Cuộc chiến sách in-sách điện tử

Cuộc chiến giữa Amazon và nhà xuất bản Hachette chưa có hồi kết khiến độc giả là những người đang phải chịu thiệt bởi những tranh chấp quyền lợi giữa các bên.

Cuộc chiến giữa Amazon và nhà xuất bản Hachette chưa có hồi kết khiến độc giả là những người đang phải chịu thiệt bởi những tranh chấp quyền lợi giữa các bên.

Căng thẳng nảy sinh giữa Amazon và Hachette bắt đầu từ tháng 5 khi độc giả không thể mua sách của một số tác giả do Hachette xuất bản thông qua trang web của Amazon. Điều này xuất phát từ việc 2 bên có một số bất đồng trong thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Amazon muốn hạ giá thành sách điện tử xuống chỉ còn 9,99USD/cuốn trong khi Hachette muốn cao hơn mức giá của Amazon đưa ra từ 2USD-3USD.

Sách điện tử hiện chiếm 1/4 tổng lượng sách bán ra ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, doanh số sách điện tử năm ngoái chỉ tăng ít hơn 4% cho thấy nhiều độc giả vẫn gắn bó với loại hình sách truyền thống. Chính vì điều này, Amazon muốn hạ giá thành để đẩy doanh số bán sách điện tử. Amazon thuyết phục việc hạ giá thành sách sẽ đẩy mạnh doanh thu cho nhà xuất bản, tác giả và bản thân Amazon lên 16%.

Nhiều nhà xuất bản, trong đó có Hachette, cho rằng việc hạ giá sách theo đề xuất của Amazon như vậy khiến họ chịu thiệt, không bù lại được chi phí xuất bản sách. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, nguyên nhân sâu xa của vấn đề không đơn giản chỉ là lý do các nhà xuất bản nêu ra.

Theo Financial Times, mặc dù giá sách đã giảm đi nhiều nhưng các nhà xuất bản vẫn thu về khoản lợi nhuận 10-13% trong năm ngoái. Penguin Random House, nhà xuất bản lớn nhất của Hoa Kỳ, đã thu về hơn 600 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Vấn đề chính ở đây là các nhà xuất bản muốn được nhận khoản chia lợi nhuận từ Amazon lớn hơn mức 30% đang áp dụng hiện nay. “Nếu hạ giá xuống 9,99USD, Amazon sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ” - một nhà xuất bản cho biết. Trong khi đó, Amazon lại cho rằng 30% là mức hợp lý dành cho các nhà xuất bản.

Còn một điều nữa các nhà xuất bản lo ngại đó là việc Amazon ngày càng phình to được ví như “con cá mập nuốt hết thị trường” của các nhà xuất bản. Vừa qua Amazon còn tung ra gói dịch vụ Kindle không giới hạn, cho phép khách hàng chỉ cần đóng phí khoảng 10USD/tháng nhưng có thể tiếp cận nguồn sách khổng lồ 600.000 cuốn của Amazon, thay cho việc mua từng quyển sách trước đây. Chi phí xuất bản và bán sách qua Amazon ngày một rẻ cùng với độ phủ các thiết bị di động rộng và nhanh thực sự là đòn giáng mạnh vào ngành xuất bản truyền thống. Kỷ nguyên kỹ thuật số đang đe dọa sự sống của giấy in.

Tờ Forbes cho rằng giờ có lẽ đóng cửa hết các thư viện và đăng ký mỗi người một suất đọc sách của Kindle không giới hạn là xong. Vì thế, các nhà xuất bản đang tìm mọi cách để chống lại sự “xâm lược” của Amazon. 5 nhà xuất bản hàng đầu của Hoa Kỳ gồm HarperCollins, Hachette, Simon & Schuster, Penguin Random House và Macmillan tuyên bố sẽ không tham gia vào gói dịch vụ mới của Amazon.

Amazon muốn hạ giá thành sách điện tử để tăng lượng độc giả.

Amazon muốn hạ giá thành sách điện tử để tăng lượng độc giả.

Tuy nhiên, nhiều tác giả ủng hộ Amazon. Một tác giả, từng có hợp đồng với nhà xuất bản lớn New York House 15 năm trước, cho biết điều khác biệt giữa các nhà xuất bản truyền thống với Amazon là sự quan tâm, nâng niu tác giả. Trong khi các nhà xuất bản truyền thống trả cho các tác gia cao cấp nhất cũng chỉ ở mức 15%, còn Amazon trả lên tới 35%.

Những người tự xuất bản sách điện tử thông qua Amazon còn được hưởng mức lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Zandri, một tác giả viết truyện trinh thám, từng có cuộc sống khó khăn đến nỗi nhiều lúc phải đi giao đổi chai lọ cho các siêu thị để sống qua ngày. Nhưng nhờ Amazon, ông hiện thoải mái đi du lịch khắp những thành phố xa hoa nhất của Hoa Kỳ, châu Âu, tận hưởng cuộc sống sung túc.

Hơn 1 thập niên trước, Amazon phải thuyết phục các nhà xuất bản bán sách trên trang web của mình. Khi đó, các nhà xuất bản quyết định nội dung, hình thức, giá cả cuốn sách và Amazon không được phép thay đổi. Nhưng khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng, một số lượng không nhỏ độc giả giờ chỉ săn sách trên Amazon. Cuộc chiến về sách đang thật sự gay cấn.

Các tin khác