Chinh phục sông Mã

Ngày nay, phương tiện kỹ thuật tốt hơn nhưng bà con sinh sống trên dòng sông Mã chảy qua những tán rừng miền Tây Thanh Hóa vẫn vô cùng gian nan khi đi lại trên sông. Vậy mà mấy chục năm trước trên dòng sông này, chàng thanh niên Hà Văn Dân đã dũng cảm chinh phục dòng nước dữ, cứu tài sản và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ngày nay, phương tiện kỹ thuật tốt hơn nhưng bà con sinh sống trên dòng sông Mã chảy qua những tán rừng miền Tây Thanh Hóa vẫn vô cùng gian nan khi đi lại trên sông. Vậy mà mấy chục năm trước trên dòng sông này, chàng thanh niên Hà Văn Dân đã dũng cảm chinh phục dòng nước dữ, cứu tài sản và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ký ức chưa xa

Cuộc sống vất vả của bà con trên sông Mã đã xui khiến tôi tìm đến Khu 6, thị trấn Quan Hóa, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa để tìm ông Hà Văn Dân. Hơn 60 tuổi, là thương binh bậc 3/4, biểu tượng của sức mạnh con người chinh phục thiên nhiên. Hỏi ra, được biết đã không ít bà con đến tìm ông để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng ít ai làm được như ông ngày đó, cứ ngụp lặn, cứ đưa bè luồng vượt qua hết ghềnh này, thác dữ kia. Câu chuyện của ông đưa tôi ngược dòng thời gian thời chống Mỹ.

Khi đó, rừng luồng xứ Thanh rất được coi trọng. Mỗi cây luồng, giống như viên đạn, xuôi dòng sông Mã ra mặt trận để làm lán, hầm, công sự cho bộ đội. Năm 17 tuổi, ông Dân được nhận vào làm việc ở Trạm Lâm nghiệp Quan Hóa. Nhờ những nỗ lực của bản thân, sự dũng cảm của một chàng trai miệt núi, ông Dân được mệnh danh là chàng trai chinh phục thác sớm nhất vùng Quan Hóa.

Ông Hà Văn Dần. 

Ông Hà Văn Dần. 

Trạm Lâm nghiệp ngày đó không chỉ chịu trách nhiệm khai thác, thu gom luồng, gỗ mà phải đảm trách đưa luồng cùng gỗ rừng về xuôi an toàn. Tất cả được vận chuyển bằng đường sông nhỏ, đi ra sông Mã, tập kết tại thị trấn Hồi Xuân, rồi lại đi theo sông Mã xuống Cửa Hà (huyện Cẩm Thủy). Mỗi tổ vận tải chừng 10-12 người. Mái chèo là cây luồng dài khoảng 10m. Mỗi bè thường mang theo 12 khối gỗ, luồng (500-600 cây). Nước cạn đi mất 15 ngày, nước to không gặp nạn mất 4 ngày.

“Đi sông Mã không có cái máu lửa thì không đi được. Tức là phải liều, chẳng màng sống chết. Tôi thuộc loại người không sợ chết, nên xác định làm được gì giúp cho đơn vị, đóng góp cho đất nước đánh Mỹ thì tôi sẽ gắng hết sức, không màng hy sinh. Sông Mã chảy qua Sơn La, vòng sang Lào rồi đổ vào miền Tây Thanh Hóa. Đến đây, nước chảy xiết lắm” - ông Dân tâm sự.

Sự hung dữ của dòng sông lại một lần nữa trở về theo lời kể của ông Dân. Uốn mình qua các dãy núi, từ cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát) đến huyện Bá Thước, sông Mã có tới hàng trăm ghềnh nước hung dữ, sẵn sàng nuốt chửng tất cả người và những gì trôi trên dòng nước. Nhiều đoạn đá ngầm nằm dưới lòng sông đã trở thành những “tử huyệt”, là nỗi khiếp sợ của dân bè mảng. Những khó khăn ấy không làm nản lòng Hà Văn Dân.

Chiến công đầu tiên của ông Dân vào một ngày cuối năm 1965. Lúc đó, sau bữa cơm chiều, đang ngồi nghỉ cả nhóm nghe tiếng ầm ầm, một bè gỗ 15 khối đứt dây, trôi ra giữa dòng nước xiết. Ông Dân hét lên: “Bè trôi rồi, anh em mau cứu bè”, rồi cùng đồng nghiệp ông Dụng nhảy xuống sông bơi đuổi theo bè. Ông Dân bám chặt đầu bè gỗ, bảo ông Dụng lấy đoạn luồng cắm xuống, giữ bè rồi tìm cách đưa bè gỗ vào bờ. Khi neo được vào gần bờ, Dân thúc giục bạn chạy về đơn vị gọi anh em ra tiếp sức, còn mình ở lại giữ bè gỗ.

