Thị trường bán lẻ: Miếng ngon thị phần cho ai?

Sau thương vụ mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan, miếng bánh thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam hẳn sẽ được phân chia lại, trong đó phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Thái Lan nói riêng không hề nhỏ.

Sau thương vụ mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan, miếng bánh thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam hẳn sẽ được phân chia lại, trong đó phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Thái Lan nói riêng không hề nhỏ.

Đối tác ngoại tăng tốc

Hơn nửa tháng sau khi Metro Cash & Carry Việt Nam chính thức chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ tại Việt Nam cho BJC, thương vụ trị giá 879 triệu USD này được dư luận đặc biệt quan tâm. Với tiềm lực tài chính mạnh, BJC đã tăng tốc và dần lộ diện thông qua các cuộc mua bán và sáp nhập, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2013, BJC đã thực hiện thương vụ đình đám mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart với tuyên bố chuỗi này sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan. Trước đó, BJC cũng từng chi 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp (DN) bán lẻ ở miền Bắc.

Việc có thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập sẽ làm thị trường bán lẻ nước ta thêm sôi động, thúc đẩy nhà đầu tư trong nước nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội chọn lựa. Song thực tế, nếu nhà đầu tư trong nước không sốc lại mình một cách nghiêm túc, sẽ rất khó cạnh tranh với những con “cá mập” ngoại, thậm chí có thể bị đè bẹp bất cứ lúc nào.

Đinh Thị Mỹ Loan,
Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam

Cùng với sự hiện diện của BJC, một nhà bán lẻ khác của Thái Lan cũng thể hiện những bước đi nhanh nhạy của mình tại thị trường Việt Nam là Tập đoàn Central. Chỉ vài tháng sau khi khai trương Trung tâm Robins tại Royal City Hà Nội, mới đây Central đã được cấp giấy phép đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm Robins tại Crescent Mall, TPHCM.

Thời gian khai trương dự kiến vào tháng 11-2014. Ông Tos Chirativat, Chủ tịch Hội đồng điều hành kiêm Tổng giám đốc Central Group, từng chia sẻ: “Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó hơn 60% trong độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao, Việt Nam đang trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn đối với các nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ”.

Có thể thấy các nhà bán lẻ Thái Lan đang hâm nóng thị trường Việt Nam thông qua nhiều hoạt động. Song điều đó không có nghĩa những nhà bán lẻ ngoại khác đang dậm chân tại chỗ. Tất cả tên tuổi như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) hay Big C (Pháp)… đều đang có những toan tính cho riêng mình. Như trường hợp của Lotte, có mặt ở Việt Nam từ năm 2008, đến nay thương hiệu này đã có 7 trung tâm thương mại tọa lạc tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội.

Ngày 2-9 vừa qua, Lotte Mart chính thức khai trương trung tâm thương mại thứ 8 - Lotte Mart Hà Nội Center, tọa lạc tại 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, Lotte Mart sẽ tiếp tục khai trương các trung tâm thương mại Pico Tân Bình, Gò Vấp (TPHCM) và TP Vũng Tàu. Đây là những hoạt động nằm trong chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam của Tập đoàn Lotte, với mục tiêu sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020.

Một cái tên khác cũng gây nhiều sự chú ý của giới bán lẻ và cả người tiêu dùng là Aeon (Nhật Bản). Giữa tháng 7 vừa qua, trong buổi làm việc cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, phía Aeon cho biết dự tính năm 2015 sẽ mở thêm trung tâm tại Hà Nội.

Aeon đề ra mục tiêu đầu tư khoảng 40 tỷ yên tại Việt Nam trước năm 2016. Với sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, năm 2020 tập đoàn còn đặt mục tiêu tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần mức đầu tư với kỳ vọng vươn lên trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Nội chênh vênh chống đỡ

Ghé vào siêu thị Vinatex Mart trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) vào một ngày cuối tuần, cả siêu thị chỉ lác đác vài người khách, hàng hóa cũng không phong phú, khung cảnh buồn tẻ bao trùm. Chị Nguyễn Thu Nguyệt, một khách hàng tại đây, cho hay vì có thẻ quà tặng của Vinatex Mart nên ghé mua.

Thực ra, không chỉ ở Gò Vấp, theo ghi nhận của ĐTTC, một vài địa điểm khác của Vinatex Mart cũng không đông khách tới mua sắm. Mặc dù có thế mạnh là hàng may mặc, nhưng tại một vài siêu thị thuộc chuỗi Vinatex Mart khách hàng cũng không quá mặn mà.

Theo kế hoạch từng được Vinatex Mart chia sẻ, đến năm 2015 hệ thống sẽ có khoảng 200 siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thiết nghĩ, bên cạnh kế hoạch khuyếch trương sự hiện diện, Vinatex Mart hẳn cũng phải tìm cho mình một kế hoạch thực sự bài bản mới có thể trở thành hệ thống bán lẻ hàng đầu các sản phẩm dệt may thời trang Việt Nam.

