Sân khấu và đời sống thực

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang khi được đưa ra ánh sáng đã gây chấn động dư luận cả nước. Số phận một con người đôi khi bị quyết định bởi sự vội vàng và bất cẩn từ những người thực thi pháp luật, sẽ tạo nên những hệ lụy bi thương. Vốn nổi tiếng nhanh nhạy, Sân khấu kịch Sài Gòn lập tức mang cuộc đời cần sẻ chia của ông Nguyễn Thanh Chấn lên sàn diễn. Vở kịch “Tử hình” gần như bê nguyên xi mọi tình tiết ngoài hiện thực vào tác phẩm, chỉ đổi tên nhân vật.

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang khi được đưa ra ánh sáng đã gây chấn động dư luận cả nước. Số phận một con người đôi khi bị quyết định bởi sự vội vàng và bất cẩn từ những người thực thi pháp luật, sẽ tạo nên những hệ lụy bi thương. Vốn nổi tiếng nhanh nhạy, Sân khấu kịch Sài Gòn lập tức mang cuộc đời cần sẻ chia của ông Nguyễn Thanh Chấn lên sàn diễn. Vở kịch “Tử hình” gần như bê nguyên xi mọi tình tiết ngoài hiện thực vào tác phẩm, chỉ đổi tên nhân vật.

“Tử hình” dễ dàng được khán giả phương Nam đón nhận khá nồng nhiệt. Công chúng đi xem “Tử hình” để hiểu hơn thời thế và lòng người, để băn khoăn cùng giới nghệ thuật một thông điệp đơn giản “bóng tối sau song sắt, liệu có đáng sợ bằng sự dày vò của lương tâm”?

Đây không phải lần đầu tiên sân khấu mổ xẻ một vụ án oan. Cách đây 30 năm, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết “Trái tim trong trắng” từ câu chuyện có thật của ông Nguyễn Sỹ Lý ở Nam Đàn, Nghệ An. Bị kết tội “giết người” một cách uất ức, ông Nguyễn Sỹ Lý từ một giảng viên đại học đã trở thành một phạm nhân khốn đốn. “Trái tim trong trắng” khi công diễn đã giúp người đương thời soi rọi những góc khuất xung quanh cán cân công lý. Tính đến nay, vở kịch “Trái tim trong trắng” vẫn còn nguyên tính cảnh báo sâu sắc. Bằng chứng là vài năm gần đây, “Trái tim trong trắng” được dàn dựng lại với tên gọi “Hai ngàn ngày oan trái”.

Trong các loại hình nghệ thuật, sân khấu vốn được xem là một mũi nhọn xung kích. Tính biểu tượng của sân khấu cho phép đi gần với tính thời sự và tính tranh đấu. Nếu có tâm và có tài, sân khấu hoàn toàn có thể cùng nghệ sĩ phản ánh những tệ nạn, những thói xấu, những hợm hĩnh, những gian trá của xã hội một cách nóng bỏng. Sau trường hợp xuất hiện rực rỡ và chói ngợp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với những tác phẩm thành công vang dội như “Tôi và chúng ta”, “Người tốt nhà số 5”, “Lời thề thứ 9”, “Quyền được hạnh phúc”, “Điều không thể mất”... sân khấu gần như quay lưng lại với hiện thực sinh động.

Thật buồn khi suốt một thời gian dài, sân khấu nước nhà loay hoay với những vở hài kịch rẻ tiền hoặc những vở kịch kinh dị hòng chạy theo thị hiếu khán giả. Vở kịch “Tử hình” hôm nay trên Sân khấu kịch Sài Gòn dẫu chưa đạt được sự khái quát cần thiết của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ít nhiều chứng minh rằng sàn diễn đã bớt tránh né đời sống. Một tín hiệu đáng mừng.

Các tin khác