Cảm ơn khủng hoảng!

Bức tranh khủng hoảng kinh tế được vẽ nên bởi rất nhiều gam màu tối, những rơi rụng của doanh nghiệp, khủng hoảng, stress của doanh nhân… Song đâu đó vẫn còn những doanh nhân nhờ khủng hoảng lại có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng cho chính mình.

Bức tranh khủng hoảng kinh tế được vẽ nên bởi rất nhiều gam màu tối, những rơi rụng của doanh nghiệp, khủng hoảng, stress của doanh nhân… Song đâu đó vẫn còn những doanh nhân nhờ khủng hoảng lại có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng cho chính mình.

1. Lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với ông, tổng giám đốc một công ty thép khá nổi tiếng, vào năm 2009. Ông khi đó là một doanh nhân bận bịu với rất nhiều kế hoạch xây dựng nhà máy, tiêu thụ sản phẩm… nên khá khó khăn tôi mới có được một cuộc hẹn gặp. Cuộc trò truyện hôm đó giữa tôi và ông bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc điện thoại, bởi những giấy tờ cần phải ký gấp nhân viên đưa vào. Và phải mất 2 lần gặp trong bận rộn như vậy cộng thêm vài cuộc điện thoại tôi mới có thể hoàn thiện bài viết về con người ông, về ngành nghề ông đang tận tâm theo đuổi.

Song dường như không quan tâm đến báo chí viết gì, ông đang mải kinh doanh. Bẵng đi một thời gian khá lâu, phải đến vài năm, tôi lại có dịp hẹn gặp ông lần nữa. Lần này vào năm 2013 khi nền kinh tế đang trải qua mấy năm khó khăn liên tiếp và số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng đang ngày một nhiều lên.

Tôi khá bất ngờ, trước nhất là về ngoại hình, nhìn ông so với cách đây 4 năm lại có phần trẻ hơn nhiều. Không còn cái vẻ ngoài nặng nề, chiếc mục kỉnh luôn thường trực trên sống mũi. Ông cũng không tiếp tôi bên chiếc bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ mà mời ra bàn khách, thong thả vừa uống trà vừa trò truyện. “Khủng hoảng kinh tế mà sao thấy anh trẻ ra, nhàn hạ hơn, không bộn bề với những lo toan” - tôi hỏi. “Anh phải cảm ơn khủng hoảng, nhờ đó anh có thời gian dành cho mình, cho gia đình, có thời gian chơi thể thao nên trẻ khỏe hơn. Dành sức cho chặng đường dài phía trước” - ông cười.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa.

Không phải nói đùa, mà ông kể với tôi rất thật. Ông bảo trước đây cứ bù đầu với những dự án, nhưng khi kinh tế khó khăn mọi chuyện phải chậm lại, nhìn nhận kỹ hơn, vì thế thời gian dành cho mình cũng nhiều hơn. Song nói như vậy không có nghĩa là dừng lại, chậm lại để tăng tốc thôi. Ông còn nói như giãi bày, giờ đã nghiệm ra cần phải chia sẻ với báo chí, để báo chí lên tiếng, hiệu quả mang lại còn tốt hơn việc doanh nghiệp loay hoay đi gặp các “ban, bệ”. Giờ gọi cho ông lúc nào ông cũng sẵn lòng chia sẻ, thậm chí cúp máy rồi ông còn gọi nói thêm cho rõ, điều trước đó gần như chưa xảy ra.

Ông còn kể tôi nghe có mấy người bạn cũng là doanh nhân, vì khủng hoảng nên có nhiều thời gian gặp nhau, cùng nhau chơi golf. Và cũng từ sân golf có nhiều hợp đồng sau đó đã được ký kết. Thực ra nếu nói khủng hoảng là thời gian để doanh nhân nghỉ ngơi chuẩn bị cho những cuộc hành trình mới, thì câu chuyện của vị doanh nhân vốn làm trong ngành tài chính cũng khiến nhiều người quan tâm. Ông đã dành 2 năm sau cuộc khủng hoảng lớn của mình để nghỉ ngơi, luyện tập thể thao và khi trở lại thương trường vẫn tràn đầy nhiệt huyết với những kế hoạch mới.

