Cơ hội từ TPP: Cuộc “đại phẫu” để sinh tồn

Được coi là 1 trong 3 hiệp định thương mại lớn nhất thế giới (cùng với ASEAN + 6, Hoa Kỳ - EU), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được 12 nước cam kết đẩy nhanh tốc độ đàm phán. Dù vẫn còn những khó khăn, phức tạp trong đàm phán, nhưng các chuyên gia đều kỳ vọng TPP sẽ là bước đệm để kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn.

Được coi là 1 trong 3 hiệp định thương mại lớn nhất thế giới (cùng với ASEAN + 6, Hoa Kỳ - EU), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được 12 nước cam kết đẩy nhanh tốc độ đàm phán. Dù vẫn còn những khó khăn, phức tạp trong đàm phán, nhưng các chuyên gia đều kỳ vọng TPP sẽ là bước đệm để kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn.

Độ mở lớn

Tuy vẫn đang ở giai đoạn đàm phán và trong vòng bí mật do những nội dung nhạy cảm của hiệp định, những tiết lộ ra bên ngoài cho thấy TPP đi vào những vấn đề hết sức gay gắt đối với từng quốc gia. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TPP có các đặc trưng lớn. Thứ nhất, mức độ sâu rộng trong thương mại, đầu tư, dịch vụ.

So với các hiệp định khác, TPP không đặt cao vấn đề hợp tác, hoặc việc các nước chậm phát triển được ưu đãi. Thứ hai, phần lớn trong 30 chương về TPP, cao nhất và quan trọng nhất không phải giảm thuế quan mà liên quan đến chính sách bên trong quốc gia, sau đường biên giới. Bởi lẽ vấn đề thuế quan giảm không còn nhiều, trong khi các hàng rào phi thuế quan, chính sách, điều tiết mới là cản trở thương mại, đầu tư. Chẳng hạn, với ô tô thuế nhập khẩu 0% nhưng chỉ thông quan ở 1 cửa khẩu nhỏ; hay mở cửa dịch vụ nhưng không có cơ sở hạ tầng cho đầu tư… Đây được coi là những vấn đề “cực kỳ thách thức và nhạy cảm”.

Tác động của TPP với Việt Nam là lớn, có nhiều ngành được hưởng lợi nhưng có những ngành sẽ gặp khó như chăn nuôi, ô tô. TPP là hiệp định chất lượng cao nên nảy sinh nhiều vấn đề khó trong đàm phán, như doanh nghiệp nhà nước, cơ chế xử lý tranh chấp nhà nước với nhà đầu tư. Đặc biệt, sự thành công của TPP phụ thuộc vào việc Nhật Bản và Hoa Kỳ đàm phán xong vấn đề về nông nghiệp.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM

TPP được coi là hiệp định thương mại của thế kỷ 21 khi hàng loạt cam kết mang tính gai góc được đưa ra đàm phán, như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, cạnh tranh, tiêu chuẩn môi trường, lao động... TPP giống WTO ở điểm đàm phán ký kết trọn gói, khi quốc hội các nước thông qua là thực hiện ngay, khác với các hiệp định như ASEAN + 6, ASEAN + Ấn Độ, ASEAN + Trung Quốc cứ cam kết, những phần nào chưa thực hiện tiếp tục đàm phán. Điểm quan trọng là TPP đòi hỏi mức độ minh bạch, giám sát cao hơn và xử lý tranh chấp cao.

Chẳng hạn, trong vấn đề thương mại, sau khi TPP có hiệu lực, lập tức 90% dòng thuế sẽ giảm xuống 0%, 10% còn lại kéo dài tối đa đến 10 năm. TPP sẽ bỏ hết thuế xuất khẩu, cho phép nhập khẩu hàng cũ hay tân trang nên mức độ cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Những ngành xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có lợi khi thuế quan giảm như dệt may giảm từ 17% còn 0%. Nhưng điều này đặt ra thách thức là phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ (do Việt Nam sản xuất hay nhập khẩu từ các nước TPP), bởi hiện nay sợi Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc - nước không tham gia đàm phán TPP.

Trong vấn đề đầu tư, TPP khác với các FTA khác là “chọn bỏ”. Nghĩa là các nước đưa ra các ngành, lĩnh vực cấm, còn lại phải mở hết. Quy định này tốt với doanh nghiệp nhưng lại khó trong lĩnh vực tài chính. Bởi thị trường tài chính thế giới mỗi ngày ra một công cụ mới nên rất khó giám sát.

Hay nguyên tắc xử lý tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài được trao quyền trực tiếp kiện chính phủ một nước TPP ra tòa án nước ngoài, thay vì tòa án và pháp luật nước đó; đồng thời có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các quy định pháp luật nội địa về quyền sử dụng đất, môi trường, sức khỏe, tài chính và lĩnh vực khác mà theo họ đã vi phạm các đặc quyền TPP mới của họ.

Vậy TPP sẽ tác động tới Việt Nam ra sao? Phần lớn ý kiến cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhất. Thí dụ, GDP sẽ tăng 5%, 7% hay 10%; xuất khẩu tăng 20-30% - cao nhất trong các nước. Song độ hưởng lợi chỉ tương đối bởi mức tăng trưởng này không bằng tăng trưởng GDP 3% của Nhật Bản. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam hưởng lợi ít do TPP liên quan đến các chính sách sau đường biên giới. Theo đó, sự hưởng lợi phụ thuộc vào việc Việt Nam cải cách đến đâu.

