Sức ì đổi mới cơ chế kinh tế (B2): Hụt hơi quả đấm thép

Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (TĐ, TCT) nhà nước được cho là những quả đấp thép của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều TĐ, TCT được hình thành không theo quy luật thị trường, cộng với vốn liếng ít ỏi, trình độ quản lý yếu kém và cách điều hành nặng tính bao cấp… đã không những không thể hiện được vai trò là quả đấm thép, mà luôn rơi vào thua lỗ.

Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (TĐ, TCT) nhà nước được cho là những quả đấp thép của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều TĐ, TCT được hình thành không theo quy luật thị trường, cộng với vốn liếng ít ỏi, trình độ quản lý yếu kém và cách điều hành nặng tính bao cấp… đã không những không thể hiện được vai trò là quả đấm thép, mà luôn rơi vào thua lỗ.

Sức ì đổi mới cơ chế kinh tế (B1): Bóng ma bao cấp phá cơ chế thị trường

Thua lỗ, phá sản

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ hàng năm chiếm 12% tổng số DN, với mức lỗ bình quân cao hơn 12 lần so với khu vực khác. Một số DNNN lớn làm ăn không hiệu quả, phá sản như TĐ Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), TCT Hàng hải (Vinalines).

Tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DNNN chỉ 16,5%, tương đương với chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng. Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, các TĐ, TCT nhà nước đang gánh khoản nợ phải trả trên 1,35 triệu tỷ đồng, tương đương 50% GDP, trong đó nợ ngân hàng chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế.

PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết dù Nhà nước quy định DNNN không được vay vốn quá 3 lần vốn chủ sở hữu, nhưng số liệu của Ban Đổi mới và Phát triển DN cho thấy có tới 30/85 TĐ, TCT vượt rào, trong đó có những DN vay nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu như TCT Xây dựng công nghiệp, TCT Xây dựng công trình giao thông 1…

Dưới vỏ bọc mới TĐ kinh tế hiện nay, nhưng thực chất vẫn vận hành chế độ sở hữu cũ, những con người cũ, phần lớn vị trí chủ chốt được bổ nhiệm vì lý do chính trị, không dựa trên năng lực quản trị kinh doanh - điều tối cần thiết của người đứng đầu DN trong môi trường cạnh tranh… Vì vậy không thể kỳ vọng có thể khắc phục được những khuyết điểm, bất cập của các TĐ.

Ông Diệp Văn Sơn,
nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ

Thay vì lãi thật, nhiều đơn vị đã dùng xảo thuật chế lãi. PGS.TS Trần Thị Minh Châu mô tả về “hộp chế lãi” của TCT Xi măng như một thí dụ: Đến hẹn lại lên, năm nào TCT này cũng lỗ trong 2/3 năm để cuối năm lại báo cáo lãi với các con số tịnh tiến lên chút ít, với các kết quả được tính toán gần giống nhau, như tổng sản lượng các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 20,08 triệu tấn, 22,32 triệu tấn và 23 triệu tấn; doanh thu các năm tương ứng 27.391 tỷ, 28.830 tỷ và 30.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng 540 tỷ, 540 tỷ và 528 tỷ đồng. Thậm chí kế hoạch năm 2014 cũng được xây dựng theo khuôn mẫu đó.

“Những con số này cho người ta cảm nhận nó không thực vì sản lượng tiêu thụ và trạng thái thị trường thế nào lợi nhuận cũng được định mức trên dưới 540 tỷ đồng” - bà Châu nói. TCT Xi măng cũng dùng kỹ thuật bổ sung vốn để hợp thức hóa khoản lỗ 1.261 tỷ đồng của Công ty Xi măng Hà Tiên, bằng cách bán cho TCT toàn bộ số cổ phiếu mới phát hành với giá cao gấp 2 lần giá thị trường chứng khoán.

 Về vai trò quả đấp thép, ông Đồng Văn Quảng, Phó Tổng giám đốc TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe), tự nhìn nhận: Vai trò chủ đạo, định hướng phát triển ngành của Vinacafe rất hạn chế vì diện tích và sản lượng cà phê trong các DNNN chiếm tỷ lệ rất nhỏ (5%) so với diện tích cà phê cả nước; trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường quốc tế.

