Cơ hội mới M&A: Đích ngắm DNNN

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã diễn ra sôi động trong 5 năm qua và đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới khi nền kinh tế đang phục hồi; quá trình cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế đang là xu hướng gia tăng hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu. Những yếu tố quan trọng này có thể tạo nên làn sóng M&A lần thứ 2 tại Việt Nam, đặc biệt hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã diễn ra sôi động trong 5 năm qua và đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới khi nền kinh tế đang phục hồi; quá trình cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế đang là xu hướng gia tăng hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu. Những yếu tố quan trọng này có thể tạo nên làn sóng M&A lần thứ 2 tại Việt Nam, đặc biệt hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn.

Môi trường thuận lợi

Tại "Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014 - Làn sóng thứ 2" do Báo Đầu tư tổ chức, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2008. Tuy nhiên, từ năm 2013, tổng giá trị và số lượng các giao dịch M&A thành công bắt đầu suy giảm do chất lượng các thương vụ và niềm tin của nhà đầu tư thấp, môi trường luật định thiếu nhất quán, điều kiện cơ sở hạ tầng kém.

Dự kiến xu hướng sẽ tăng trở lại vào năm 2015 khi các bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn. Trọng tâm M&A vẫn là ngành tài chính, bảo hiểm, viễn thông, hàng tiêu dùng. Trong vài năm qua, nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế đã thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, đây là điều quan trọng để duy trì hoạt động M&A và đúc kết kinh nghiệm. Hiện Việt Nam đang có những DN rất mạnh được nhà đầu tư trong lĩnh vực M&A quan tâm.

Về thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả công khai thông tin; Thông tư 171 về việc hướng dẫn thực hiện yêu cầu công khai tương tự như công ty đại chúng; Quyết định 36 quy định quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Về tổng giá trị các giao dịch M&A, 3 năm gần đây chưa có giao dịch nào có giá trị 100 triệu USD. Tuy nhiên, làn sóng M&A thứ 2 đang được kỳ vọng sẽ có những giao dịch trị giá 100 triệu USD được thực hiện. Thứ nhất, việc CPH những DNNN như MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex... với những DN hoạt động hiệu quả và đã bắt đầu tăng năng suất trong những năm gần đây, sẽ là động lực rất lớn cho hoạt động M&A.

Thứ hai, khi Nhà nước bắt đầu giảm bớt sở hữu của mình trong những DN đã CPH, những tài sản đó sẽ được tung ra, tạo ra những giao dịch quy mô và quan trọng là những công ty đầu ngành đó sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Thứ ba, khi có cải thiện về luật định cũng như mở rộng sở hữu của nước ngoài, những điều chỉnh về Luật DN, Luật Chống tham nhũng sẽ hướng đến thị trường minh bạch, hiệu quả và năng động hơn. Việc thay đổi hạn định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty Việt Nam, DNNN, các ngân hàng thương mại và sự phát triển mạnh của ngành bán lẻ cộng với tiếp tục thực hiện cam kết WTO, sẽ là môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A mạnh mẽ xảy ra.

Sức ép cạnh tranh cũng dẫn đến một loạt cuộc sáp nhập giữa các DN trong nước, bắt đầu trong ngành ngân hàng, mía đường và một số lĩnh vực kinh tế khác, dẫn đến quy mô lớn hơn, mạnh hơn và thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả cho nền kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, rào cản thương mại sẽ giảm và tăng được năng lực cạnh tranh của mình.

Động lực từ CPH và thoái vốn

Tại hội nghị về tái cơ cấu DNNN diễn ra vào tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ chung đến năm 2015 là thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH, kể cả các tập đoàn kinh tế, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán cổ phần nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị công ích.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15, Chỉ thị 06 và Quyết định 37 về tiêu chí phân loại DNNN. Đây là cơ sở pháp lý và cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu DNNN. Chính phủ cũng xác định rõ lĩnh vực nào khu vực tư nhân được làm, lĩnh vực nào Nhà nước chỉ nắm giữ những khâu trọng yếu nhất. Mục tiêu sẽ tiến hành CPH 432 DN 100% vốn nhà nước trong 2 năm 2014-2015 và tiếp tục rà soát bổ sung thêm các DN cần CPH theo hướng giảm mạnh DN vốn nhà nước. Ngoài ra, khoảng 4.000 DN đã CPH mà Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối sẽ được bán bớt cổ phần nhà nước, trong đó có nhiều DN lớn kinh doanh hiệu quả như Habeco, Sabeco, Vinamilk, FPT…

Bên cạnh đó, những DNNN đầu tư ngoài ngành cũng được yêu cầu thoái vốn. Như vậy, khối lượng cổ phần của DNNN đưa ra thị trường trong và ngoài nước rất lớn. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc này, mở ra cơ hội rất lớn cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh của các DN lớn, thông qua việc mua cổ phần khi DNNN thực hiện CPH hay khi Nhà nước thoái vốn tại các DN này.

