Tập đả hổ diệt ruồi (K1): Mở rộng trường săn

Thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến nhiều người bất ngờ khi liên tiếp triệt hạ cả “hổ và ruồi” trong chiến dịch chống tham nhũng được coi là cam go. Cuộc chiến càng gay cấn hơn khi những “con hổ” bị săn sau thường dữ hơn “con hổ” trước. Và với việc triệt hạ “hổ tướng” Chu Vĩnh Khang gần đây, có lẽ ông Tập đã không còn “tập” mà sắp bước vào giai đoạn quyết liệt. Sẽ có thêm nhiều hổ tướng bị triệt hạ, thậm chí nâng lên tầm mức “bắt rồng”?

Thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến nhiều người bất ngờ khi liên tiếp triệt hạ cả “hổ và ruồi” trong chiến dịch chống tham nhũng được coi là cam go. Cuộc chiến càng gay cấn hơn khi những “con hổ” bị săn sau thường dữ hơn “con hổ” trước. Và với việc triệt hạ “hổ tướng” Chu Vĩnh Khang gần đây, có lẽ ông Tập đã không còn “tập” mà sắp bước vào giai đoạn quyết liệt. Sẽ có thêm nhiều hổ tướng bị triệt hạ, thậm chí nâng lên tầm mức “bắt rồng”?

Cho đến nay, trong 20 tháng đầu cầm quyền, nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập đã hạ bệ ít nhất 36 “hổ” - các quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên. Trong khi đó, số “ruồi” - những quan chức cấp nhỏ hơn - bị điều tra lên đến hàng ngàn. Nạn tham nhũng đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nên có thể nói bất kỳ quan chức nào cũng có thể là “đối tượng săn bắn” của cuộc chiến đả hổ diệt ruồi hiện nay.

Không màng sống chết

Ngày 4-8, Nhật báo Trường Bạch Sơn tiết lộ một phát biểu đáng chú ý của ông Tập: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tôi không màng tới sống chết cá nhân, hay thanh danh bị hủy hoại”. Tuyên bố này được ông Tập đưa ra tại một buổi họp tối mật của Bộ Chính trị, vài ngày trước khi xảy ra vụ đả hổ tướng Chu Vĩnh Khang ngày 30-6.

Ông Tập cho biết 2 đạo quân tham nhũng và chống tham nhũng đang trong thế đối đầu nguy hiểm. Một tờ báo nhà nước ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã thuật lại tin này, một số báo khác trích lại nhưng sau đó đều bị kiểm duyệt gỡ xuống khỏi mạng. Và chỉ vài ngày sau, 4 ông chúa sơn lâm dữ dằn nhất nước đã bị nhốt vào cũi. Các nhà phân tích cho rằng ông Tập hôm đó báo động tình hình chống tham nhũng để đòi hỏi sự ủng hộ, yểm trợ của Bộ Chính trị và đã thành công.

Trong bộ sưu tập những con hổ bị Tập Cận Bình đánh hạ, có các hổ tướng rất dữ dằn như cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai; Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - con hổ có thế lực nhất trong quân đội Trung Quốc; cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thứ sáu Ủy ban Chính trị - Pháp luật, trùm an ninh Chu Vĩnh Khang - hổ tướng dữ dằn nhất cho đến nay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (CCDI) cho biết năm ngoái đã diệt được rất nhiều ruồi, với con số lên đến 182.000 người. Riêng tại Quảng Đông, nơi được cho là tâm bão của cuộc chiến đả hổ diệt ruồi, đến nay đã có tới hơn 2.190 quan chức bị nêu tên và 866 người trong số đó bị cách chức. Hơn nữa, tần suất truy tố các quan chức tham nhũng của CCDI ngày một tăng.

Chỉ trong ngày 13-8, có đến 10 quan chức cấp sở/cục bị đưa tên vào danh sách điều tra của CCDI, như Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hà Bắc Phan Hiểu Đông. Trước đó, ngày 11-8 trên website cơ quan giám sát của CCDI công bố thông tin điều tra 9 quan chức cấp sở/cục trong vòng 1 ngày. Giới quan sát chính trị cho rằng động thái liên tục công bố tin quan chức cấp sở/cục bị điều tra của CCDI không nằm ngoài mục đích chuyển tải thông điệp của chính quyền Bắc Kinh sẽ không ngừng gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng.

Quan tham bấn loạn

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập hiện đang gieo rắc nỗi sợ hãi trong giới công chức ở Trung Quốc, vì hầu hết tay ai cũng nhúng chàm, không ít thì nhiều. Hiện đang xảy ra làn sóng xin về hưu sớm, điều đi ngược lại với truyền thống bám ghế ăn xôi ở Trung Quốc trong hàng thập niên qua. Trong khi đó, những người ở lại cố tìm cách tránh xa những dự án lớn hoặc tìm đủ mọi cách để bảo mật thông tin.