Quy mô về vốn, tài sản của các đơn vị trong ngành và cả TCT còn quá nhỏ so với yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng phát triển. Mặc dù đã chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH MTV, Nhà nước là chủ sở hữu, nhưng hầu hết DN về cơ bản chưa thay đổi nhiều, hiệu quả sử dụng vốn kém, thậm chí thua lỗ nặng; nhiều bất cập về quy định quản lý tài chính, tài sản, quản lý sử dụng đất đai, chế độ lương, tuyển dụng.

Hệ quả duy ý chí

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập các TCT nhà nước 90, 91. Đến năm 2005, một số TCT được tổ chức thành TĐ kinh tế và TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ra đời. Đến nay, cả nước có 13 TĐ kinh tế và 96 TCT nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Ông Diệp Văn Sơn cho rằng không giống TĐ nước ngoài, các TĐ nước ta được thành lập bằng một quyết định hành chính, nó có tư cách pháp nhân và có nhiều quyền về hành chính đối với các công ty con, có vốn của Nhà nước hay Nhà nước chiếm trên 51%, vì vậy nó mang tính chất phi thị trường.

Theo ông Sơn, thông thường TĐ kinh tế xuất hiện và lớn lên từ cạnh tranh và thông qua cạnh tranh, môi trường kinh doanh sẽ sàng lọc ra DN tốt. Những TĐ phát triển bằng nguồn lực và tài năng quản lý của chính mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ chính sách, tạo lập môi trường và điều kiện cho TĐ hoạt động, không thể can thiệp việc thành lập hoặc lệnh cho DN gia nhập TĐ và chỉ định một công ty làm công ty mẹ.

Những TĐ ra đời thuần túy bằng các biện pháp tổ chức hành chính trên không thể có sức mạnh kinh tế thống nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nước ta đang chuyển từ mô hình kinh tế bao cấp, độc quyền sang kinh tế thị trường cạnh tranh. Thế nhưng, việc thành lập TĐ lại giúp tái hiện tình trạng độc quyền và lại đòi bảo hộ, bao cấp của Nhà nước, xóa bỏ môi trường cạnh tranh”- ông Sơn nói.

Nhiều DNNN có mức vay nợ lớn gấp 10 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Đại Dương

Nhiều DNNN có mức vay nợ lớn gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.  Ảnh: Đại Dương

PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận sự lỏng lẻo trong cơ chế tài chính đã tạo ra cơ hội cho trào lưu đầu tư dàn trải, phân tán và tràn lan vào những lĩnh vực ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chủ yếu.

Hậu quả đã làm nhiều DNNN lâm vào khó khăn, đổ bể khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Trách nhiệm những người đại diện chủ sở hữu không được xác định rõ ràng, đã tạo kẽ hở cho những sai phạm. Đồng thời, do được hưởng nhiều ưu đãi về nguồn lực đã tạo ra tâm lý ỷ lại của các DNNN (dễ làm, khó kêu) và cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của DNNN thấp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí nói rằng một loạt quả đấm thép đã thua lỗ trầm trọng, làm mất vốn nhà nước, nhiều lãnh đạo đã phải hầu tòa và hệ quả để lại thật nghiêm trọng. Niềm tin vào các dự án đầu tư của các TĐ, TCT nhà nước trở nên sụt giảm.

Tiền đầu tư vào các dự án của các TĐ, TCT này từ ngân sách, là tiền nộp thuế của Nhân dân. Một trong những hệ quả các cú đấm thép đã đấm hụt vào khoảng không và để lại các lỗ thủng là vấn đề thiếu hụt ngân sách. Do tình trạng đình đốn sản xuất và đóng băng bất động sản từ năm 2011, nguồn thu ngân sách năm 2013 và cả 2014 bị giới hạn nghiêm trọng.

-------------

BÀI 3: Quyết liệt tái cấu trúc

Các tin khác