Cải cách vẫn ách tắc

Tại buổi làm việc giữa tuần trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), hàng loạt thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp thời gian qua đã được điểm mặt chỉ tên cùng với sắc lệnh phải cắt giảm 1/3 từ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cảm thấy e dè khi chia sẻ niềm vui này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu thủ tục hành chính đang giăng như thiên la địa võng, “chặt đuôi này lại mọc ngay đuôi khác”.

Tại buổi làm việc giữa tuần trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), hàng loạt thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp thời gian qua đã được điểm mặt chỉ tên cùng với sắc lệnh phải cắt giảm 1/3 từ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cảm thấy e dè khi chia sẻ niềm vui này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu thủ tục hành chính đang giăng như thiên la địa võng, “chặt đuôi này lại mọc ngay đuôi khác”.

Mừng vẫn lo

Chia sẻ với ĐTTC, một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành bất động sản (BĐS) cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng là việc làm vô cùng đúng đắn, giải vây cho doanh nghiệp, từ đó sẽ giúp giảm giá thành xây dựng, giảm giá BĐS. Tuy nhiên, để làm được triệt để cần sự nỗ lực rất lớn, bởi chỉ cần sao nhãng, thủ tục lại “mọc” ra mà không biết kêu ai. Dẫn chứng cho nhận định của mình, doanh nghiệp này lấy thí dụ Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ vài năm trước.

Đây là cuộc cải cách thủ tục hành chính với quy mô được đánh giá là lớn chưa từng có, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong việc tháo gỡ 1 trong 3 nút thắt tăng trưởng. Sau đề án này, doanh nghiệp cũng đã phần nào dễ thở hơn, nhưng về căn bản, khó khăn trong việc đầu tư dự án, trong các thủ tục về đất hoàn toàn không giảm. “Thí dụ có những thủ tục Nhà nước đã quy định  giải quyết ngay tại chỗ hay theo cơ chế một cửa, trên lý thuyết là đã giảm đến tận cùng rồi, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải chạy vòng quanh.

Hoặc có nhiều thủ tục nói là giảm nhưng thực tế lại gộp vào một chỗ. Điển hình là các thủ tục đầu tư liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất, chờ đợi 2 năm, 5 năm là chuyện bình thường mà trong khi theo lý thuyết, chỉ mất khoảng 3-5 tháng là xong. Không nói đâu xa, khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, dự án trọng điểm, vướng thủ tục mười mấy năm vẫn chưa xong. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp cứ thẳng thắn nêu rõ lên cơ quan nào, cấp nào nhũng nhiễu, nhưng thực tế doanh nghiệp có phải đầu tư một dự án là xong đâu, làm sao dám” - một lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Thủ tục hành chính vẫn là yếu tố rủi ro lớn của DN. Ảnh: CAO THĂNG

Thủ tục hành chính vẫn là yếu tố rủi ro lớn của DN. Ảnh: CAO THĂNG

Là một trong những người từng phản ánh mạnh mẽ về tình trạng doanh nghiệp phải khổ sở vì thủ tục hành chính, thậm chí vạch ra rõ ràng từng điểm vô lý trong thủ tục của các sở, ban, ngành mà doanh nghiệp phải chịu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), cho rằng nói về thủ tục đầu tư có nói cả ngày không hết, giảm được thủ tục nào mừng thủ tục đó, nhưng không thể chỉ một vài bộ, ngành cải cách triệt để là xong.

“Có một thực tế là công việc mà doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khi khác xa những thống kê đang đưa ra, thí dụ ở Hà Nội, dự án sử dụng diện tích đất tương đối lớn thì ngoài UBND TP quyết định, còn phải thông qua Thường trực Thành ủy, nếu dự án nằm ở các quận sẽ còn liên quan đến phường, đến tổ dân phố, đến các hộ dân, mà rõ ràng các thủ tục ở đây không nằm trong một quy định nào” - ông Hiệp nói.

Cách nào cho hiệu quả?

Trên thực tế, thống kê của Bộ Xây dựng vừa công bố giữa tuần trước cũng đã có thể khiến nhiều người “choáng váng” vì mức độ khó khăn các chủ đầu tư vướng phải. Theo đó, những dự án có vốn đầu tư nhà nước còn dễ thở, nhưng những dự án không có vốn đầu tư nhà nước, tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kể cả công tác giải phóng mặt bằng khoảng từ 392 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục như: thủ tục liên quan đến sử dụng đất và thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào trong vòng thời gian như trên có thể khởi công được dự án được xem là “quá tốt số”. Một dẫn chứng cụ thể mà ông Nguyễn Quốc Hiệp từng chia sẻ tại một hội nghị đối thoại về thủ tục hành chính gần đây có thể coi là một minh chứng kinh điển cho việc doanh nghiệp không thể nào cán đích như mong muốn. Cụ thể, khi muốn làm dự án, đầu tiên doanh nghiệp phải xin ý kiến của UBND TP có cho đầu tư hay không.

Tuy nhiên, thường UBND TP không trả lời ngay mà phải hỏi các sở, ban ngành, sau đó TP mới có ý kiến chung. Tới thủ tục thứ hai - chấp thuận đầu tư, để có được điều này Sở Kế hoạch - Đầu tư phải hỏi các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN-MT, Sở Xây dựng… và quận sở tại, tổng cộng có 6 cơ quan. Sau khi có đủ các ý kiến, Sở Kế hoạch - Đầu tư mới tổng hợp và trình UBND TP để TP ra quyết định chấp thuận đầu tư. 40 ngày sau khi có quyết định trên, đến thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư lại phải hỏi lại 6 cơ quan trên. Qua cửa ải này, doanh nghiệp lại tiếp tục xin giấy phép quy hoạch, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, quyết định giao đất… cũng cần hỏi ý kiến 6 cơ quan này.

Theo Luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), bất cập này là do có nhiều luật và văn bản hướng dẫn quy định cho việc tiến hành một dự án đầu tư. Đến khi thực hiện, mỗi cơ quan, đơn vị lại có hướng dẫn riêng. Bất cập này khiến doanh nghiệp không có quy chuẩn chung để áp dụng cho các dự án đầu tư và muốn xin được đầu tư phải chấp nhận chạy lòng vòng khắp nơi.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng-BĐS, Nhà nước hiểu được nỗi “thống khổ” của doanh nghiệp là một tín hiệu mừng cho việc cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để việc này đạt được hiệu quả như mong muốn, cần phải lắng nghe nhu cầu, ý kiến của chính doanh nghiệp, từ đó mới có những sự điều chỉnh tương ứng trên cơ sở Nhà nước đáp ứng được. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là việc nhiều doanh nghiệp lưu tâm, bởi lẽ sự nhũng nhiễu trong các thủ tục đầu tư xây dựng ở cấp độ nào cũng có.

Các tin khác