Triển khai nghị định chính sách phát triển thủy sản

Ngày 22/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, gần 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển, một số ngư dân tiêu biểu đã tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/ND-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Ngày 22/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, gần 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển, một số ngư dân tiêu biểu đã tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/ND-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã nghe đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính trình bày các dự thảo Thông tư thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá; yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, hoán cải tàu cá; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế, cấp bù lãi suất, chính sách bảo hiểm đối với các ngư dân được hưởng chính sách vay vốn để đóng mới và cải hoán tàu đánh bắt xa bờ.

Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 5 ngân hàng thương mại cam kết dành khoảng 14.000 tỷ đồng cho vay đối với các tổ chức, cá nhân để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu theo tinh thần của Nghị quyết 67 của Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra quyết định về số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ được đóng mới theo nghị định này bao gồm 2.079 chiếc, số lượng tàu dịch vụ hậu cần gồm 205 chiếc. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn quyết định chỉ định 4 đơn vị được thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và làm dịch vụ, gồm Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Khoa kỹ thuật giao thông (Trường đại học Nha Trang), Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) và Công ty cổ phần thiết kế và dịch vụ tàu thủy Việt-Hàn.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đều đánh giá Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngay sau khi được ban hành đã được hưởng ứng tích cực từ phía địa phương và người dân. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu, số lượng tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra không đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết các tổ chức, cá nhân của thành phố đã đăng ký 162 tàu khai thác hải sản và dịch vụ, trong khi số lượng tàu được phân bổ chỉ 47 tàu. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng tiêu chí lựa chọn đối tượng được vay vẫn chưa cụ thể, Trung ương nên có khung quy định chung và giao quyền cho các địa phương cụ thể hóa các tiêu chí về đối tượng được vay.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương, ngư dân và doanh nghiệp còn đề xuất cần chú trọng hơn các chính sách phát triển đồng bộ về xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu tránh trú bão; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển, vùng sản xuất giống được đề cập trong Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng chỉ tiêu về số tàu được hưởng ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP do Bộ đưa ra được tính toán cụ thể dựa trên kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản, trữ lượng hải sản và năng lực khai thác, số lượng tàu hiện có của cả nước.

Theo Bộ trưởng, không thể tăng vô hạn đối với số tàu đánh bắt xa bờ, mà cần lựa chọn các nghề phù hợp, đồng thời kết hợp nâng cấp, cải hoán số tàu hiện có. Việc chọn đối tượng ngư dân được vay vốn cần ưu tiên những người đang sản xuất hiệu quả, có năng lực tài chính và phương án sản xuất, trả nợ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định phát triển kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước, kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất, khai thác thủy sản chưa bền vững, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đồng bộ, người dân thiếu vốn đầu tư, nguồn lực nhà nước có hạn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần kết hợp tổ chức lại các mô hình sản xuất nghề cá, khuyến khích vươn khơi xa, tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu tạo ra một bước đột phá cho ngành thủy sản, quyết tâm không để thất bại.

Phó Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, các bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các thông tư thi hành Nghị định. Ngành ngân hàng cần chủ động nguồn vốn để triển khai theo đúng kế hoạch.

Đối với các vấn đề về cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2015, phải ưu tiên nguồn tài chính đầu tư cao hơn các năm trước. Các địa phương cần rà soát những việc làm ưu tiên, mấu chốt, cần thiết để triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ào ạt theo phong trào, hết sức thận trọng và tránh xảy ra tiêu cực./.

Các tin khác