Chờ cải cách đột phá về đích

Như ĐTTC từng nhận định tại mục Thời luận (số ra ngày 14-8-2014), việc danh mục trên bị để trống khiến những quy định mới mang tính đột phá về thể chế kinh doanh mà 2 dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) mang lại không có nhiều ý nghĩa. Mặt khác, để thể hiện được tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, một yêu cầu quan trọng được đặt ra là danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư mới cần phải có cơ sở và sức thuyết phục, không thể chấp nhận một danh mục cấm vô tội vạ như hiện nay.

Chỉ vài ngày sau khi bị nhắc nhở tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì chậm trễ rà soát và công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư, hôm 19-8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành liên quan về vấn đề này.

Như ĐTTC từng nhận định tại mục Thời luận (số ra ngày 14-8-2014), việc danh mục trên bị để trống khiến những quy định mới mang tính đột phá về thể chế kinh doanh mà 2 dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) mang lại không có nhiều ý nghĩa. Mặt khác, để thể hiện được tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, một yêu cầu quan trọng được đặt ra là danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư mới cần phải có cơ sở và sức thuyết phục, không thể chấp nhận một danh mục cấm vô tội vạ như hiện nay.

Và điều đáng mừng, tại cuộc họp vừa diễn ra, đề xuất cắt giảm mạnh mẽ những ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã nhận được sự đồng tình của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan. Qua rà soát, hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư kinh doanh, trong khi Bộ KH-ĐT đã đề xuất danh mục chỉ còn lại 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Kết quả rà soát cũng cho thấy hiện có 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 bộ, ngành. Từ kết quả đó, Bộ KH-ĐT đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu việc xây dựng danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Quan điểm trên của người đứng đầu Chính phủ đã được chỉ đạo xuyên suốt và mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực để thực hiện mục tiêu cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành 4 buổi làm việc trực tiếp với ngành thuế, hải quan, xây dựng, tài nguyên môi trường để đốc thúc những giải pháp mang tính đột phá về cải cách môi trường kinh doanh.

Với ngành thuế và hải quan, khi thấy có biểu hiện chần chừ, Thủ tướng đã chỉ đạo tới cuối năm nay phải cắt giảm 50% thủ tục và thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; tới năm 2015 tiếp tục cắt giảm để bằng được với nhóm các nước ASEAN 6. Làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong năm 2015 phải cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.

Với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tháng 9 phải công bố các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật để người dân biết và thực hiện, đồng thời tiếp tục rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Như vậy, cả 5 lĩnh vực: khởi sự kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, xây dựng - vốn được coi là trọng tâm cải cách trong Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đều nhận được sự chỉ đạo quyết liệt. Các bộ, ngành liên quan cũng đã vào cuộc quyết tâm thực hiện những yêu cầu Thủ tướng đặt ra trong thời gian tới. Nếu các mục tiêu mang tính đột phá này về đích đúng hạn, cộng đồng doanh nghiệp có quyền hy vọng về một môi trường kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng hơn để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dù chính sách có tốt đến mấy nhưng bộ máy thực hiện chưa tốt, hiệu quả đạt được cũng không lớn. Thực tế, bên cạnh những thủ tục rắc rối, tốn thời gian, vẫn còn tình trạng sách nhiễu, làm khó người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ tiêu cực. Bởi vậy, bên cạnh thay đổi về chính sách, cần thêm cuộc cải cách mạnh mẽ về con người để ý nghĩa của cải cách thực sự trọn vẹn.

Các tin khác