Tăng trách nhiệm chi tiêu ngân sách

Tại hội nghị đối thoại cao cấp nhóm đối tác tài chính công giữa Bộ Tài chính và các đối tác phát triển diễn ra hôm qua 20-8, đại diện Bộ Tài chính cùng một số cơ quan cho rằng dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi cần phải siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong chi tiêu hiện nay.

Tại hội nghị đối thoại cao cấp nhóm đối tác tài chính công giữa Bộ Tài chính và các đối tác phát triển diễn ra hôm qua 20-8, đại diện Bộ Tài chính cùng một số cơ quan cho rằng dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi cần phải siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong chi tiêu hiện nay.

Quản chặt các quỹ tài chính

Theo kế hoạch, trong tháng 9 Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo luật; tháng 10 sẽ báo cáo, thảo luận tại Quốc hội và dự kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2015).

Về phạm vi thu NSNN, luật hiện hành quy định tương đối đầy đủ. Riêng các khoản thu phí, lệ phí, trong thực tế triển khai cơ chế quản lý, sử dụng, hạch toán, quyết toán ngân sách đối với các khoản thu này vẫn còn tồn tại, bất cập. Để khắc phục, dự thảo Luật NSNN xác định: lệ phí là khoản thu NSNN (tương tự thu từ thuế) phải nộp toàn bộ vào NSNN. Đối với các khoản phí, xác định xử lý theo 2 nhóm.

Với các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do Nhà nước đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, nộp toàn bộ vào NSNN; các cơ quan quản lý nhà nước thiếu kinh phí hoạt động do không được giữ lại một phần thu phí, lệ phí sẽ được NSNN bố trí đủ trong dự toán chi của cơ quan theo chế độ, định mức; trường hợp khoán chi phí hoạt động được khấu trừ.

Về một số khoản phí của Nhà nước giao các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc DNNN thu, các đơn vị này được phép trích lại một phần số thu để bù đắp chi phí, mức thu và đối tượng thu phải theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng nguồn thu để chi tiêu phải theo chế độ và phải hạch toán, kế toán, quyết toán, công khai theo đúng quy định.

Về mức dư nợ huy động của NS cấp tỉnh, mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của NS cấp tỉnh (TP Hà Nội 100%, TPHCM 150%). Trước yêu cầu của các địa phương về đầu tư phát triển, dự thảo luật quy định, TP Hà Nội, TPHCM, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh…

Một trong những điểm đáng chú ý khác trong dự thảo là quy định về quản lý các quỹ tài chính nhà nước. Luật NSNN hiện hành không quy định phạm vi điều chỉnh các quỹ tài chính nhà nước, các quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ của quỹ.

Để tránh việc thành lập các quỹ tràn lan hoặc thành lập các quỹ mà nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN, dự thảo điều chỉnh theo hướng: không sử dụng NSNN để chi bổ sung vốn điều lệ thành lập các quỹ tài chính nhà nước không đáp ứng đủ các điều kiện về thành lập quỹ có nguồn từ NSNN, hoặc chi hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ không có khả năng tài chính độc lập, các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN.

Siết kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết trong luật hiện hành cũng như các hướng dẫn luôn đề cao kỷ luật điều hành ngân sách như không thể chi ngoài, vượt dự toán. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến do kỷ luật chưa gắn với chế tài. “Quan điểm của tôi là trong dự thảo sửa đổi lần này phải gắn với các chế tài. Thí dụ, anh chi vượt, không đúng dự toán sẽ bị xử lý kỷ luật.

Ở các nước, người ta trao quyền cho các cơ quan kiểm tra tài chính, như kiểm toán có quyền cảnh báo năng lực điều hành của cơ quan chi vượt dự toán, thường xuyên vi phạm. Lãnh đạo các cơ quan đó phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan lập pháp và chịu sự đánh giá mức độ tín nhiệm của các cơ quan dân cử. Theo đó, bộ, ngành, địa phương nào không chi hết dự toán hay chi vượt, ngoài dự toán phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, HĐND để làm rõ trách nhiệm” - ông Nhã nói.

Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến đâu trong việc chi tiêu ngân sách cần nhìn vào phân cấp trong luật. Nếu chi tiêu ngân sách địa phương do HĐND cấp tỉnh phê duyệt mà chi đầu tư sai, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải trình. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ giải trình phần ngân sách trung ương. Nếu giám sát đầu tư để dàn trải, lãng phí, đó là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

“Chúng ta phải có sự phân định rõ ràng. Tinh thần của dự thảo luật là ông nào chi ngân sách ông đó phải có trách nhiệm giải trình. Như vậy mới minh bạch, rõ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Không thể nói Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giải trình tất cả khi đã có sự phân cấp. Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và “thổi còi” những cá nhân, đơn vị làm sai.

Dự thảo đang lấy ý kiến, phải bàn nhưng mục tiêu hướng tới phải rõ. Dự thảo cũng cần thiết kế rõ hơn kỷ luật, kỷ cương tài chính theo hướng mạnh mẽ hơn, phải siết lại đúng như Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí” - ông Dũng nhấn mạnh.

Cần có sự phân định rõ ràng trong việc chi tiêu ngân sách.

Cần có sự phân định rõ ràng trong việc chi tiêu ngân sách.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng dự thảo cũng cần nhấn mạnh vai trò giải trình trong việc chi tiêu ngân sách, bởi Bộ Tài chính không thể chịu trách nhiệm tất cả khi đã có sự phân cấp. Giải pháp nào còn cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ hơn và cần có đối thoại, thảo luận với địa phương. “Việc này cần phải được làm rõ ràng để từ đó phân định trách nhiệm hơn” - bà Victoria Kwakwa nói.

Các tin khác