Tấm gương cao quý nhà bác học nông dân

Có những con người khi từ biệt cõi đời nhưng người đời không bao giờ quên được. Một trong những con người ấy có bác sĩ nông học Lương Định Của. Ông đã ra đi gần 40 năm, nhưng hoa thơm, trái ngọt, giống lúa.... ông để lại cho đời, cho người nông dân Việt Nam vẫn còn mãi mãi.

Có những con người khi từ biệt cõi đời nhưng người đời không bao giờ quên được. Một trong những con người ấy có bác sĩ nông học Lương Định Của. Ông đã ra đi gần 40 năm, nhưng hoa thơm, trái ngọt, giống lúa.... ông để lại cho đời, cho người nông dân Việt Nam vẫn còn mãi mãi.

Cả tên tuổi của ông cũng trở thành thân thuộc và nó được gắn liền với những thành quả mà ông để lại. Giống lúa ông Của, dưa lê ông Của, khoai lang ông Của, cà chua ông Của… Lương Định Của sinh ngày 16-8-1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1937 Lương Định Của đỗ tú tài toàn phần, rồi sang Hồng Công học đại học y khoa và tiếng Anh. Học gần hết khóa, ông chuyển sang Trung Quốc học tại Trường Đại học kinh tế Thượng Hải. Sau đó do chiến tranh, trường đóng cửa. Năm 1943 ông sang Nhật thi vào khoa sinh vật thực nghiệm, Trường Đại học Kyushu.

Điểm thi của ông rất cao (đầu bảng) nên được nhà trường đặc cách tuyển thẳng vào học năm thứ ba. Một sinh viên Việt Nam dong dỏng cao, đẹp trai, học giỏi có tiếng trên đất Nhật, nên ông được nhiều người mến nể, khâm phục. Năm 1944 khi Lương Định Của đang học tại Trường Đại học Kyushu, cô Nobuko sinh viên Trường Đại học Nữ công, quê ở Kumamoto - Ken đã đem lòng mến ông. Ngày ấy ở Nhật Bản rất hiếm con gái được gia đình cho lấy chồng là người ngoại quốc, nhất là người An Nam. Nhưng Lương Định Của lại là niềm tự hào của gia đình cô Nobuko. Chính phủ Nhật Bản ngày đó muốn giữ ông ở lại với đất nước này, nên đã cùng gia đình cô sinh viên tạo mọi điều kiện cho hai người yêu nhau.

Năm 1945 Lương Định Của tốt nghiệp Đại học Kyushu, cũng là năm ông cùng Nobuko tổ chức lễ thành hôn. Bà Nakamura Nobuko sinh ngày 15-11-1922 tại tỉnh Kumamoto Nhật Bản. Từ ngày kết hôn cùng Lương Định Của, bà lấy họ của ông đặt trước tên của mình thành Lương Nobuko.

Bà Lương Nobuko nhớ về những năm tháng ấy: “Tháng 9-1945 khi chúng tôi vừa cưới nhau thì được tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời do Bác Hồ lãnh đạo. Anh Của mừng lắm. Anh khóc và bảo tôi: Nước mình không còn bị áp bức nữa. Dân mình không còn là Annamít nữa. Là người Việt Nam. Là dân nước Việt Nam độc lập rồi. Anh nôn nóng bàn với tôi xin về nước. Tôi rất xúc động khi thấy tình cảm anh Của đối với quê hương mình. Tôi đồng ý theo anh về nước. Nhưng khi đó một số người bạn thân của anh Của chân tình khuyên. Họ bảo: anh có lòng yêu nước, hãy cứ kiên trì nán lại học thêm, trau dồi thêm tri thức. Nền nông nghiệp nước mình lạc hậu cần có trí tuệ và tài năng cao, khi về nước, mới có điều kiện phục vụ tốt hơn, nhiều hơn. Tôi và anh Của suy nghĩ, cho là phải. Rồi anh quyết định ở lại Nhật học thêm”.

Sau một thời gian ra công tác. Lương Định Của cùng gia đình chuyển lên Kyoto, rồi thi vào cao học, học khoa di truyền chọn giống ngành nông nghiệp. Nobuko đã hết lòng giúp đỡ, chăm sóc, cổ vũ và tạo mọi điều kiện để chồng ăn học. Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương vợ đã thôi thúc Lương Định Của miệt mài học tập, tích lũy kinh nghiệm và say sưa nghiên cứu khoa học. Trời Nam và đất Nhật đã không phụ đứa con thông minh, luôn hướng lòng về Tổ quốc.

