là thứ kinh khủng nhất của loài người, nó mang lại đau thương, chết chóc và làm tiêu tốn lượng lớn tài lực của các nước tham chiến. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh và thường tìm mọi cách để chiến tranh xảy ra.

Chiến tranh là thứ kinh khủng nhất của loài người, nó mang lại đau thương, chết chóc và làm tiêu tốn lượng lớn tài lực của các nước tham chiến. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh và thường tìm mọi cách để chiến tranh xảy ra.

Trong cuốn “War is a Racket” xuất bản năm 1935, tác giả Smedley Butler (một cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) viết: “Chiến tranh là một thủ đoạn kiếm tiền. Nó luôn luôn như vậy. Đó có lẽ là cách kiếm tiền lâu đời nhất, dễ dàng nhất, nhưng chắc chắn là cách xấu xa nhất vì đã mang lại đô la bằng cách lấy đi những mạng sống”.

Từ thế chiến thứ nhất

Theo Smedley, thế chiến thứ nhất đã tiêu tốn của Hoa Kỳ 50 tỷ USD (tương đương 869,53 tỷ USD hiện nay), tức mọi người dân Hoa Kỳ từ trẻ em cho đến người già phải gánh thêm 400USD nợ. Nhưng nó mang lại siêu lợi nhuận cho những kẻ hưởng lợi. “Lợi nhuận bình thường của một doanh nghiệp tại Hoa Kỳ là 6, 8, 10 và đôi khi 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận trong thời chiến lên đến 20, 60, 100, 300, thậm chí 1.800%” - Smedley viết.

Ông dẫn chứng hãng Du Pont đã đứng trước Quốc hội khoe khoang rằng nhờ thuốc súng của họ Hoa Kỳ đã chiến thắng, tức họ đã cứu nền dân chủ của thế giới. Doanh thu bình quân của hãng này trong thời gian 1910-1914 (trước thế chiến) 6 triệu USD/năm, nhưng trong giai đoạn 1914-1918 (khi chiến tranh diễn ra), lợi nhuận hàng năm của Du Pont là 58 triệu USD, gần gấp 10 lần so với thời bình.

Thế chiến thứ nhất đã giúp ít nhất 21.000 người Hoa Kỳ trở thành triệu phú hoặc tỷ phú.

Smedley Butler

Hay trường hợp của Bethlehem Steel, công ty thép thuộc loại nhỏ đã chuyển từ việc làm đường sắt và cầu sang sản xuất vật liệu chiến tranh. Trong giai đoạn 1910-1914, doanh thu bình quân của công ty 6 triệu USD. Nhưng vào thời chiến (1914-1918), con số này tăng vọt lên 49 triệu USD/năm.

Hãng United States Steel có doanh thu bình quân 5 năm trước thời chiến 105 triệu USD/năm, một con số không tồi. Khi chiến tranh đến, họ kiếm được 240 triệu USD/năm. Các công ty thuốc súng và thép đã hưởng lợi cao từ chiến tranh, các lĩnh vực khác thì sao? Công ty đồng Anaconda có doanh thu bình quân 5 năm trước chiến tranh 10 triệu USD/năm, trong thời chiến 34 triệu USD/năm.

Công ty đồng khác là Utah Copper có doanh thu 5 triệu USD/năm trước chiến tranh, và nhảy lên 21 triệu USD/năm trong chiến tranh. Tính bình quân trong nhóm 5 công ty này, trước chiến tranh có doanh thu 137,48 triệu USD/năm, trong chiến tranh vọt lên 408,3 triệu USD/năm, tăng 296%.

Những con số trên chưa phải là cao. Hãy nhìn trường hợp của Công ty da Central Leather Company. Lợi nhuận của công ty này trong 3 năm trước chiến tranh 3,5 triệu USD, tương đương 1,16 triệu USD/năm. Vào năm 1916, họ đạt lợi nhuận 15 triệu USD, tăng 1.100%. Lợi nhuận bình quân 3 năm trước chiến tranh của Công ty hóa chất General Chemical Company hơn 800.000USD/năm.

Đến khi chiến tranh diễn ra, họ đạt lợi nhuận 12 triệu USD/năm, tăng tới 1.400%. International Nickel Company còn có mức lợi nhuận siêu hơn. 3 năm trước chiến tranh, công ty đạt lợi nhuận 4 triệu USD/năm, nhưng đạt tới 73 triệu USD/năm trong những năm chiến tranh, tương đương mức tăng 1.700%. Những ngành không liên quan trực tiếp như đường, thịt… vẫn có mức tăng ấn tượng.

Công ty đường American Sugar Refining Company có doanh thu 2 triệu USD/năm trước chiến tranh, đạt tới 6 triệu USD/năm vào năm 1916. Một tài liệu của Thượng viện có nói về  lợi nhuận 122 công ty đóng gói thịt, 153 nhà sản xuất bông, 299 nhà sản xuất hàng may mặc, 49 nhà máy thép và 340 nhà sản xuất than trong chiến tranh. Theo đó, lợi nhuận của các công ty than trong thời chiến tăng 100-7.856%, các nhà đóng gói thịt tăng 200-300%. Nhưng ngành gặt hái siêu lợi nhuận trong chiến tranh chính là ngân hàng. Tuy nhiên, vì quy tắc bí mật của ngân hàng thời đó nên không có được những con số cụ thể.