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam ngày càng cao, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực trong việc tái cơ cấu ngân hàng, khắc phục nợ xấu và các cải cách của Chính phủ đang hướng đến một môi trường thuận lợi và hấp dẫn hơn cho DN. Khu vực đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đầu tư, cộng với yếu tố dân số trẻ đã tác động tích cực đến hoạt động M&A.

Ông John Ditty,
Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia

Đến nay, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành phê duyệt các đề án sắp xếp đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 38 DNNN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 1 DN đã IPO và hoàn tất chuyển đổi sang CTCP.

Ngoài ra, các đơn vị như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cũng đã hoàn tất bán cho nhà đầu tư chiến lược số lượng 7,3 tỷ cổ phần, chiếm 21% tổng vốn điều lệ; Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải bán cho 2 nhà đầu tư chiến lược 2,5 triệu cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ, trong đó 1 đối tác Nhật Bản mua gần 2 triệu cổ phần, chiếm 15% vốn điều lệ.

Trong tháng 7 vừa qua đã có 55 DN hoàn thành CPH. Trong quý III và quý IV sẽ có nhiều DN nữa tiếp tục hoàn tất quá trình này và sắp tới sẽ yêu cầu sau 6 tháng kể từ khi CPH, DN đủ điều kiện phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc Upcom để tạo sân chơi cho nhà đầu tư mua bán, chuyển nhượng cổ phần.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital, cho biết  mục tiêu CPH 432 DNNN trong 2 năm 2014-2015 là một chương trình đầy tham vọng, bởi trong 3 năm 2011-2013 chỉ 180 DN được CPH. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ có quyết tâm cao, chiến lược hợp lý và các điều kiện thuận lợi khác.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt, cho rằng các nhà đầu tư đã thấy cơ hội trong quá trình CPH DNNN và với kế hoạch CPH, thoái vốn tại hàng loạt DN lớn sẽ tạo cơ hội rất lớn cho làn sóng M&A thứ 2.

Nâng tầm, nâng chất

Việt Nam đã xuất hiện tầng lớp trung lưu với nhu cầu ngày càng gia tăng và cũng có nhiều tiền hơn để chi tiêu, đó là điều kiện để đầu tư đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng để đảm bảo làn sóng M&A thứ 2 diễn ra mạnh mẽ cần phải thực hiện một số điều. Thứ nhất, những yếu kém trong quản trị DN phải được xử lý tốt để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Thứ hai, tăng cường minh bạch và trung thực. Bởi lẽ một công ty hoạt động liêm chính, công khai sẽ thu hút được nhiều vốn và có nhiều nhà đầu tư chiến lược hơn.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề định giá, thẩm định đã tồn tại trong nhiều năm qua. Đó là việc những tài sản khi đưa ra thị trường, bên bán kêu giá rất cao nhưng sau đó lại điều chỉnh nhiều lần. Vì thế, để định giá tốt phải có hệ thống xác định hợp lý, có tính hỗ trợ.

Thứ tư, Chính phủ phải thực hiện các chính sách đã công bố, cải cách thực thi luật, thúc đẩy các thông tư để tạo ra sự thay đổi thực sự trên thị trường. Cuối cùng, các nhà đầu tư mua bán tài sản tại Việt Nam thường nản lòng vì quy trình thủ tục thực hiện rất tốn kém thời gian. Vì vậy, DNNN cần có đối tác tư vấn tốt, phía ngân hàng cần hỗ trợ một cách phù hợp và đáng tin cậy hoạt động M&A. Các bên tham gia giao dịch cũng cần hiểu rằng M&A nhằm mang lại sự thịnh vượng, lợi ích cho 2 bên, giao dịch M&A không chỉ là mua bán đơn thuần mà là chuyển giao về kiến thức quản trị mang lại giá trị lâu dài tạo ra từ thương vụ đó.

MobiFone là thương hiệu nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.

MobiFone là thương hiệu nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nhữ Đình Hòa chia sẻ để thu hút được nhà đầu tư chiến lược và CPH thành công, DNNN phải xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng và cơ cấu vốn điều lệ hợp lý. Trong giai đoạn vừa qua, việc IPO thành công của những DN Bộ Giao thông-Vận tải một phần do xây dựng được cơ cấu vốn điều lệ hợp lý và xác định số vốn cần thiết để thực hiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, DN đang CPH nên tận dụng cơ hội để quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng về tài chính, lao động dôi dư, tinh gọn bộ máy để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược hơn. Hiện nay nhiều chính sách đã được ban hành để khuyến khích và tạo thuận lợi cho CPH, các DNNN nên tận dụng tốt sự hỗ trợ này. 

Các tin khác