Châu Âu cải tổ công nghệ không gian

Với thị trường ước tính khoảng 55 tỷ USD trong thập niên tới, công nghệ vũ trụ đang là mảnh đất được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới nhòm ngó. Công nghệ không gian luôn là niềm tự hào của châu Âu, nhưng giờ đây, lục địa già đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ...

Với thị trường ước tính khoảng 55 tỷ USD trong thập niên tới, công nghệ vũ trụ đang là mảnh đất được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới nhòm ngó. Công nghệ không gian luôn là niềm tự hào của châu Âu, nhưng giờ đây, lục địa già đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ...

Hãng sản xuất máy bay nổi tiếng của Hoa Kỳ, Boeing bắt đầu nhập cuộc với kiểu vệ tinh đẩy, sử dụng động cơ điện. Tuy nhiên, ấn tượng hơn là sự xuất hiện của Tập đoàn SpaceX do tỷ phú Hoa Kỳ, Elon Musk thành lập. Ra đời từ năm 2002, tập đoàn có trụ sở ở bang California đã làm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ ngỡ ngàng với tên lửa đẩy Falcon 9.

Bí quyết thành công của Elon Musk ở chỗ SpaceX quản lý từ khâu chế tạo đến công nghệ phóng tên lửa. Nhờ vậy giá thành trong dịch vụ phóng tên lửa của SpaceX không cao như những doanh nghiệp cùng ngành. Một lợi thế quan trọng khác SpaceX có được là tập đoàn được hậu thuẫn từ lực lượng Không quân và Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

Chính vì sự vươn lên mạnh mẽ của SpaceX buộc ngành công nghệ không gian châu Âu phải cải tổ cơ cấu. Việc Tập đoàn Hàng không châu Âu Airbus chuyên thiết kế tên lửa đẩy Ariane chính thức thành lập liên doanh cùng với Công ty Safran của Pháp, chuyên chế tạo động cơ cho loại tên lửa này là một bước đi cho thấy mong muốn duy trì ngành công nghệ vũ trụ và không gian ở thế thượng phong của châu Âu.

Theo các chuyên gia, chiến lược tái cơ cấu ngành công nghệ không gian của châu Âu lâu nay đã có trên văn bản, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Lần này Bruxelles bắt buộc phải hành động do áp lực của các đối thủ ngày càng mạnh. Châu Âu sẽ vẫn duy trì vai trò chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực chiến lược này, nhưng đồng thời Liên minh châu Âu (EU) cũng ý thức được rằng không thể thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, hiện châu Âu đang tồn tại một mâu thuẫn gây khó khăn cho ngành công nghệ vũ trụ của khối này khi muốn độc lập trong lĩnh vực không gian, nhưng lại không muốn tài trợ cho các công trình phát triển không gian. Cụ thể, châu Âu muốn là đối tác chính của mình, tức Công ty Hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace tự tìm kinh phí. Trong khi đó, các hoạt động phóng vệ tinh thương mại của Ariane rất hạn hẹp.

Trên thế giới hiện nay, mỗi năm có khoảng 80 vụ phóng vệ tinh, trong đó chỉ tối đa 15 vụ được dành để đáp ứng các mục tiêu thương mại của tư nhân. Nói cách khác, hoạt động phục vụ cho lĩnh vực tư nhân chỉ chiếm 15-16% thị trường chung. Như vậy Arianespace sẽ khó có điều kiện để tài trợ cho các chương trình vũ trụ, không gian của châu Âu.

Ariane-5 được phóng vào không trung.

Ariane-5 được phóng vào không trung.

Cho tới nay các đơn đặt hàng từ phía các cơ quan nhà nước luôn chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động của Arianespace. Vấn đề đặt ra là tại châu Âu, đơn đặt hàng của chính phủ quá hiếm hoi, thậm chí gần đây, để tiết kiệm ngân sách, Đức và Pháp đã thuê Ấn Độ phóng vệ tinh thay vì dành ưu tiên cho Arianespace.

Ấn Độ, Trung Quốc và kể cả Nga đều có một chiến lược khác hẳn. Cho dù đlà những quốc gia còn đang phát triển, nhưng họ có những nhu cầu thực sự về trang bị viễn thông, về các hoạt động quan sát trái đất. Tại những quốc gia này nhà nước đóng vai trò đầu tàu và bảo đảm cho ngành công nghệ vũ trụ, không gian phát triển.

Không chỉ Hoa Kỳ và Trung Quốc, cả Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang từng bước chinh phục không gian, để trở thành những đối thủ đáng gờm của châu Âu. Đã đến lúc ngành công nghệ không gian của lục địa già cần tập trung 25 tập đoàn đang tham gia lĩnh vực này để có được một chính sách xuyên suốt.

Các tin khác