Hết khóa học Lương Định Của đỗ tốt nghiệp loại ưu, bằng bác sĩ nông học. Kể từ thời Minh trị Thiên Hoàng, tức đời vua Nhật thứ 122, đây là học vị cao nhất của ngành nông học Nhật Bản. Lương Định Của là một trong 96 người của toàn nước Nhật đạt học vị cao này. Năm ấy Chính phủ Nhật đã phong ông là giáo thụ (giáo sư) trường đại học Kyoto. Vừa giảng dạy Lương Định Của vừa dành thời gian đi thực tế ở nhiều vùng nông thôn, nông nghiệp trên nước Nhật để nghiên cứu và tích lũy những kiến thức về thực nghiệm.

Là một giáo sư có tài, lương cao, ông được nhiều người trọng vọng, yêu mến. Cuộc sống gia đình ngày một sung mãn. Hai đứa con của Lương Định Của và Nobuko là Lương Hồng Việt và Lương Hồng Đức được sinh ra trên đất Nhật đều khỏe mạnh, học giỏi và chăm ngoan. Tình cảm vợ chồng đằm thắm, hạnh phúc. Một số người khuyên Lương Định Của sang Hoa Kỳ để hưởng giàu sang, sung sướng hơn. Nhưng tâm tưởng ông vẫn khắc khoải hướng về Tổ quốc. Được đến thăm những điển hình nông nghiệp, Lương Định Của lặng lẽ cần mẫn lần tìm và ông đã chọn được những giống lúa có năng suất cao nhất nước Nhật. Ông dúm từng gói, để riêng trong một chiếc va li chờ dịp mang về nước.

Bác sĩ nông học Lương Định Của và phu nhân thời trẻ.

Bác sĩ nông học Lương Định Của và phu nhân thời trẻ.

Tháng 6-1952 trút bỏ giàu sang, sung sướng, khước từ lòng mến mộ, níu giữ, tha thiết của bạn, Lương Định Của cùng vợ và hai người con trai rời Nhật trở về Tổ quốc sau 10 năm du học và công tác xa quê hương. Bà Nobuko kể: “Trong hành trang về nước, chiếc va li đựng những gói thóc giống là tài sản quý nhất của vợ chồng tôi. Nó là vật bất ly thân. Tôi và anh Của thay nhau giữ nó, không rời người lúc nào. Vợ chồng tôi bảo vệ chiếc va li như bảo vệ mấy đứa con vậy.

Hôm lên đường anh Của rất vui. Anh bảo tôi nông dân nước anh nghèo lắm, về nước mình có điều kiện giúp họ. Tôi bảo nông dân nước em nữa chứ. Anh gật đầu, mỉm cười, vẻ sung sướng. Ý của anh Của khi ấy là từ Nhật Bản về thẳng Việt Bắc nơi có Bác Hồ và Chính phủ ta. Nhưng do sự cố bất ngờ trong chuyến bay gia đình tôi đành phải về cư trú tại Sài Gòn”.

Được tin Lương Định Của về nước, một số quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn trong đó có Phan Khắc Sửu đã tìm mọi cách thuyết phục mời Lương Định Của ra làm việc. Ông từ chối. Họ hứa trao quyền cao, chức trọng và bổng lộc hậu hĩnh, ông cũng khước từ. Ông chỉ nhận làm hợp đồng ở Bộ Canh nông. Vừa làm việc, Lương Định Của vừa lặng lẽ liên lạc với kháng chiến. Gần 2 năm sau ông mới tìm được tổ chức của ta. Tháng 12-1954 Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn đã bí mật đón gia đình Lương Định Của ra vùng kháng chiến rồi tổ chức đưa gia đình ông tập kết ra miền Bắc.

Bà Lương Nobuko nhớ lại: “Hành trình của vợ chồng tôi từ Nhật, sang Hồng Công, về Sài Gòn, lên chiến khu, ra miền Bắc. Gặp nhiều cản trở, bao nhiêu đồ đạc quý giá mất hết, chỉ còn chiếc va li có gói thóc giống anh Của đeo khư khư ở vai là còn. Anh Của bảo tôi đừng tiếc, chiếc va li này còn là còn tất cả”. Bà Lương Nobuko năm nay đã 92 tuổi, đang sống cùng con cháu tại TPHCM. Không thể nói khác hơn, chính bà là điểm tựa để nhà bác học Lương Định Của có những đóng góp quý giá cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Các tin khác