Cuộc đua ngầm ở Mỹ Latin (K2): Trò chơi tổng bằng 0?

Trò chơi tổng bằng 0 là một trò chơi nếu một bên được nhiều bao nhiêu các bên khác mất nhiều bấy nhiêu và ngược lại, tức tổng được và mất của các bên luôn bằng 0. Cuộc chạy đua của 3 cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản và Nga vào Mỹ Latin cũng được ví như trò chơi tổng bằng 0.

Trò chơi tổng bằng 0 là một trò chơi nếu một bên được nhiều bao nhiêu các bên khác mất nhiều bấy nhiêu và ngược lại, tức tổng được và mất của các bên luôn bằng 0. Cuộc chạy đua của 3 cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản và Nga vào Mỹ Latin cũng được ví như trò chơi tổng bằng 0.

Cuộc đua ngầm ở Mỹ Latin (K1): 3 chuyến thăm

Được - mất giữa các tay chơi

Trong 3 cường quốc đang có những động thái tăng cường ve vãn Mỹ Latin, người ta chia ra làm 2 phe: Trung Quốc và Nga được xếp vào một phe, Nhật Bản ở phe còn lại. Điều này có thể nhìn thấy qua những nước mà nguyên thủ 3 cường quốc đã viếng thăm. Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc viếng thăm 4 nước, trong đó đều có điểm đến chung là 3 nước Cuba, Argentina và Brazil.

Trong 3 nước này, Cuba và Argentina được xếp vào diện ghét Hoa Kỳ (Cuba vẫn bị Hoa Kỳ cấm vận, Argentina vừa kiện Hoa Kỳ ra tòa án quốc tế), Brazil được cho là trung lập hơn. Nước còn lại nguyên thủ Nga viếng thăm là Nicaragua, trong khi Trung Quốc là Venezuela. Cả 2 nước này đều nổi tiếng với những luận điệu chỉ trích Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, điểm đến của Thủ tướng Nhật Bản là 5 nước Mỹ Latin thuộc diện thân hoặc ít ghét Hoa Kỳ, gồm Mexico, Trinidad & Tobago, Colombia, Chile và Brazil. Trong đó, Colombia được cho là thân Hoa Kỳ nhất khu vực. Điều này cũng khá dễ hiểu, bởi Nhật Bản là một trong các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Mục tiêu các nguyên thủ 3 nước nhắm đến được chia thành 2 vấn đề: kinh tế và chính trị. Trong đó, Nga muốn tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Mỹ Latin để giảm bớt thế bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây. Nga cũng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Mỹ Latin trên mặt trận ngoại giao để chống lại sức ép từ các nước phương Tây trong vấn đề Ukraine và vụ thảm kịch máy bay MH17. Trung Quốc, với một nền kinh tế tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới luôn đói tài nguyên, nhắm đến các nước Mỹ Latin giàu tài nguyên như một nguồn bổ sung cho cơn khát năng lượng và nguyên liệu thô của mình.

“Trung Quốc đang cần những nguồn nguyên liệu để duy trì tỷ lệ tăng trưởng dài hạn từ 5-7%” - Osvaldo Rosales, Giám đốc thương mại quốc tế của Ủy ban kinh tế Mỹ Latin thuộc Liên hiệp quốc, nói. Ông cho biết Trung Quốc đang nhập khẩu đồng và gỗ từ Chile, vàng và kẽm từ Peru, thị bò, lúa mì và đậu nành từ Argentina, đường và bắp từ Brazil, dầu mỏ từ Venezuela… Theo tờ Trung Quốc Nhật báo, trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua, Trung Quốc đã ký 150 thỏa thuận, trị giá 70 tỷ USD, bao gồm mọi lĩnh vực từ năng lượng, khai khoáng, điện, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, tài chính và sản xuất.

