Ngư dân bất an khi cập bờ

Để hỗ trợ ngư dân bám biển, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp (1-3%/năm) giúp ngư dân đóng tàu vỏ sắt và tàu gỗ công suất lớn. Nhưng với thực trạng đang diễn ra tại các cảng cá, âu thuyền đang là nỗi ám ảnh của ngư dân khi cập bờ sau hàng tháng lênh đênh trên biển.

Để hỗ trợ ngư dân bám biển, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp (1-3%/năm) giúp ngư dân đóng tàu vỏ sắt và tàu gỗ công suất lớn. Nhưng với thực trạng đang diễn ra tại các cảng cá, âu thuyền đang là nỗi ám ảnh của ngư dân khi cập bờ sau hàng tháng lênh đênh trên biển.

Tư thương ép giá

Khi tìm đến cảng cá âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng - nơi hàng ngày có gần trăm lượt tàu cá của ngư dân miền Trung vào bán hải sản) - tìm hiểu tình trạng đầu nậu, tư thương ép giá ngư dân ở cảng cá này đang diễn ra nhiều năm nay, chúng tôi được biết để chuẩn bị cho mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu thuyền của ngư dân phải chi phí từ 50 đến hơn 200 triệu đồng tùy vào công suất của tàu.

Để có được số tiền lớn này hầu hết ngư dân phải đi vay, từ đó họ bị các đầu nậu khống chế thông qua việc cho vay tiền trong mỗi chuyến ra khơi. Anh Đào Ngọc Minh Tâm, chủ tàu cá ĐNa 90369 (Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), cho biết rất hiếm trường hợp tàu cá đủ vốn để mua sắm lương thực, thực phẩm, xăng dầu… trước khi ra khơi, vì thế phải vay nóng từ tư thương với lãi suất cao 25-30%/năm, hoặc phải mua nợ vật tư, lương thực từ các đầu nậu.

Và khi các tàu cá đã vay tiền hoặc mua vật tư từ các tư thương, đầu nậu, sẽ bị ràng buộc ngặt nghèo về việc phải bán lại sản phẩm. Theo đó, sau khi đánh bắt vào bờ, ngư dân buộc phải bán cho họ với giá bị o ép, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Lâu nay đã hình thành mối liên kết giữa đầu nậu và ngư dân theo phương thức chủ nậu cho ngư dân vay tiền mua sắm ngư cụ, đầu tư phí tổn để ra khơi, khi ngư dân khai thác hải sản về phải bán lại cho chủ nậu, trong đó ngư dân không cần thế chấp, không phải chịu lãi suất. Nghe qua tưởng có lợi cho ngư dân, nhưng thực tế trong liên minh này, việc mua bán không thực hiện theo nguyên tắc thị trường bình thường và bao giờ thiệt hại cũng về ngư dân.

Ông Trần Văn Lĩnh,
quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng

Sau chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày, ông Trần Hạnh, thuyền trưởng tàu QNg 94173 cùng các thuyền viên đưa tàu vào cảng cá Thọ Quang để bán, ngậm ngùi: “Chuyến đi biển vừa qua tổn phí lên tới 150 triệu đồng, thu được 15 tấn cá ngừ các loại, giá bán cho đầu nậu trung bình 8.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoái trung bình 20.000 đồng/kg. Như cá ngừ sọc dưa (loại tốt nhất tàu khai thác được), tư thương chỉ mua 16.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ lẻ bán được 35.000-40.000 đồng/kg. Tương tự, cá vụn bị ép giá giảm hơn 50% chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Trong khi giá cá bị ép rớt thê thảm, tổn phí từ dầu, đá, nhân công... không ngừng tăng lên. Vì vậy dù trúng lớn nhưng ngư dân vẫn cứ nghèo, chỉ có đầu nậu, tư thương giàu lên thấy rõ”. 

Theo anh Đào Ngọc Minh Tâm, tại cảng cá Thọ Quang có ít nhất 5-7 tư thương, đầu nậu hoạt động thu mua hải sản. Hầu hết đều giàu lên nhanh chóng. Tại những cảng cá ở  Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, các tư thương, đầu nậu còn lợi dụng tình trạng quá tải, bất cập trong xây dựng cảng cá để ép giá ngư dân.

