Chàng trai đam mê khăn rằn

Từ chiếc khăn kỷ niệm

Ra trường từ năm 2009 và đã có công việc ổn định, song chàng trai cử nhân báo chí Nguyễn Hữu Nghĩa (quê Thái Bình) vẫn tranh thủ thời gian để thoả sự đam mê của mình:  kinh doanh khăn rằn.

Từ chiếc khăn kỷ niệm

Cái duyên với khăn rằn đến với Nghĩa một cách tình cờ. Khi còn là sinh viên năm nhất, trong một lần tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện tại vùng biên giới Tịnh Biên tỉnh An Giang, Nghĩa được một người dân ở đây tặng cho chiếc khăn rằn. Chàng trai người Bắc thấy lạ lẫm và thích thú với chiếc khăn. Khi về trường một số bạn nhờ Nghĩa mua giùm mỗi khi anh có dịp đến vùng đất miền Tây này. Dần dần Nghĩa trở thành người chuyên cung cấp khăn rằn và đam mê bắt đầu từ đây.

Ra trường và có công việc ổn định, song Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn tranh thủ kinh doanh khăn rằn. Thời gian đầu anh kinh doanh bằng hình thức online, sau 2 năm, cửa hàng khăn rằn ứng dụng ra đời. Nguồn vốn ban đầu khoảng 40 triệu đồng, trong đó chi phí thuê mặt bằng và thiết kế cửa hàng khoảng 20 triệu đồng, số còn lại để đầu tư mua khăn và các sản phẩm khác. Với số tiền tiết kiệm được 15 triệu đồng, Nghĩa mượn thêm gia đình để mở shop. Nghĩa chia sẻ những ngày đầu khi biết mình kinh doanh khăn rằn, hầu như không ai ủng hộ. Đó là thời gian Nghĩa hoang mang nhất, nhưng rồi Nghĩa vẫn quyết thực hiện đam mê của mình.

Những câu chuyện về chiếc khăn rằn

Khi đã mở shop rồi, yêu cầu tiếp theo là sản phẩm phải đa dạng, muốn vậy phải có nguồn hàng. Ngoài những lúc lên mạng tìm hiểu, Nghĩa hỏi thăm bạn bè, thấy có ai có khăn đẹp Nghĩa hỏi họ mua ở đâu rồi đến tận nơi xem và mua mẫu về. Nghĩa cũng bỏ nhiều thời gian đi nhiều nơi, từ những buôn làng hẻo lánh xa xôi trong nước đến những vùng đất mới bên Thái Lan, Campuchia… để sưu tầm các loại khăn.

Khi được hỏi sao không đến các chợ đầu mối hoặc các cửa hàng khăn rằn mua đỡ vất vả hơn, Nghĩa vui vẻ trả lời rằng muốn tự mình đến tận nơi để tìm hiểu về quy trình làm ra chiếc khăn và biết được từng câu chuyện của những chiếc khăn này, như vậy mới quý.

Đi đâu chàng trai Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn không quên mang theo khăn rằn.
Đi đâu chàng trai Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn không quên
mang theo khăn rằn.

Nghĩa tâm sự: “Kkhách hàng ưa chuộng khăn rằn là nhờ thương hiệu và từng câu chuyện gắn liền với sự ra đời của chiếc khăn. Đó là phương thức để những chiếc khăn có thể tồn tại và phát triển qua thời gian. Như khăn rằn Nam bộ có nguồn gốc từ người Khmer trong những ngày đầu khai phá vùng đất Cửu Long.

Qua thời gian chiếc khăn rằn đã trở thành hình ảnh gần gũi và gắn liền với người nông dân, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bằng sông nước. Khăn có thể dùng để che nắng, che mưa, quàng cổ, đặc biệt thuận tiện cho việc lau mồ hôi”.

Nghĩa cũng giành nhiều thời gian để nghiên cứu các ứng dụng khác của khăn rằn như may túi xách, gối, làm hộp combo…và tạo nhiều style mới lạ. Nghĩa nói khách hàng không những yêu chuộng khăn rằn bởi những câu chuyện của nó mà còn bởi những yếu tố tiện lợi, thời trang, truyền thống và quan trọng nhất là rẻ.

Hiện nay tại shop của Nghĩa có 6 dòng và 11 loại khăn. Ngoài khăn rằn Nam bộ đóng vai trò chủ lực, còn có khăn Thái Lan, Campuchia, khăn dân tộc Chà, khăn vuông Ả Rập… Trung bình mỗi tháng shop của Nghĩa bán khoảng 1.000 chiếc khăn các loại, doanh thu 24-27 triệu đồng, lợi nhuận thu được 15-17 triệu đồng.

Nghĩa cho biết hiện tại anh đang học tiếng Thái Lan để có thể dễ dàng trao đổi, nói chuyện với người dân xứ Chùa Tháp cho những chuyến tìm hiểu sau này. Anh chàng cựu sinh viên báo chí chia sẻ thêm sắp tới sẽ đặt thêm nhiều mẫu khăn truyền thống Nam bộ với màu sắc riêng và tìm hiểu, sưu tập thêm nhiều loại khăn mới, mở rộng quy mô của shop.

Các tin khác