Một kiểu đạo nhạc mới

Cách đây hơn 10 năm, đời sống văn hóa từng gánh chịu một cơn địa chấn về đạo nhạc, trường hợp tiêu biểu nhất là ca khúc “Tình thôi xót xa”. Hành vi lấy cắp giai điệu và khúc thức của người khác đã bị lên án một cách gay gắt và giới nhạc sĩ cũng có sự kiêng dè đáng kể. Thế nhưng, đạo nhạc gần đây lại xuất hiện với phương pháp tinh vi hơn: đạo beat.

Cách đây hơn 10 năm, đời sống văn hóa từng gánh chịu một cơn địa chấn về đạo nhạc, trường hợp tiêu biểu nhất là ca khúc “Tình thôi xót xa”. Hành vi lấy cắp giai điệu và khúc thức của người khác đã bị lên án một cách gay gắt và giới nhạc sĩ cũng có sự kiêng dè đáng kể. Thế nhưng, đạo nhạc gần đây lại xuất hiện với phương pháp tinh vi hơn: đạo beat.

Beat là nhạc nền để ca sĩ biểu diễn một bài hát. Hòa âm phối khí cũng là một nghề đòi hỏi sáng tạo, nên beat cũng là một sản phẩm trí tuệ được bảo hộ. Tỏ ra ngây thơ, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã lấy beat của người khác một cách khá vô tư. Nạn nhân bị đạo beat là các nghệ sĩ Hàn Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, và buộc chúng ta phải gỡ các bài hát "Em của ngày hôm qua", "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần", "Em đừng đi" khỏi các bảng xếp hạng và các trang âm nhạc chính thống.

Trong nhạc viện, thỉnh thoảng các giảng viên cũng lấy beat nước ngoài cho sinh viên tập tành sáng tác ca khúc. Tuy nhiên, dùng beat để học hành và dùng beat để… kiếm ăn hoàn toàn trái ngược về ý thức và quyền lợi. Nếu lý giải ở góc độ tác phẩm phái sinh, giới hạn kế thừa chỉ cho phép dùng beat có sẵn để sáng tác ra một ca khúc không trùng lặp tiết tấu và phải hát trên một nhạc nền hoàn toàn mới. Những khái niệm đơn giản ấy hầu như ai cũng phải thấu hiểu và tôn trọng. Tiếc thay, không ít ca khúc đạo beat ngang nhiên đứng vào danh sách bình chọn “Bài hát yêu thích” trên sóng truyền hình quốc gia.

Những người đạo beat ở Việt Nam không chỉ là các ca sĩ trẻ ham hố phô diễn khả năng sáng tác, mà nhiều nhạc sĩ có tên tuổi cũng không ngần ngại cầm nhầm beat của thiên hạ. Đặc biệt, những ai yêu nhạc cảm thấy ái ngại khi chứng kiến sự tồn tại của nhiều website cung cấp beat nhạc không rõ nguồn gốc và cho phép tải miễn phí. Chính thái độ “điếc không sợ súng” ấy càng khiến nhiều người nhầm tưởng beat giống như “của chùa” cứ sao chép và sử dụng tràn lan.

Ở thời đại một cái nhấp chuột có thể kết nối cả thế giới, không một động thái khuất tất nào có thể che mắt người đời. Trong khi ông giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam đòi nhảy lên sân khấu một live show để thu tiền tác quyền, thì một bộ phận không nhỏ các nhạc sĩ vẫn ung dung đạo beat của bè bạn quốc tế. 2 hình ảnh tréo ngoe ấy, nghĩ mà thấy tức cười.

Các tin khác