Một quan chức tỉnh Chiết Giang tỏ bày: “Chiến dịch chống tham nhũng gây tác động lớn lên kinh tế. Nhiều quan chức địa phương không muốn triển khai các dự án đầu tư. Họ nơm nớp lo sợ mình cũng sẽ đoản mệnh như những người khác”.

Phập phồng nhất là quan chức trong các lĩnh vực mua sắm chính phủ, năng lượng, xây dựng và cấp phép sử dụng đất đai, khai thác mỏ... Nỗi lo bị rò rỉ thông tin bất lợi đã khiến các quan chức đổ xô tìm mua các loại điện thoại di động mã hóa. Thời báo Bưu Điện Buổi sáng của Thượng Hải cho biết doanh số bán hàng điện thoại di động có mã hóa do Trung Quốc sản xuất đã tăng đột biến trong thời gian gần đây ở Thượng Hải, sau khi CCDI điều người đến đây để điều tra tham nhũng.

Một chuyên gia trong ngành công nghiệp điện thoại di động ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi đã phải chuyển điện thoại từ Thâm Quyến đến Thượng Hải vì ở Thượng Hải không còn hàng để bán. Mỗi lần chúng tôi chuyển 500-1.000 chiếc điện thoại di động”. Báo cáo cho biết các đơn đặt hàng điện thoại được mã hóa chủ yếu là từ các cơ quan chính phủ của Thượng Hải, như Ủy ban Thành phố Thượng Hải, Hội đồng nhân dân thành phố Thượng Hải, và Hội nghị Hiệp thương chính trị Thượng Hải.

Ông Ji, một nhân viên chính phủ ở Thượng Hải, nói: “Trong một cuộc gọi điện thông thường, nếu bạn cảm thấy nội dung nhạy cảm, bạn có thể chuyển nó sang chế độ mã hóa, chỉ mất một giây”. Một nhóm quan chức của CCDI sẽ ở Thượng Hải trong vòng 2 tháng kể từ ngày 30-7 để làm việc với các phòng ban và các quan chức chính phủ của Thượng Hải trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Uông Tông Nam (Wang Zongnan), cựu Chủ tịch Tập đoàn Bright Food có trụ sở tại Thượng Hải, đã bị bắt vì tội hối lộ và biển thủ công quỹ chỉ vài ngày sau khi đoàn thanh tra đến Thượng Hải.

Thậm chí, sự hoảng loạn đã khiến nhiều quan chức tìm đến cái chết. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho biết trong số 54 quan chức chết vì nguyên nhân bất thường từ tháng 1-2013 đến tháng 4-2014, hơn 40% là tự vẫn. Chẳng hạn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân nhảy lầu hồi tháng 1 năm nay sau khi bị điều tra tham nhũng. Đến tháng 5, cựu Chủ tịch Công ty Dược phẩm Tam Tinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Cáp Nhĩ Tân tự kết liễu đời mình. Còn Ủy viên Bộ Chính trị Lý Kiến Quốc từng nhập viện sau một cuộc điều tra khiến ông này bị căng thẳng thần kinh.

Hổ tướng Chu Vĩnh Khang cùng các hổ con lâu la đang trong tầm ngắm của CCDI.

Hổ tướng  Chu Vĩnh Khang cùng các hổ con lâu la đang trong tầm ngắm  của CCDI.

Sự hoang mang của giới quan chức đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Dù không có số liệu chứng minh thiệt hại kinh tế tổng thể, Công ty Chứng khoán Hoa Xuyên ở Bắc Kinh ước tính chiến dịch chống quan chức xa hoa, lãng phí có thể làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 7,7% của kinh tế Trung Quốc năm 2013.

 Theo nhà kinh tế Lục Đĩnh thuộc Tập đoàn Merrill Lynch, một trong những tác động của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc là làm chậm tăng trưởng đầu tư tài sản cố định. Ông Lục ước tính điều này có thể tác động lên ít nhất 1% tăng trưởng GDP. Các chuyên gia kinh tế nói rằng dường như đang xảy ra cái vòng luẩn quẩn ở Trung Quốc. Đầu tiên là tăng trưởng cao đi kèm với tham nhũng lớn, sau đó điều tra chống tham nhũng mạnh hơn kéo thấp tăng trưởng; tiếp đó lại kích thích kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng và đi kèm là nhu cầu tăng cường điều tra tham nhũng.

--------------

Kỳ 2: Nhắm đến ngũ đại hổ tướng

Các tin khác