Đến chiến tranh chống khủng bố

Cuộc chiến ở Iraq do Hoa Kỳ phát động năm 2003 đã mang lại chết chóc cho gần 60.000 người, đồng thời biến Iraq trở thành một địa ngục trần gian do các hoạt động khủng bố liên tục xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến đã mang lại hàng tỷ USD hợp đồng cho các công ty phương Tây.

Từ số liệu do Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Hoa Kỳ công bố, chuyên gia cao cấp William D. Hartung của Viện Chính sách thế giới (WPI), cho biết: Năm 2007, Hoa Kỳ chi 141,7 tỷ USD cho cuộc chiến ở Iraq, lớn hơn ngân sách quân sự của Trung Quốc và Nga cộng lại; dự toán chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ năm 2008 lớn hơn tổng GDP của 47 nước Hạ Sahara ở châu Phi. Khi tuyên bố rút quân và chấm dứt cuộc chiến ở Iraq, chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận đã tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD cho cuộc chiến này và các cuộc chiến chống khủng bố nói chung. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng con số thực tế phải hơn 6.000 tỷ USD, tức lớn hơn toàn bộ phí tổn của thế chiến thứ hai.

Cũng như trong những cuộc chiến trước đó, kẻ hưởng lợi không phải là những người lính phải đổ máu trên chiến trường, mà chính là những kẻ thao túng ở phía sau, những người cả đời chưa bao giờ phải vác cây súng lên vai, phải chịu đói chịu khát vì chiến sự. Họ là một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo quốc gia và những ông chủ của các công ty, mà Phong trào Phố Wall gọi là “nhóm 0,01%”.

Trong chiến tranh Iraq, kẻ hưởng lợi lớn nhất là Halliburton. Theo trang MSN Money, chi nhánh KBR, Inc. của Halliburton thu về 17,2 tỷ USD hợp đồng liên quan đến chiến tranh Iraq. DynCorp của quỹ Veritas Capital Fund là kẻ hưởng lợi thứ hai, với mức lợi 1,44 tỷ USD. Báo cáo năm 2011 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết 100 nhà thầu quân sự lớn nhất đã bán được 410 tỷ USD vũ khí và thiết bị, dịch vụ quốc phòng. Trong đó, 10 công ty đứng đầu bán được hơn 208 tỷ USD. SIPRI cho biết trong giai đoạn 2002-2011, doanh số quốc phòng của top 100 công ty tăng tới 51%.

Dựa trên báo cáo của SIPRI, tờ 24/7 Wall St. đã thống kê những nhà thầu quân sự gặt hái được nhiều lợi ích nhất từ các cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ trong vòng 1 thập niên. Đứng đầu danh sách này là hãng Lockheed Martin (LMT), chuyên sản xuất máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, các thiết bị không gian. Tổng doanh số của hãng này năm 2011 là 46,5 tỷ USD, nhưng doanh số từ quốc phòng chiếm tới 36,3 tỷ USD (78%). Điều này lý giải vì sao Lockheed Martin đứng đầu danh sách các công ty chi nhiều nhất cho công tác vận động chính sách (lobby) năm 2011 ở Hoa Kỳ, với 15 triệu USD, tăng 19% so với năm 2010.

Chiến tranh là một thủ đoạn kiếm tiền.

Chiến tranh là một thủ đoạn kiếm tiền.

Doanh số quốc phòng của công ty này năm 2010 là 35,7 tỷ USD. Xếp thứ hai chính là đại gia sản xuất máy bay Boeing, với doanh số quốc phòng đạt 31,8 tỷ USD năm 2011. Công ty trụ sở tại Chicago sản xuất nhiều loại vũ khí, bao gồm các hệ thống tên lửa chiến lược, hệ thống quang - điện tử - laser và hệ thống định vị toàn cầu. Nhưng doanh số quốc phòng của công ty chỉ chiếm 46% tổng doanh số năm 2011. Ở vị trí thứ ba là BAE Systems, công ty quốc phòng ở Anh.

Đây là công ty ngoài Hoa Kỳ hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động. Quốc phòng chiếm 95% doanh số của công ty năm 2011, với 29,2 tỷ USD. Các sản phẩm bao gồm hệ thống phòng vệ ROD L Bar (lá chắn xe quân sự) và Hawk Advanced Jet Trainer dùng đào tạo phi công quân sự. Các nhà thầu còn lại trong top 5 là General Dynamics (GD), doanh số quốc phòng 23,8 tỷ USD; và Raytheon (RTN), 22,5 tỷ USD.

(Còn tiếp)

Các tin khác