Cạnh tranh càng gay gắt, DN Việt càng bộc lộ rõ những hạn chế lớn: yếu về tài chính, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, thiếu nhân sự có trình độ, trong đó nhược điểm lớn nhất là thiếu liên kết. Vì thế, ngay từ bây giờ, nhà sản xuất, nhà phân phối phải ngồi lại với nhau, liên kết cùng mua cùng bán, tổ chức lại sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định cho siêu thị.

Ông Vũ Vinh Phú,
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Nhìn vào chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam có khá nhiều cái tên quen thuộc như Saigon Coop, hệ thống siêu thị Maximark, Vinatex Mart, Hapro, Satra, Fivi Mart… Nhưng để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà bán lẻ ngoại e vẫn còn nhiều điều phải nỗ lực.

Ngay như Saigon Coop, theo thông tin từ Tạp chí Bán lẻ châu Á - tạp chí hàng đầu khu vực về thông tin của ngành bán lẻ - và Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, năm 2014, Saigon Coop tiếp tục giữ vững danh hiệu giải Vàng nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, thuộc tốp 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh lại đang minh chứng Saigon Coop chưa mạnh ở khu vực phía Bắc, nhất là tại Hà Nội khi chuỗi này mới chỉ có 1 siêu thị tại thủ đô.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung, miền Nam, mặc dù chuỗi Coop Mart được trải khá rộng, nhưng nhìn một cách khách quan cũng chưa thật sự vững vàng khi đối đầu với đối thủ ngoại như Big C. Tất nhiên không thể phủ nhận những nỗ lực của Saigon Coop trong những năm qua.

Khoảng giữa năm 2013, Saigon Coop đã khai trương đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn CoopXtraplus tại Linh Trung, Thủ Đức (TPHCM) với vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Đây là kết quả của liên doanh giữa Saigon Coop - FairPrice, với vốn điều lệ ban đầu 6 triệu USD, trong đó Saigon Coop (Việt Nam) 64% và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) 36%. Theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 20 đại siêu thị.

Có tận dụng thời cơ?

Điểm yếu chung của hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, yếu về công nghệ… Và để có thể bắt tay nhau tạo nên sức mạnh bó đũa lại không đơn giản chút nào. Tất cả vì những lợi ích riêng của mỗi DN  nên chưa thể hòa hợp. Còn nhớ, cách đây một thời gian, 4 DN bán lẻ lớn là Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Coop hợp tác xây dựng CTCP Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), có vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, với tham vọng phát triển VDA thành tập đoàn bán lẻ số một thị trường nội địa.

Nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu vì mỗi đơn vị còn mải chạy theo kế hoạch của riêng mình. Theo các chuyên gia, khoan nói đến cạnh tranh, DN bán lẻ Việt Nam cần tự đổi mới mình từ tầm nhìn đến cung cách kinh doanh, hậu mãi vẫn chưa thể đuổi kịp các hãng bán lẻ nước ngoài.

Mặc dù không còn nằm trong top những thị trường bán lẻ hấp dẫn, nhưng mức tăng trưởng và tiềm năng của một quốc gia có số dân trẻ chiếm phần nhiều vẫn đang trở thành lực hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê cho thấy trong số 90 triệu dân nước ta, dân số thành thị đạt 33%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nhanh, đạt mốc 2.000 USD/năm. Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%, Trung Quốc 64% và các nước EU hơn 70%.

Gian hàng bán đồ trang sức của Lotte Mart Hà Nội khai trương ngày 2-9. Ảnh: LÃ ANH

Gian hàng bán đồ trang sức của Lotte Mart Hà Nội khai trương  ngày 2-9. Ảnh: LÃ ANH

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tổng mức bán lẻ đã đạt khoảng 1.655.000 tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2013 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%). Trong đó, nhóm ngành thương nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 76,75%, nhóm nhà hàng - khách sạn 12,06%, nhóm dịch vụ 10,26% và nhóm dịch vụ du lịch chỉ chiếm khoảng 0,93%.

Với mức tăng trưởng đó, những hoạch định cho tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam đang cho thấy có dư địa phát triển rất lớn đối với nhà đầu tư. Cụ thể, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ phát triển 1.200-1.300 siêu thị (tăng thêm 550 siêu thị mới so với hiện tại), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm (tăng gần 200 trung tâm so với hiện tại).

Dự báo đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, nơi mà hình thức mua sắm truyền thống đang ngự trị rất cần những công cuộc khai phá của các nhà bán lẻ chuyên nghiệp.

Miếng bánh thật hấp dẫn, nhưng ai sẽ dành được phần to hơn, những con “cá mập” từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… hay những nhà đầu tư Việt Nam?

Các tin khác