Việt Nam chấm cơm

Tên miền tiếng Việt  là một trong những loại tên miền thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (internationalized domain name - IDN) được Tổ chức Quản lý tên và địa chỉ mạng quốc tế ICANN cấp phát rộng rãi cho các nước không dùng tiếng Anh hay ký tự Latin, để hỗ trợ người dân truy cập internet bằng ngôn ngữ riêng của mình. Theo thông tin chính thức từ Bộ Thông tin-Truyền thông, tính đến tháng 7-2014, đã có 1 triệu tên miền tiếng Việt được đăng ký với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

Tên miền tiếng Việt  là một trong những loại tên miền thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (internationalized domain name - IDN) được Tổ chức Quản lý tên và địa chỉ mạng quốc tế ICANN cấp phát rộng rãi cho các nước không dùng tiếng Anh hay ký tự Latin, để hỗ trợ người dân truy cập internet bằng ngôn ngữ riêng của mình. Theo thông tin chính thức từ Bộ Thông tin-Truyền thông, tính đến tháng 7-2014, đã có 1 triệu tên miền tiếng Việt được đăng ký với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

 

Đây là một tin vui cho bất cứ người Việt nào yêu quý và trân trọng tiếng mẹ đẻ bởi lẽ tên miền tiếng Việt không những tạo môi trường thuần Việt trên mạng internet mà còn làm rõ nghĩa của tên miền, tránh những hiểu lầm phiền toái do việc đánh tiếng Việt không dấu. Về mặt kinh doanh, tên miền tiếng Việt cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Theo quy định hiện hành, chi phí đăng ký 1 tên miền chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng (tùy loại tên miền với các đuôi khác nhau như .name.vn hay .vn hoặc .com). Còn phí duy trì 1 tên miền trong vòng 1 năm cũng xê dịch từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy loại. Theo một số người am hiểu, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng để đăng ký và duy trì tên miền mỗi năm, nếu gặp may tên miền có thể bán được hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, thật tình mà nói, từ trước đến nay mỗi lần vào các địa chỉ trên internet người sử dụng vẫn quen dùng tiếng Việt không dấu, bởi gõ chữ tiếng Việt sau 3 chữ w (như www.việt.com hay www.việtnam.com…) sẽ rất khó khăn. Ngoài những lý do mang tính kỹ thuật như trên, thị trường tên miền tiếng Việt cũng phát triển do thiếu những quy định cụ thể rõ ràng. Kinh doanh tên miền có thể thu lợi nhuận lớn nhưng nhà đầu tư có thể gặp nguy cơ ngậm bồ hòn làm ngọt vì đã bỏ chi phí đăng ký mà không ai thèm mua.

Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi thị trường tên miền tiếng Việt có tiếp tục phát triển không và nếu có sẽ ở mức độ thế nào. Tuy nhiên, cản ngại lớn nhất cho tên miền tiếng Việt vẫn là tâm lý sính ngoại của một bộ phận không ít người Việt, từ việc đặt tên cho doanh nghiệp, sản phẩm, công trình, dự án cho đến thói quen “làm biếng” sử dụng tiếng Việt một cách đàng hoàng trong văn bản hay giao tiếp.

Nhìn từ góc độ khách quan, tiếng Anh là ngôn ngữ được toàn thế giới sử dụng trong kinh doanh với những cấu trúc, từ ngữ gọn gàng và đơn giản. Một từ “dear” tiếng Anh có thể tương đương với một loạt sắc thái tâm lý tình cảm của người Việt như “thân mến”, “thân ái”, “kính mến”, “thương mến”, “quý mến”… Với một doanh nhân như tôi, phải sống và làm việc ở nước ngoài chủ yếu với khách hàng qua email có khi chưa gặp mặt, chuyện xử lý tiếng Việt trong giao dịch tuy không gặp vấn đề gì lớn nhưng thỉnh thoảng cũng gặp những tình huống hết sức buồn cười.

Một số sinh viên mới ra trường hay ứng viên xin việc người Việt tại Singapore đã liên hệ với tôi chỉ đơn giản viết “Dear Mr Huy” và thậm chí không gõ dấu. Một số doanh nhân, thậm chí viên chức nhà nước đánh công văn còn sai lỗi chính tả, trong khi đó dưới chữ ký của mình là các chức danh viết bằng tiếng Anh. Có một số người viện dẫn lý do viết tiếng Việt sao mà rắc rối và vất vả quá và muốn có phông chữ phải cài đặt lên máy tính mất công hay tốn thời gian.

Quả thật, đây chỉ là một trong muôn ngàn lý do để đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi xét về mức độ khó khăn người Trung Quốc muốn viết tiếng Hoa phải dùng hệ thống phiên âm Hán ngữ (hanyu pinyin) mới đánh máy ra từ tượng hình; người Thái, Nhật, Hàn Quốc, Myanmar và Campuchia đều phải nhớ bộ chữ cái hoàn toàn khác với mẫu tự Latin…

Mặc dù vậy, với tin vui từ con số 1 triệu tên miền tiếng Việt cùng với những vận hội kinh doanh to lớn, chúng ta có thể kỳ vọng vào một giấc mơ “Việt Nam chấm cơm” với một thị trường internet ưu tiên cho người Việt. Nhưng giấc mơ đó chỉ trở thành hiện thực khi người Việt Nam nào cũng biết yêu quý và trân trọng tiếng Việt, xem việc học tiếng Anh hay ngôn ngữ là một công cụ tiếp thu kiến thức và giúp tiếng mẹ đẻ của mình ngày càng giàu có và phong phú.

Singapore, 27-8-2014

Các tin khác