Chưa yên tâm dự án sân bay tỷ đô

Sau 3 phiên họp thẩm định dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Hội đồng Thẩm định Nhà nước vẫn chưa thể yên tâm với báo cáo đầu tư dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đối tác tư vấn lập.

Sau 3 phiên họp thẩm định dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Hội đồng Thẩm định Nhà nước vẫn chưa thể yên tâm với báo cáo đầu tư dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đối tác tư vấn lập.

Làm rõ sự cần thiết đầu tư

Theo báo cáo đầu tư của ACV, dự án Cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD, diện tích đất xây dựng 5.000ha, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Dự kiến, báo cáo đầu tư của dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 10.

Tuy nhiên, trong phiên họp thứ 3 của Hội đồng Thẩm định Nhà nước cuối tuần qua, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước, đã yêu cầu ACV và đối tác tư vấn tiếp tục bổ sung, viết lại báo cáo đầu tư để tăng tính thuyết phục về hiệu quả đầu tư của dự án. Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, trong báo cáo đầu tư của ACV vẫn chưa làm rõ được lợi thế cạnh tranh của Cảng HKQT Long Thành so với các cảng HKQT khác trong khu vực, khi ACV đặt ra mục tiêu xây dựng Cảng HKQT Long Thành trở thành cảng trung chuyển khu vực. Đây là một nội dung ACV cần làm rõ vì liên quan trực tiếp đến quy mô đầu tư.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý nội dung báo cáo đầu tư chưa có tính thuyết phục cao, cần viết mạch lạc để mọi người hiểu phải đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, thay vì tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hoặc cải tạo, mở rộng căn cứ không quân Biên Hòa. Những số liệu thống kê của ACV cho thấy năm 2013, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 420 lượt chuyến bay cất/hạ cánh, số lượng khách đi/đến đạt hơn 20 triệu hành khách/năm.

ACV dự báo số lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 30 triệu lượt vào năm 2020 và sẽ tăng lên 50 triệu  lượt hành khách vào năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo ACV cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế và quốc nội để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên mức 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng hành khách như hiện nay, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách đến năm 2017, sau giai đoạn này sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng những con số dự báo của ACV là có cơ sở. Thời gian qua, để đảm bảo hiệu quả khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đạt 20 triệu hành khách/năm, TPHCM đã đầu tư khoảng 300 triệu USD cho các tuyến đường kết nối với sân bay. Để đáp ứng việc nới công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho sân bay này, TPHCM phải đầu tư ít nhất 4-5 tỷ USD cho hệ thống giao thông kết nối, như hệ thống đường bộ trên cao, đường sắt đô thị.

Vấn đề đặt ra với sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là còn đất hay không mà là hạ tầng kết nối sân bay có đáp ứng được hay không. Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất nằm giữa khu vực đô thị đang phát triển của TPHCM, nếu mở rộng sẽ rất bất cập về an toàn bay, về không gian đô thị, tiếng ồn. Vì vậy, việc khai thác sân bay mới tại Long Thành sau năm 2020 là hết sức cần thiết.

Đắt hay rẻ?

Chưa yên tâm dự án sân bay tỷ đô ảnh 2Huy động vốn đầu tư tư nhân thông qua hình thức đầu tư PPP cho dự án Cảng HKQT Long Thành là được, nhưng huy động cho các hạng mục nào của dự án cần làm rõ. Việc cân nhắc áp dụng PPP ở chỗ nào được, chỗ nào không được là để giữ thẩm quyền, quyền quyết định của nước ta, là việc cần phải tính toán kỹ.
Chưa yên tâm dự án sân bay tỷ đô ảnh 3

Ông Bùi Quang Vinh,
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Cảng HKQT Long Thành là một trong những dự án nằm trong danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2014. Theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước, đây là cơ sở để nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, hợp tác đầu tư vào dự án. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn ADPi (Pháp), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Công ty Cảng hàng không Incheon (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Nhật Bản đang quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức đầu tư như PPP, BOT...

Trong báo cáo của Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho rằng việc ACV phân chia dự án thành 5 nhóm hạng mục để huy động các vốn ngân sách nhà nước, ODA, doanh nghiệp cổ phần, liên doanh, liên kết, hợp tác công tư (PPP) là phù hợp. Tuy nhiên, theo TSKH Lã Ngọc Khuê, chuyên gia phản biện của dự án, việc ACV áp dụng đơn giá/suất đầu tư của dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Nội Bài sử dụng vốn vay JIBIC để tính toán cho dự án Cảng HKQT Long Thành chỉ sử dụng một phần khoản vay ODA (Nhật Bản) với điều kiện vay khác nhau là chưa phù hợp.

Qua so sánh với tổng mức đầu tư của cảng HKQT Suvarnabhumi (Thái Lan), cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn I của cảng HKQT Long Thành cao gần bằng. Trong khi đó Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 chỉ có 2 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm, còn cảng HKQT Suvarnabhumi (Thái Lan) đã xây dựng hoàn chỉnh với 2 đường cất hạ cánh và 4 terminal của nhà ga hành khách với công suất 45 triệu hành khách/năm.

Trong khi điều kiện địa chất Suvarnabhumi là vùng đầm lầy, việc xây dựng khó khăn hơn nhiều so với vùng đất đỏ Long Thành. Theo ACV việc so sánh chi phí đầu tư xây dựng cảng hàng không giữa các nước chỉ mang tính tương đối, vì giá cả mỗi nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ra, Cảng HKQT Long Thành được xây dựng sau nên cần xem xét yếu tố trượt giá.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia phản biện số 2 của dự án, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư những tính toán về chi phí đầu tư xây dựng nên thống nhất là khái toán tổng mức đầu tư, không nên khẳng định là tổng mức đầu tư, bởi đây là những tính toán sơ bộ.

Các tin khác