Giảm gánh nặng thuế, hải quan

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam năm 2014 đứng ở mức 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và đứng cuối bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực. Gánh nặng thuế đang gây ra nhiều thiệt hại, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam năm 2014 đứng ở mức 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và đứng cuối bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực. Gánh nặng thuế đang gây ra nhiều thiệt hại, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chính phủ quyết liệt

Theo báo cáo, thời gian để thực hiện thủ tục hành chính thuế tại Việt Nam liên tục nhiều năm ở nhóm các nước cao nhất thế giới. Năm 2009-2010, tổng thời gian nộp thuế là 1.050 giờ (bao gồm 650 giờ nộp thuế thông thường và 400 giờ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc). Năm 2013-2014 là 872 giờ, trong đó thời gian DN thực hiện thủ tục thuế chiếm tỷ trọng lớn với 537 giờ/872 giờ. Hiện tại để xuất khẩu một lô hàng, DN phải có đủ 5 chứng từ và mất tới 21 ngày, còn để nhập khẩu phải có 8 chứng từ và cũng mất 21 ngày.

Để cải thiện tình hình, giữa tháng 3-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trong đó tập trung vào 2 ngành thuế và hải quan. Nhưng có vẻ như việc thực thi chỉ thị của Chính phủ vẫn chưa được 2 ngành này và bộ chủ quản là Bộ Tài chính quan tâm đúng mức, nên đầu tháng 7 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến làm việc trực tiếp với Tổng cục Thuế và Hải quan, chỉ đạo 2 ngành này nghiêm túc, quyết liệt đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Ông Olin McGill, chuyên gia về phát triển môi trường kinh doanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho rằng nếu thời gian nộp thuế giảm từ 872 giờ hiện nay xuống còn 171 giờ, cộng đồng DN tiết kiệm được 66.000 tỷ đồng. Nếu thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với các nước ASEAN-6 (nhập khẩu mất 13 ngày và xuất khẩu xuất khẩu mất 14 ngày), GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 28%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng thêm 50% và tạo ra thêm khoảng 3,5 triệu việc làm mới.

Giảm ngay 201,5 giờ nộp thuế

“Ngay cuối tuần này, Bộ Tài chính sẽ thông qua thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), quản lý thuế... Sau 15 ngày thông tư sẽ có hiệu lực thi hành (khoảng đầu tháng 9). Như vậy các thủ tục hành chính liên quan đến khai, nộp thuế sẽ giảm được 201,5 giờ/năm cho DN” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 19-8 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 8 giải pháp liên quan đến việc gia hạn nộp thuế như: gia hạn nộp thuế GTGT máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của DN, gia hạn nộp thuế đối với DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bị chậm thanh toán. Giải pháp về thuế TNDN như: ưu đãi thuế TNDN đối với DN thực hiện đầu tư trong các khu công nghiệp thuộc thành phố, quận mới thành lập… Giải pháp về quản lý thu thuế đối với những sắc thuế có 2 mức thuế suất, 2 phương pháp xác định thuế khác nhau như thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán. Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, 8 nhóm giải pháp này sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ và chậm nhất sẽ được ban hành trong tháng 9 tới để có thể giảm thêm 88 giờ nộp thuế cho DN.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và Quốc hội một số giải pháp như xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan như: tồn kho sản phẩm cao, phải vay ngân hàng với lãi suất cao 15%/năm trở lên (trong khoảng thời gian từ tháng 7-2011 đến năm 2013), DN bị hủy các hợp đồng bán sản phẩm do thị trường bị co hẹp... và đã nộp thuế trong năm 2014.

Thông quan không quá 10 giờ

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, quyết tâm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đến cuối năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay và giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; công khai các chỉ số thông quan. Năm 2015, giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong tổng số giờ thông quan hiện nay, thời gian liên quan đến thủ tục hải quan chỉ chiếm 28%, trong khi mất thời gian nhiều nhất hiện nay là năng lực kinh doanh cảng, khả năng bốc xếp, bố trí hàng, năng lực tàu… chiếm tới 72%. Để giải quyết những vướng mắc này trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường kết nối thông tin, trang bị máy đọc mã vạch để tạo điều kiện cho DN xuất nhập khẩu đã thực hiện khai hải quan điện tử, khi vận tải hàng hóa trên đường có thể sử dụng chứng từ điện tử thay vì chứng từ in giấy thông thường.

Mục tiêu thực hiện của cơ quan hải quan đối với thời gian thông quan hàng hóa như sau: luồng xanh không quá 5 phút, luồng vàng phải kiểm tra giấy tờ không quá 1 giờ và luồng đỏ rủi ro cao phải kiểm tra thực tế 10% hàng hóa nhưng cũng không được quá 10 giờ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Đề án kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, sẽ làm việc với Bộ Khoa học - Công nghệ để chọn 5 địa phương là Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, TPHCM, Hải Phòng - nơi có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, có nhiều mặt hàng quan trọng an ninh kinh tế… thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa ngay tại cửa khẩu trước khi thông quan. Đây cũng là một trong những giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN.

Các tin khác