2. Anh vốn là một nhân viên mẫn cán, nhưng chính cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến doanh nghiệp anh gặp khó khăn. Vì không chịu nổi đồng lương còm anh đã quyết định xin nghỉ việc. Thời gian đầu anh bị stress rất kinh khủng vì không thể tìm được công việc phù hợp. Nghe lời mấy người bạn giới thiệu, anh quyết định đầu tư gần 70 triệu đồng nhượng quyền một thương hiệu cà phê mang đi đang khá có tiếng trong thành phố. Thời gian đầu mở quán cũng không tránh được tình trạng vắng khách, nhưng dần dà anh lân la tiếp thị trên mạng xã hội, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu nên nay lượng khách hàng của quán khá ổn định.

Sau hơn 1 năm kinh doanh đến nay, theo chia sẻ của anh lợi nhuận hàng tháng cũng khoảng 25 triệu đồng, một con số rất tốt trong bối cảnh hiện nay. Bản thân anh vẫn đang tiếp tục đi tìm thêm cơ hội trong khủng hoảng. Anh quan niệm khủng hoảng người ta có thể bớt mua cái áo nhưng ăn uống vẫn phải duy trì nên anh cùng vài người bạn đang tìm hiểu thêm cơ hội trong ngành ẩm thực. Anh đang thầm cảm ơn khủng hoảng, vì nhờ đó anh đã bỏ được cái áo nhân viên mẫn cán với đồng lương đủ sống để khoác lên mình cái áo khác vừa xinh hơn.

Hai câu chuyện, một của doanh nhân nổi tiếng và một của nhân viên văn phòng bình thường đã cho thấy vẫn có những tiếng cảm ơn trong bối cảnh khủng hoảng này. Trên thực tế, khủng hoảng giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội nhìn lại mình, tiến nhanh, mạnh hơn do nhiều đối thủ bị rơi rụng. Và cũng trong khủng hoảng người ta thấy có những cú lội ngược dòng khi doanh nghiệp Việt mua lại cổ phần của đối tác ngoại.

3. Nhân nói câu chuyện khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều người nhất là các sếp doanh nghiệp hẳn sẽ mắc một căn bệnh kinh niên đó là stress. Thế nhưng một bài viết của bác sĩ Lương Lễ Hoàng lại có cách giải thích rất hài hước: Nếu mỗi lần bị nặng nhẹ chỉ cần được bồi thường một đồng danh dự thì stress chắc đã kiếm được bạc… tỷ! Bằng chứng là stress hầu như phải đưa đầu chịu trận như thủ phạm khi gặp bất cứ chuyện gì không xuôi chèo mát mái. Học không xong vì lười biếng, làm không nổi vì trốn việc cũng do… stress! Ngay cả với bệnh tật cũng thế, không ít thầy thuốc ắt hẳn đã phải nhiều lần cảm ơn stress vì có lối thoát trong danh dự khi bí đường chẩn đoán. Cứ đà này sớm muộn cũng có ông bà nào đó khi giải trình lý do tại sao tham nhũng dám nại cớ cũng vì… stress!

Nói cho vui vậy để thấy rằng trong cái khó cũng luôn ló cái khôn. Căng thẳng (hay còn được gọi là stress) trong công việc, cuộc sống là điều ai cũng từng trải qua, nhưng làm sao để sau những căng thẳng ấy phải lấy lại được cân bằng cho chính mình. Nói như vị doanh nhân nọ rằng cạnh tranh trong kinh doanh chính là một điều thú vị. Và ông cũng chia sẻ đừng nghĩ làm doanh nhân có nghĩa lúc nào cũng bộn bề công việc, ngày làm mười mấy tiếng. Hãy biết giao việc, giao trách nhiệm cho nhân viên để mình có thời gian cho mình, cho gia đình.

Doanh nhân có cô đơn không, thực ra cũng không vì bên họ còn có gia đình, bạn bè. 2 doanh nhân trong câu chuyện trên (một người trong ngành thép, một người trong lĩnh vực tài chính) đã khẳng định rằng thời gian vui vẻ nhất trong ngày chính là được chơi cùng cháu nội/ngoại. Hành trình phía trước còn dài nên nhân cơ hội này hãy làm tươi mới bản thân để bước những bước nhanh, mạnh hơn trên thương trường.

Các tin khác