Lời giải kinh tế miền Trung?

Kinh tế biển và phát triển du lịch có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các bài tham luận của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” diễn ra tại Đà Nẵng cuối tuần qua.

Kinh tế biển và phát triển du lịch có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các bài tham luận của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” diễn ra tại Đà Nẵng cuối tuần qua.

Phát triển chưa xứng tầm

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết vùng duyên hải miền Trung có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế biển, du lịch do nằm trên hành lang Trung Quốc - ASEAN, hành lang Đông - Tây, có bờ biển dài phía Đông với nhiều địa điểm thuận lợi nhất ở Việt Nam; có tiềm năng du lịch bậc nhất cả nước, có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp, nổi tiếng gắn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận…

Cần xem vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển nước ta. Trong đó tập trung 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về càng biển).

TS. Trần Du Lịch

Tuy nhiên, nền kinh tế tại khu vực này còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, so với mức bình quân chung, GDP bình quân đầu người của các tỉnh trong vùng còn tương đối thấp. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng chiếm 17% so với gần 8% bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ lệ nông nghiệp chiếm tới 25% so với 18,4% cả nước.

“Có nhiều ý kiến cho rằng miền Trung có quá nhiều sân bay, cảng biển. Nhưng đây hầu hết là sân bay, cảng biển đã cũ và đã được đầu tư từ lâu. Nền kinh tế của miền Trung vẫn chưa đủ để tích lũy, đầu tư chưa cao, giao thông vận tải để liên kết toàn vùng còn yếu, cảng biển sân bay chưa đủ tầm cỡ, chưa được đầu tư đúng mức” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng dù có rất nhiều tiềm năng lợi thế nhưng nền kinh tế vùng này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân của tình trạng này do các địa phương vẫn lúng túng, bị động trong việc triển khai các bước để liên kết phát triển vùng; tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực dồi dào, lao động rẻ; chưa hình thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung.

“Do tiềm năng lợi thế của các địa phương trong vùng đều khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp, đã xuất hiện những xung đột lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển; các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lắp nên nguồn lực đầu tư đều bị phân tán” - ông Lịch nhấn mạnh.

Chính phủ hỗ trợ, địa phương nỗ lực

Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm trong vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt hoàn chỉnh việc định tuyến đối với tuyền đường cao tốc xuyên vùng, từ Thừa Thiên - Huế đến tỉnh Bình Thuận; đường ven biển; xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá; phát triển mạnh đội ngũ tàu thuyền hiện đại đánh bắt xa bờ…

Dưới góc nhìn của mình, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành xương sống quốc gia hay đòn gánh gánh 2 đầu đất nước, chưa cất cánh, cả nước với 2 động lực phát triển 2 đầu  Bắc bộ và Nam bộ - dù có Hà Nội và TPHCM là đầu tàu mạnh - cũng chưa thể bay lên. Do đó, để cho đất nước cất cánh thật sự, phải dành cho công cuộc phát triển miền Trung một sự quan tâm đúng tầm, đúng cách”.

Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có sân bay, dù quy mô rất nhỏ. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có sân bay, dù quy mô rất nhỏ. Ảnh: CAO THĂNG

Vậy miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai để có thể bứt phá phát triển, thậm chí mở đường cất cánh cho cả nước? Theo các chuyên gia, kinh tế miền Trung cần phát triển theo hướng liên kết phát triển du lịch - dịch vụ đẳng cấp cao là trục phát triển chủ đạo và xuyên suốt của vùng, bên cạnh việc lựa chọn phát triển công nghiệp từng địa phương.

Cùng với đó, miền Trung cần phát triển đô thị - biển đẳng cấp cao - một xu thế phát triển dựa trên lợi thế chiến lược tuyệt đối của các tỉnh duyên hải. Thực tế thời gian qua, với kinh tế miền Trung, những chính sách, cơ chế của Nhà nước dành cho đã có; những lời khuyên chân tình, thẳn thắng cũng đã được đưa ra, những tiềm năng, thế mạnh của khu vực này cũng đã rõ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, nền kinh tế tại khu vực này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Như vậy, cơ hội và thách thức phát triển đối với vùng duyên hải miền Trung đều rất lớn. Để phát triển vùng tương xứng với tiềm năng, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan trung ương, trước hết chính quyền và Nhân dân các địa phương trong vùng phải nỗ lực hết sức mình.

Các tin khác