Kinh tế thế giới tuần qua

Kinh tế khu vực đồng EUR tăng trưởng thấp kỷ lục, kinh tế Nhật Bản giảm sâu nhất 3 năm, Nga hủy dự báo kinh tế trước đó vì không đo lường được ảnh hưởng từ xung đột Ukraine… là những tin đáng chú ý tuần qua.

Kinh tế khu vực đồng EUR tăng trưởng thấp kỷ lục, kinh tế Nhật Bản giảm sâu nhất 3 năm, Nga hủy dự báo kinh tế trước đó vì không đo lường được ảnh hưởng từ xung đột Ukraine… là những tin đáng chú ý tuần qua.

Nền kinh tế Eurozone ghi nhận mức tăng trưởng 0% trong quý II, với các đầu tàu như Đức, Pháp… tăng trưởng đáng thất vọng. Tăng trưởng của Đức giảm 0,2% do ngành xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi Pháp không tăng trưởng liền 2 quý. Tại Italia, GDP đã giảm 2 quý liên tiếp và đất nước này đã rơi vào cuộc suy thoái kinh tế lần thứ hai chỉ trong 5 năm.

Trong khi đó, ECB dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ ở mức 0,7% trong năm nay, 1,2% trong năm tới và tăng lên 1,5% trong năm 2016. Theo số liệu của ECB, lạm phát tháng 7 vừa qua trong Eurozone ở mức 0,4%, thấp nhất kể cuối năm 2009 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2% đưa ra trước đó.

Tại châu Á, nền kinh tế Nhật Bản đã co rút nhiều nhất kể từ thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân cách nay 3 năm, khi tiêu dùng và đầu tư đều lao dốc do tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) hồi tháng 4. GDP trong quý II giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức sụt giảm sâu nhất kể từ năm 2011. Dù vậy, nền kinh tế Nhật Bản vẫn được dự báo tăng 2,9% trong quý III.

Chính phủ dự định tăng thuế VAT lên 10% vào tháng 10-2015 từ mức 8% hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư mậu dịch kỷ lục trong tháng 7. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 12,3% và sang châu Âu tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013. Liên quan đến Trung Quốc, một tòa án ở Thượng Hải đã xử tù một nhà điều tra doanh nghiệp người Anh đang làm việc ở Trung Quốc và một đối tác người Hoa Kỳ của ông với tội danh vi phạm luật riêng tư khi thu thập thông tin cá nhân.

Peter Humphrey và Yu Yingzeng là 2 trong số các chuyên gia chống gian lận doanh nghiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc và đã từng làm việc cho hãng dược GlaxoSmithKline. Tại Malaysia, quỹ đầu tư toàn quyền của nước này đã hành động để quốc hữu hóa hãng hàng không Malaysia Airlines bằng cách mua lại cổ phần của những cổ đông thiểu số của hãng hàng không xui rủi này. Bị áp lực bởi các đối thủ cạnh tranh giá rẻ đã khiến hãng này thua lỗ trong nhiều năm, nhưng kế hoạch quốc hữu hóa hoàn toàn từng bị một số người chỉ trích, trong đó có cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad.

GDP Đức bất ngờ sụt giảm 0,2% trong quý vừa qua.

GDP Đức bất ngờ sụt giảm 0,2% trong quý vừa qua.

Ngày 12-8, Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) tuyên bố sẽ phải điều chỉnh lại tất cả dự báo kinh tế trước đó vì tính khó đoán định của tác động từ những lệnh cấm vận liên quan đến xung đột ở Ukraine. Ngân hàng này cho biết sẽ đưa ra các dự báo mới vào tháng tới.

Năm nay, giới quan sát tin rằng Nga sẽ phải chứng kiến những dữ liệu kinh tế yếu kém nhất kể từ năm 2000, trong khi lạm phát có thể tăng đột biến. Tiếp đó, ngày 14-8 Tập đoàn Năng lượng Rosneft đã xin chính quyền Moscow hỗ trợ 1.500 tỷ rúp (41,6 tỷ USD) vì cấm vận của phương Tây. Tính đến cuối quý II, Rosneft đang nợ 41,6 tỷ USD. Công ty này sẽ phải trả 12,2 tỷ USD vào cuối năm nay và trả thêm 17,36 tỷ USD trong năm 2015.

Trước đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s ước tính Rosneft chỉ có khoảng 17,5 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên hãng xếp hạng tín dụng Fitch và một số ngân hàng phương Tây cho rằng nguồn tiền mặt của Rosneft đang cạn kiệt vì cấm vận của phương Tây. Báo Vedomosti khẳng định Quỹ Tài sản quốc gia Nga không có đủ tiền để đáp ứng lời kêu gọi của Rosneft. Hiện quỹ này đã chi khoảng 86 tỷ USD cho các dự án khác.

Các tin khác