Ông Lê Quang Hải (xã Vinh Hiền, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cho biết cảng cá Tư Hiền được đầu tư gần 30 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2010. Do thiết kế cầu tàu quá cao, các tàu thuyền không thể vào bán sản phẩm được, buộc phải chạy lòng vòng hoặc neo đậu ngoài xa chờ tư thương ra mua. “Nhiều khi đợi 2-3 ngày chưa đến lượt để bán nên cá bị giảm chất lượng. Dựa vào đó, tư thương ép giá xuống còn 60-70% so với giá thị trường. Không bán không được vì để thêm một vài ngày chỉ có mang đi đổ” - ông Hải chua xót nói. 

Những chiếc bẫy giữa luồng lạch

Một nỗi lo luôn thường trực, kéo dài nhiều năm qua đối với ngư dân miền Trung là tình trạng quá tải tại những âu thuyền, bồi lấp tại những luồng lạch ra vào khiến không ít tàu thuyền ngư dân gặp tai nạn. Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, dự án nạo vét, thông luồng, xây dựng 2 tuyến đê Bắc-Nam và vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á (xã Phổ Quang, Đức Phổ) với số tiền 104 tỷ đồng nhằm giúp tàu thuyền có công suất lên tới 400CV có thể ra vào tránh trú bão an toàn.

Nhưng thực tế lại đang diễn ra những tác dụng ngược. Ngư dân xã Phổ Quang và các xã lân cận mỗi khi cho tàu vào vũng neo đậu Mỹ Á đều lo ngại trước những tảng đá mồ côi nằm ngay giữa luồng lạch đánh gãy chân vịt, cốt tàu hay làm vỡ tan cả những con tàu.

Vào mùa khai thác biển cao điểm, mỗi ngày cảng cá đón hơn 200 lượt tàu, thuyền cập cảng nhưng sức chứa tối đa cầu cảng chỉ đáp ứng khoảng 15 tàu/lượt. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho ngư dân cũng như ảnh hưởng tới an ninh trật tự khi các chủ tàu ai cũng muốn đưa phương tiện cập cảng trước.

Ông Nguyễn Văn Nhuận,
Giám đốc Cảng cá Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Văn Sết (chủ tàu QNg 98530) kể: Tháng 2-2013, tàu cá của ông Nguyễn Vũ khi vào cảng trú áp thấp nhiệt đới, dù đã cố gắng tránh xa những tảng đá trên nhưng vẫn bị sóng đánh bạt ngang. Biết khó thoát nạn, các ngư dân trên tàu nhảy xuống biển và được người dân tiếp cứu, còn chiếc tàu 45CV tan thành từng mảnh.

Ông Sết còn đọc vanh vách những tàu cá cùng chung số phận với tàu ông Nguyễn Vũ, như tàu QNg 44297 (công suất 115CV của ông Nguyễn Quảng), tàu QNg 48090 (công suất 80CV, của ông Hành Văn Hóa) đều ở xã Phổ Quang. Theo ngư dân ở đây, do 2 tuyến đê kè Nam-Bắc được xây dựng với nhiệm vụ chắn gió, cát và cản sóng. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên làm chưa được một nửa chiều dài thiết kế phải ngưng. Vì vậy, gặp mùa gió chướng, nhất là những tháng đầu năm, cát bồi lắng, đá lộ rõ và mỗi khi ngư dân ra vào sẽ bị dính “bẫy”.

Cách cửa biển Mỹ Á không xa là cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Từ khi tuyến kè chắn sóng, chắn cát của cửa biển này được xây dựng phục vụ tàu thuyền ra, vào neo đậu đã có gần 40 tàu cá của ngư dân bị nạn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chị Trần Thị Phú (ở thôn Tân Hy, xã Phổ Thạnh), cho biết tháng 5-2010, vợ chồng chị cùng 2 ngư dân hùn vốn đóng ghe mới hành nghề lưới vây.

Ghe đóng xong, tháng 6 gặp mùa biển động, phải neo bờ. Đến mãi tháng 2-2011 mới nhổ neo khai trương tàu lúc 12 giờ trưa. Mới ra được hơn nửa cửa biển, bất ngờ sóng lớn ập tới nhấc bổng con tàu lên rồi ném vào sườn đê chắn cát, 11 ngư dân may mắn thoát chết.

Điều đáng nói, sau gần 4 năm sử dụng, luồng vào cảng cá đã tái bồi lấp nặng, tim luồng dịch chuyển khiến cụm đá ngầm nằm ngay giữa luồng gây cản trở cho tàu thuyền, nhiều phương tiện bị va vào đá của tuyến đê. Để khắc phục, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chi thêm gần 5 tỷ đồng và đã cơ bản giải quyết xong phần nạo vét luồng lạch.