Trong khi đó, mục tiêu kinh tế của Nhật Bản là nhằm tiếp thêm năng lượng cho chương trình cải cách kinh tế mang tên “mũi tên thứ ba” của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhật Bản tuyên bố rằng họ muốn tìm kiếm sự ủng hộ cho vị trí thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ngoài ra, ông Abe cũng muốn có thêm tiếng nói đồng tình trong các tranh chấp lãnh thổ đối với Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy sự xung đột lợi ích rất rõ ràng giữa 2 phe, đặc biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo đó, nếu Nhật Bản lôi kéo được càng nhiều ủng hộ, Trung Quốc sẽ càng mất đi nhiều hậu thuẫn và ngược lại. Điều này sẽ được thấy rõ trong quan hệ với Brazil, nước đón tiếp nguyên thủ cả 3 nước trong tháng rồi. Trong  kỳ 1, ĐTTC đã đề cập đến việc Nhật Bản vận động cho Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đó, với mức thuế suất áp dụng ở mức 0%, hàng hóa của các quốc gia thành viên TPP hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc, vốn nổi tiếng ở sự đa dạng và giá thành rất rẻ. Về cơ bản, các nhà quan sát tin rằng TPP là hiệp định thương mại nhằm kiềm chế sự bành trướng của hàng hóa Trung Quốc.

Không chơi vẫn thiệt

Hiện nay Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đang là những đối tác thương mại lớn nhất và nhì với các nước Mỹ Latin. Tính đến năm 2011, tổng giá trị thương mại giữa Hoa Kỳ và khu vực Mỹ Latin đạt 800 tỷ USD, gấp 3 lần Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ hợp tác thương mại nào giữa các nước Mỹ Latin với những nước khác đều đe dọa trực tiếp tới vị thế của Hoa Kỳ và EU tại khu vực.

“Trong 2 hoặc 3 năm tới, Trung Quốc sẽ thay thế EU để trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 2 của khu vực” - Osvaldo Rosales nói. Tờ Trung Quốc Nhật báo cho biết trong chuyến đi ông Tập đã cam kết nâng tổng thương mại với khu vực Mỹ Latin lên 500 tỷ USD/năm trong vòng 1 thập niên, đồng thời đổ 250 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào khu vực.

Trong cuộc họp với các nước thành viên BRICS hồi tháng trước, Trung Quốc và Nga cũng tuyên bố thành lập một ngân hàng phát triển mới với 50 tỷ USD và một quỹ dự trữ 100 tỷ USD để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn là những thực thể chịu sự chi phối lớn của phương Tây. Dường như những khó khăn các quốc gia Mỹ Latin đang phải đối mặt là cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm Mỹ Latin lần này, ông Tập muốn chứng tỏ Trung Quốc là một lựa chọn thay thế Hoa Kỳ ở Mỹ Latin.

Theo đó, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm lợi ích lớn hơn ở Tây bán cầu, ngoại giao Trung Quốc đã phát hiện ra “lục địa mới” và sẽ xây dựng quan hệ toàn cầu kiểu mới cân bằng hơn. Rubens Figueiredo, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sao Paulo (Brazil), cho rằng: "Trung Quốc là một lựa chọn phù hợp với quan điểm chính trị của cánh tả". Cùng với chuyến thăm Bắc Mỹ và Trung Mỹ vào năm 2013, chuyến thăm Mỹ Latin lần này của ông Tập sẽ giúp hoàn chỉnh hơn thế ngoại giao ở Tây bán cầu của Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng hiện diện tại Mỹ Latin.

Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng hiện diện tại Mỹ Latin.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc đánh bật Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Mỹ Latin là điều không dễ dàng đối với Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều nước Mỹ Latin coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong cuộc chạy đua vào Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Một số nước cũng lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, đã xúc tiến thành lập khu vực mậu dịch tự do với Hoa Kỳ. Yun Sun, chuyên gia về khu vực Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định: "Mối quan hệ truyền thống lâu nay giữa Hoa Kỳ và khu vực Mỹ Latin sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi sự can dự của Trung Quốc về mặt chính trị và kinh tế, bởi những điều này mới diễn ra gần đây và không có tính toàn diện như quan hệ Hoa Kỳ - Mỹ Latinh".

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc chỉ trích quan điểm cho rằng Trung Quốc đang tiến hành trò chơi tổng bằng 0. Theo họ, đó chỉ là cách nhìn phiến diện, vì ngoài các hợp đồng khai thác tài nguyên với khu vực Mỹ Latin, Bắc Kinh đang ngày càng đa dạng hóa quan hệ kinh doanh, trong đó có hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục… Họ cũng cho rằng không chỉ Trung Quốc mới hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên với các nước Mỹ Latin, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản cũng có, tại sao chỉ trích Trung Quốc.

Các tin khác