Môi trường kinh doanh tốt hơn

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn. Cụ thể nước ta đang thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), được coi là bước chuẩn bị cho thực thi với một chính phủ hướng đến giải trình minh bạch theo TPP.

Dù đổi mới là một tiến trình liên tục đối với nước ta, nhưng có thể nói lần này có vào TPP mới tạo ra đột phá mới, được xem là cuộc Đổi mới lần 2 của Việt Nam. Vì hội nhập TPP sẽ dẫn đến những thay đổi căn cơ mọi thứ, khi nó đòi hỏi một môi trường kinh doanh minh bạch, mang tính cạnh tranh cao.

Ông Trương Đình Tuyển,
cố vấn đoàn đàm phán TPP

Chia sẻ quan điểm này, TS. Trần Du Lịch,  Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng TPP sẽ tạo áp lực cho Việt Nam thay đổi môi trường kinh doanh trong nước và người đầu tiên hưởng lợi chính là doanh nghiệp. TS. Lịch phân tích: “Thách thức ở tầm quốc gia là tại sao Việt Nam muốn vào TPP? Vào TPP, điều lớn nhất là chúng ta gia nhập sân chơi các nền kinh tế phát triển sẽ giúp nâng cao trình độ nền kinh tế Việt Nam, cái mà chúng ta đang thiếu.

Đó là những cái thiếu sơ khai của kinh tế thị trường, như tác phong công nghiệp của công nhân; doanh nhân nặng về “tay không bắt giặc”, bỏ sở trường làm sở đoản, kinh doanh theo phong trào; quản lý nhà nước yếu kém khiến kinh tế phát triển méo mó… Khi hội nhập, tác động đầu tiên là nâng văn minh nền kinh tế lên như đã từng có thay đổi từ khi gia nhập WTO”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu năm 2005, Bộ Chính trị không quyết tâm, ra chỉ thị về gia nhập WTO, “không ai áp lực được Việt Nam thay đổi”. Hiện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang xây dựng một loạt luật cải cách thể chế để gia nhập TPP.

Thí dụ, lâu nay Luật Doanh nghiệp cho doanh nghiệp được quyền này, quyền kia nhưng dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này không nêu doanh nghiệp được quyền, chỉ ghi cấm còn phổ biến là quyền. “Chính phủ cũng đang khó khăn về vấn đề này, vì đòi hỏi phải thay đổi nhận thức triệt để. Sẽ giải quyết được sức ì thể chế nếu gia nhập TPP và đó là lợi lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Chính môi trường đó mới thể hiện ai giỏi, ai dở và sẽ phát huy sáng tạo” - ông Lịch nhận xét.

Đổi mới hay là... chết

Khi hội nhập, nước ta cũng sẽ làm rõ vai trò của Nhà nước - thị trường. Theo đó, Nhà nước đứng đâu, can thiệp gì, làm gì, sẽ rõ ràng và minh bạch hơn. Hội nhập sẽ làm bớt đi ưu đãi nhưng tăng hỗ trợ, Nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường như bà đỡ, còn sau đó để thị trường điều chỉnh.

Sau 5 năm bất ổn vĩ mô, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn phát triển tốt, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lao đao. Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp trong nước thiếu tính liên kết.

Thí dụ, 1 doanh nghiệp dệt may trong 3 tháng có thể hoàn thành và giao 500.000 sản phẩm đúng theo đơn đặt hàng. Nhưng nếu đơn hàng là 1,5 triệu sản phẩm thì rất khó thực hiện vì không có liên kết với doanh nghiệp khác. Vậy, giải pháp nào để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khi vào TPP? Theo TS. Trần Du Lịch, đó là phải nhận thức được cơ hội xung quanh mình và biến nó thành hiện thực. Nền kinh tế nước ta đang dần bước vào giai đoạn chấm dứt thời kỳ doanh nghiệp làm ăn chụp giật, hướng tới phát triển bền vững. Do vậy, những doanh nghiệp vẫn giữ thói quen này sẽ khó thành công.

Bên cạnh đó doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển và có lợi nhuận phải đi vào đầu tư công nghệ chất lượng cao, đào tạo lại lao động... Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, nâng cao vai trò các hiệp hội. “Việt Nam đã hội nhập nhưng kinh tế vẫn trì trệ, doanh nghiệp vẫn gặp khó. Nhưng tôi tin rằng từ nay đến năm 2015 kinh tế sẽ ổn định và sẽ mở ra nhiều cơ hội từ năm 2016 trở đi. TPP sẽ là bệ phóng để Việt Nam đi tới” - TS. Lịch kỳ vọng.

Tham gia TPP, thuế nhập khẩu ô tô là 0% nhưng chỉ thông quan ở 1 cửa khẩu nhỏ - thách thức lớn đối với Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Tham gia TPP, thuế nhập khẩu ô tô là 0% nhưng chỉ thông quan ở 1 cửa khẩu nhỏ
- thách thức lớn đối với Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan đến câu chuyện hàng rào kỹ thuật khi vào TPP, theo các chuyên gia, dù có hay không TPP, doanh nghiệp vẫn gặp phải hàng rào kỹ thuật từ các nước. Điểm khác nhau là khi vào TPP, doanh nghiệp có chỗ để kiện.

Cách thích ứng là doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, dù mất thời gian tổ chức nhưng là việc phải làm. Hàng rào kỹ thuật là cần thiết vì nó liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn. Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách nhìn về hàng rào này như biện pháp bảo hộ, mà cần hướng tới tính hợp lý của nó nhằm tăng được sức canh tranh chính từ những điều kiện tiêu chuẩn mà các nước đặt ra.

Các tin khác