Nhưng theo ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, chỉ tàu dưới 90CV ra vào được, nhưng phải rình theo con nước, nước lên mới dám ra, vào. Trong khi đó, tại âu thuyền Phú Hải thuộc xã Phú Hải, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), sau gần 3 năm đưa vào sử dụng đã xảy ra tình trạng luồng lạch ra, vào khu neo đậu bị bồi lấp khiến nhiều phương tiện công suất lớn bị mắc cạn.

Một lãnh đạo Cảng cá Thừa Thiên - Huế cho biết sau khi UBND tỉnh bàn giao khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền Phú Hải cho Cảng cá Thừa Thiên - Huế quản lý, nhiều hạng mục đê kè bị sạt lở, có nơi bồi lấp kéo dài khoảng 300m, mực nước có đoạn sâu chỉ còn 1-3m. Ngoài ra, khi nạo vét luồng, đơn vị thi công không mang đất nạo vét đi nơi khác mà đổ qua 2 bên luồng, nên đất này bị sóng đẩy xuống luồng khiến bồi lấp trở lại. Tính đến nay đã có hơn 70 tàu cá của ngư dân bị mắc cạn mỗi khi ra vào âu thuyền Phú Hải này. Mỗi lần tàu cá bị mắc cạn, chủ tàu phải bỏ ra 2-3 triệu đồng để thuê thợ đến cứu.

Âu thuyền quá tải

Ra vào qua những luồng lạch đã khó, nguy hiểm nhưng khi vào được các cảng cá, các âu thuyền, ngư dân lại đối mặt với một trở ngại khác. Đó là tình trạng quá tải luôn xảy ra tại những nơi này, bất kể mùa biển lặng hay mưa bão. Cảng cá Thừa Thiên - Huế đưa vào sử dụng từ năm 2003, không chỉ giải quyết nhu cầu cập cảng của phần lớn tàu, thuyền địa phương mà còn giúp ngư dân các tỉnh lân cận đưa phương tiện vào tránh trú bão khẩn cấp.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm sử dụng cảng cá đã quá tải, do cầu cảng ngắn và hẹp, đã xảy ra tình trạng hàng chục chiếc tàu đợi hàng giờ đồng hồ mới cập cảng được. Ngư dân Nguyễn Em (chủ tàu TTH 90109), bức xúc: “Đánh cá ngoài biển khơi không sợ, sợ nhất là mỗi lần cập cảng cá này. Tàu vào cảng lúc 6 giờ sáng nhưng phải đợi đến trưa, thậm chí qua chiều mới cập được cầu cảng để bán hải sản và cung ứng nhiên liệu tiếp tục ra khơi chuyến tiếp theo”.

Hải sản về cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) ngư dân chỉ được bán cho đầu nậu hoặc tư thương mà mình vay tiền trước đó. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hải sản về cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) ngư dân chỉ được bán cho đầu nậu
hoặc tư thương mà mình vay tiền trước đó.  Ảnh: Nguyễn Hùng

Còn tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), tình trạng quá tải đã diễn ra suốt trong gần 10 năm qua, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Âu thuyền này có sức chứa khoảng 800 tàu thuyền, nhưng chỉ tính riêng Đà Nẵng hiện đã có trên 1.130 tàu, chưa kể mỗi ngày có đến hơn 300 tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình… vào đây bán hải sản.

Đặc biệt, khi có mưa bão, âu thuyền này phải gồng mình gánh gần 2.000 tàu thuyền vào trú. Quá chật chội, các tàu phải neo đậu san sát nhau, nên khi bão ập đến, hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị đánh vỡ, chìm do va đập vào nhau.

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết tại âu thuyền chỉ có 28 phao neo, mỗi phao neo bảo đảm không quá 8 tàu cùng neo đậu. Khi có mưa bão hơn 30 tàu cùng neo đậu tại 1 phao neo, dẫn đến việc phao neo bị nhổ gốc.

“Biết quá tải, nhưng khi gió bão ập đến, tàu thuyền vào neo đậu vẫn phải tạo mọi điều kiện để ngư dân có điểm tránh, trú bão an toàn. Nếu không, họ chạy ngược ra biển nguy hiểm hơn” - ông Phương lý giải.

Các tin khác