Áp lực Basel II

Đến thời điểm này, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các NHTM đã được công bố khá đầy đủ, nhưng tín hiệu buồn vẫn nhiều hơn vui. Đáng chú ý là nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại dẫn đến sự chật vật trong gia tăng lợi nhuận do phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Giữa bối cảnh đó, NHNN lại đang thúc các NHTM áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn.

Đến thời điểm này, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các NHTM đã được công bố khá đầy đủ, nhưng tín hiệu buồn vẫn nhiều hơn vui. Đáng chú ý là nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại dẫn đến sự chật vật trong gia tăng lợi nhuận do phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Giữa bối cảnh đó, NHNN lại đang thúc các NHTM áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn.

3 then chốt chưa mở được

Đầu năm 2014, để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản lẫn ngành NH, 3 vấn đề then chốt đã được xác định là phải tập trung tìm ra lời giải trong quý I để cứu thị trường, bao gồm xử lý nợ xấu để phá băng tín dụng, tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và phục hồi thị trường bất động sản.

Để xử lý nợ xấu, NHNN cũng đã có đề án khá chi tiết với lộ trình cụ thể trình Chính phủ và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề xử lý nợ xấu, phá băng tín dụng vẫn chưa diễn ra như mong đợi của thị trường. Điều này thể hiện cụ thể qua báo cáo tài chính quý II các NHTM vừa công bố.

Những khó khăn hiện nay không nằm ngoài dự kiến của các NHTM, bởi vào cuối năm 2013 nhiều chuyên gia đã đưa ra các dự báo xung quanh những vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ khó khăn đang lớn hơn so với dự báo bởi yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả đặt ra cho ngành NH mỗi ngày một cao và đòi hỏi NH phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.

Theo đó, nợ xấu có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tại VietinBank, tín dụng 6 tháng chỉ mới tăng 2,8% và hết tháng 7 là 3,8%, nợ xấu từ 0,82% vào cuối năm 2013 đã vọt lên mức 2,53%. Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 6,64% nhưng nợ xấu lên đến 9.032 tỷ đồng, chiếm 3,09% tổng dư nợ, trong đó nợ nhóm 5 tăng 70,7% so với cuối năm ngoái với 4.765 tỷ đồng.

Tại BIDV, tăng trưởng huy động vốn tăng gần 14% so với cuối năm 2013 nhưng tổng dư nợ cho vay chỉ tăng nhẹ 1,23% so với cuối năm 2013, đồng thời nợ xấu tăng 0,05% so với cuối năm 2013, chiếm 2,35% tổng dư nợ. Ở nhóm các NHTMCP, số lượng các NHTM có nợ xấu trên 3% đang tăng lên, trong đó một số NH đang có nợ xấu khá cao.

Theo khảo sát, từ khi NHNN hạ trần lãi suất đến nay, nhiều NHTM cũng đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn dài 12 tháng của nhiều NH lớn cũng đã lùi về khoảng 6,8-6,92%/năm. Song song đó, lãi suất cho vay cũng đã dần dần hạ xuống.

Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất thấp. Tính đến ngày 31-7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 3,68% so với cuối năm 2013, điều này cho thấy các NH vẫn đang bế tắc trong đầu ra tín dụng. Khó khăn này cộng với áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận của nhiều NH giảm xuống so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn như BIDV, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 22% lên 2.183 tỷ đồng, do nợ xấu tăng thêm gần 300 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng mạnh lên khoảng 1.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm; lợi nhuận trước thuế của VietinBank giảm 6,4%, đạt 3.873 tỷ đồng do chi phí dự phòng chiếm 1.717 tỷ đồng. Song song đó, chi phí trích lập dự phòng của các NHTMCP cũng tăng mạnh, kéo lợi nhuận của nhiều NH giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Thách thức phát triển

Theo lộ trình NHNN đề ra, đến năm 2018 các NHTM Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn Basel II - một bộ hướng dẫn những quy tắc, thước đo để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của NH. Theo quy tắc của Basel II, các NHTM phải có một quy trình đánh giá mức vốn an toàn tương ứng với cơ cấu rủi ro của NH và một chiến lược để duy trì mức vốn của mình, các cơ quan quản lý sẽ đánh giá về hiệu quả cũng như có thể can thiệp, yêu cầu các NH đảm bảo những tiêu chí này.