Nhưng sự việc không đơn giản. Mưa lớn ập xuống, nước sông cuồn cuộn. Ông Dụng và đồng nghiệp không thể đưa thuyền sang bên kia sông để giúp đồng nghiệp. Họ thấp thỏm, lo lắng đứng ở bên này mà lòng dạ đau thắt. Ông Dân ở lại coi bè suốt đêm đến sáng hôm sau. Mùa đông lạnh buốt, ngâm mình tới lúc gần kiệt sức thì anh em đến, cứu được người và tài sản, đưa vào bờ an toàn.

Sức mạnh của con người

Tôi hỏi: “Ông không sợ nước có thể đẩy cả ông và bè trôi đi sao?”. Ông Dân nói: “Nếu lúc đó tôi buông xuôi, để bè trôi xuống đoạn thác Chiếng tất cả sẽ tan tành ngay. Khối tài sản ở trên bè cũng sẽ mất. Tôi không thể để mất tài sản của đơn vị và Nhà nước”. Chiến công ấy của ông đã được viết lên báo Tiền Phong, Bác Hồ đã đọc, biết được tấm gương thanh niên nên đã gửi tặng Hà Văn Dân huy hiệu để động viên. Chàng trai 18 tuổi ngỡ ngàng xúc động đến bật khóc.

Hàng chục chuyến vượt thác ghềnh của ông cùng đồng nghiệp đã giúp cho hàng vạn cây luồng, hàng trăm khối gỗ được chuyển về xuôi. Tuổi trẻ của ông Dân cống hiến cho ngành còn được ghi nhận ở một trường hợp khác mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Đó là khoảng giữa tháng 10-1966. Hôm ấy, do vận chuyển ban ngày nên tổ bè bị máy bay địch phát hiện. Máy bay đuổi theo bè, quyết giết những công nhân này. Họ bắn đạn làm đứt dây mây níu các thân luồng. Luồng trôi tứ tung.

“Đạn bay vù vù trên đầu. Tôi cùng một số đồng nghiệp đưa bè sát vào bờ, núp dưới những tán cây rồi bơi ra kéo chụm những cây luồng vào. Lần thứ ba bơi ra, tôi đang ra cứu chiếc bè cuối cùng thì mắt hoa lên, tai ù đặc. Tôi bị đạn bắn vào mặt. Máu chảy nhòe cả. Khắp cơ thể đau nhừ, tôi vội chụm tay bịt lại, gượng bò ra bờ sông xem có còn thấy bè không hay bị đạn bắn tan rồi. Thấy còn, tôi mới nằm yên cho đỡ đau”. Lần cứu bè này ông Dân bị mất 12 răng, vỡ xương hàm, đa chấn thương.

Ông Dân được đưa về điều trị. Sau mấy tháng, ông bình phục, đơn vị định đưa ông về công tác ở phòng hành chính. Ông Dân không chịu, đề nghị tiếp tục cho đi bè. Từ đó trở đi, ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn. Có lần ông xin ra chiến trường trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng đơn vị muốn ông đứng mũi chịu sào cho những chuyến bè trên dòng Mã giang, một công việc khốc liệt chẳng kém ngoài chiến trường. Với nhiều chiến công, tháng 12-1973 ông Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, và vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cuba.

Là một người dũng cảm, rắn rỏi, nhưng ít ai biết ngay từ khi mới 5 tuổi, Hà Văn Dân đã mồ côi cha mẹ. Ông ngoại đã đem đứa cháu tội nghiệp về nuôi, khi ông mất những người dân trong vùng lần lượt cưu mang Dân. Hồi tưởng lại, người anh hùng nói: “Chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên là một lẽ, nhưng cùng lúc đó còn phải đối mặt với giặc Mỹ nữa. Giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, không thể đi ban ngày, chúng tôi toàn phải vận chuyển vào ban đêm. Nhưng tất cả những điều đó đều chứng tỏ sức mạnh của con người là vô biên. Giờ người dân đi bè trên sông cũng có nhiều kinh nghiệm lắm. Cuộc sống dạy họ phải biết cách thích nghi với những điều kiện khốc liệt nhất”.

Tâm sự với tôi, ông Dân nói rằng, cuộc sống của ông giờ giản dị lắm, giản dị như bà con người Thái miền Tây xứ Thanh. Rất nhiều lần ông đi xe máy dọc bờ sông, tìm lại cảm giác ngày xưa, những ký ức, những đoạn ghềnh thác mà ông từng phải đối mặt, để rồi thêm một lần nữa, ông khẳng định: “Nếu được quay trở lại quá khứ, tôi vẫn sẽ là người lái bè sông Mã”.

Các tin khác