Trao “cần câu” cho ngư dân

Việc các công ty Nhật Bản chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản, hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân đánh bắt cá ngừ của Việt Nam đang được xem như trao tặng cho ngư dân những chiếc “cần câu” thoát nghèo, chứ không chỉ đơn thuần tặng họ “con cá” để có vài bữa no.

Việc các công ty Nhật Bản chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản, hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân đánh bắt cá ngừ của Việt Nam đang được xem như trao tặng cho ngư dân những chiếc “cần câu” thoát nghèo, chứ không chỉ đơn thuần tặng họ “con cá” để có vài bữa no.

Câu chuyện cá ngừ đại dương

Ông bà xưa vẫn có câu nói đại ý rằng, nếu có giúp nhau giúp cái “cần câu” không chỉ giúp cho “con cá”. Ngụ ý của câu nói này có lẽ ai cũng đã hiểu. Song khi nhìn ra thực tế hiện nay, để giúp doanh nghiệp nói chung và ngư dân nói riêng vượt khó, hầu hết chính sách đưa ra chỉ là các chương trình hỗ trợ vốn vay với các mức lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, làm sao để sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, làm sao an tâm với đầu ra của sản phẩm để có thể tìm ra lợi nhuận trả nợ vay lại không ai hướng dẫn cho người đi vay. Chính điều này khiến cả hai bên, người đi vay và bên cho vay (thường là các ngân hàng thương mại) đều cảm thấy e dè, lo sợ rủi ro.

Từ đó khiến không ít chương trình hỗ trợ thất bại, mà một trong những thí dụ điển hình là chương trình tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997. Để rồi ngư dân Việt Nam nói chung và những ngư dân đánh bắt cá ngừ nói riêng vẫn mải miết đi tìm cho mình một chiếc “cần câu” thực sự.

Trăn trở trước cuộc sống của nhiều ngư dân trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã mất nhiều công sức tìm kiếm một lối thoát thực sự cho con cá ngừ đại dương. Và khi người Nhật đến cũng là lúc những chiếc “cần câu” đầu tiên được trao cho ngư dân tỉnh Bình Định. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gồm: nhóm khai thác (5 tàu câu cá ngừ đại dương ở Bình Định), nhà thu mua xuất khẩu (CTCP Thủy sản Bình Định - Bidifisco) và đại lý độc quyền của Bidifisco tại Nhật Bản (Công ty Kato Office) được hình thành. Bình Định chi 1,5 tỷ đồng mua 5 bộ thiết bị câu cá ngừ về hỗ trợ lắp đặt, đồng thời chi 150 triệu đồng để cải tạo hầm bảo quản cá cho các tàu này. Các chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cho ngư dân.

Ngày 6-8-2014, 9 con cá ngừ đầu tiên (được chọn trong số 37 con được đánh bắt trong chuyến ra khơi đầu tiên trong mô hình liên kết) đã được đưa lên máy bay sang Nhật Bản. Sáng 8-8-2014, lô cá ngừ này đã được bán đấu giá tại chợ cá Trung tâm bán đấu giá thành phố Osaka với giá bình quân 1.200 JPY (yên Nhật)/kg, tương đương 240.000 đồng/kg.

Đặc biệt, trong đó có 1 con cá được bán với giá 2.100 JPY/kg, tương đương 420.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung của thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có 1 con cá chỉ được bán với giá 250 JPY/kg, tương đương 50.000 đồng/kg, do chất lượng cá kém, thịt bị bở, không thể bán cho các nhà hàng của Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, những thành công bước đầu đang mở ra cơ hội rất lớn cho con cá ngừ Việt Nam.

Cần chiếc “cần câu” Việt

Cũng trong câu chuyện hỗ trợ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ngừ, ngoài Kato Office, một cái tên khác cũng đang được nhắc đến khá nhiều là Công ty Yanmar. Yanmar mang đến Việt Nam dự án nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững. Công ty Yanma sẽ xây dựng các đội tàu vỏ composite tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi tỉnh 60 chiếc theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản.

Mỗi chiếc tàu như vậy trị giá 6 tỷ đồng, gồm cả trang thiết bị và ngư cụ. Ngư dân được mua cổ phần 100% giá trị tàu và sử dụng, khai thác hải sản. Công ty Yanmar tư vấn và quản lý chất lượng cá ngừ và hỗ trợ bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm. Phía Yanmar cũng khẳng định ngư dân Việt Nam sẽ có thu nhập cao nếu khai thác theo công nghệ Nhật Bản.

Có thể thấy, người Nhật đã giúp ngư dân đánh bắt cá ngừ một cái “cần câu” thực thụ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hỗ trợ công nghệ, đồng hành cùng ngư dân, bao tiêu sản phẩm… tất cả những việc làm này sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển và yên tâm nếu có vay vốn theo gói tín dụng hỗ trợ 10.000 tỷ đồng, bởi có đầu ra sẽ có khả năng để thanh toán nợ vay.

Thành công của những ngư dân Bình Định cần phải được nhân rộng, không chỉ trong tỉnh mà tại nhiều tỉnh, thành khác với nhiều ngư dân khác. Tất nhiên, để thành công không thể thiếu vai trò cầu nối của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là dịp để nhìn nhận lại vì sao lâu nay chúng ta chưa thể làm được như vậy. Phải chăng vì thiếu một tầm nhìn dài hạn.

Từ câu chuyện cá ngừ, nhìn rộng sang nhiều câu chuyện khác thuộc nhiều ngành nghề khác để thấy rằng, doanh nghiệp rất cần một “cần câu” thực thụ.

Từ câu chuyện cá ngừ, nhìn rộng sang nhiều câu chuyện khác
thuộc nhiều ngành nghề khác để thấy rằng, doanh nghiệp rất cần một “cần câu” thực thụ.

Nhìn vào gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lần này, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là bước ngoặt quan trọng cho ngành cũng như ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay câu hỏi đầu ra cho sản phẩm vẫn luôn đau đáu. Đến nay có rất nhiều doanh nghiệp được mời chào vay vốn nhưng không dám vay vì vay rồi làm sao trả hoặc vay cũng không biết làm gì.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa đổ trách nhiệm sang cho ngân hàng, nơi nguồn vốn cần được khơi thông. Ở đây cần có sự vào cuộc, cần có cái nhìn dài hạn của các cơ quan chức năng. Hãy lấy những câu chuyện trên làm bài học để rút kinh nghiệm. Mình cứu lấy mình vẫn tốt hơn để chờ người khác đến cứu. 

Các tin khác