Bên cạnh đó, Basel II buộc các NH phải thể hiện tính công khai minh bạch về tài chính lẫn hoạt động. Dù khó khăn nhưng hiện NHNN đang muốn đẩy nhanh thực hiện tiêu chuẩn này do vài năm gần đây nợ xấu trong hệ thống NH tăng mạnh vì các nguyên tắc quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro chưa được siết chặt.  Minh chứng là dù còn đến 4 năm để thực hiện lộ trình nhưng NHNN đang thúc đẩy việc áp dụng mô hình quản trị Basel II tại các NHTM.

Cụ thể, sau khi ban hành các văn bản liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro tại các NH như Chỉ thị 04/CT-NHNN và Văn bản 8986/NHNN-TTGSNH về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, không chia cổ tức nếu chưa dự phòng đủ; Thông tư 02, Thông tư 09 phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 14 sửa đổi một số điều của quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng theo Quyết định 493/QĐ-NHNN. Mới đây, NHNN đã công bố 10 NH được lựa chọn để thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn của Basel II từ năm 2015.

Trước yêu cầu của NHNN, nhiều NHTM cũng sốt sắng công bố sẽ thực hiện. Tuy nhiên, sau khi áp dụng các tiêu chí về phân loại nợ NHNN đưa ra, nợ xấu của các NHTM đã phình to khiến không ít NH bối rối. Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, 6 tháng đầu năm các NH đều gặp khó khăn bởi vì hoạt động của các doanh nghiệp trong nước không những không phục hồi mà còn đang có dấu hiệu đi xuống nên ảnh hưởng đến khả năng trả nợ NH.

Hơn nữa, khi Thông tư 09 được áp dụng, nợ xấu cũng tăng lên buộc NH phải tăng trích lập dự phòng, kéo lợi nhuận đi xuống. Các NH đang thúc đẩy thu hồi nợ xấu thông qua khởi kiện và thi hành án nhưng chỉ thu hồi được một tỷ lệ rất thấp do vướng mắc thủ tục và thực thi bản án quá chậm, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu và việc khơi thông dòng vốn. Việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn chậm, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ ràng, nên việc xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản vẫn còn là thách thức.

Tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank tăng nhưng nợ xấu cũng tăng lên. Ảnh: LONG THANH

Tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank tăng nhưng nợ xấu cũng tăng lên.
Ảnh: LONG THANH

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu muốn áp dụng chuẩn Basel II, các NH buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ để hoàn thiện cả chất lẫn lượng mới có thể đáp ứng được những yêu cầu về chỉ số an toàn đề ra. Để đáp ứng những chuẩn mực đó, NH phải xử lý nợ xấu rốt ráo, đồng thời một yêu cầu quan trọng nữa là phải tăng vốn điều lệ.

Tăng vốn được xem là giải pháp để các NH có thể xử lý những vấn đề rủi ro trong hoạt động hiệu quả hơn và có thể nới rộng quy mô để gia tăng khả năng cạnh tranh. Song trong điều kiện “sức khỏe” của các NHTM 6 tháng đầu năm đang có những chuyển biến xấu, việc tăng vốn điều lệ vẫn còn nhiều thách thức. Từ năm 2013 đến nay, rất nhiều NH đã công bố kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được do giá cổ phiếu của nhiều NH đang giao dịch dưới mệnh giá, cổ tức kém hấp dẫn trong khi lộ trình lên sàn vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

Một số NH đã tính đến chuyện sẽ bổ sung vốn điều lệ từ nguồn tài chính thặng dư, song với kết quả kinh doanh ảm đạm trong những tháng đầu năm, những tháng còn lại các NH còn phải chật vật để đạt được kế hoạch kinh doanh đã được cổ đông thông qua, nên dự kiến số NH có nguồn thặng dư không nhiều.

Các tin khác