“Bầu Kiểm” dạy bóng đá nữ

Không được học ngày nào về kỹ thuật bóng đá, nhưng vì đam mê, vì phong trào văn nghệ, thể thao địa phương, ông Dương Khắc Kiểm đã trở thành huấn luyện viên, kiêm “ông bầu” bóng đá xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín, Hà Nội). 20 năm qua, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người đã được gọi vào đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.

Không được học ngày nào về kỹ thuật bóng đá, nhưng vì đam mê, vì phong trào văn nghệ, thể thao địa phương, ông Dương Khắc Kiểm đã trở thành huấn luyện viên, kiêm “ông bầu” bóng đá xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín, Hà Nội). 20 năm qua, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người đã được gọi vào đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.

“Ông bầu” bất đắc dĩ

Tình cờ tôi được biết có huấn luyện viên luôn giàu tâm huyết với bóng đá nữ, người đã phát hiện và ươm mầm cho nhiều tài năng tương lai bóng đá nữ nước nhà, ông là Dương Khắc Kiểm. Không chần chừ, tôi đến làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, người dân chỉ cho tôi căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của lão nông, cũng là cựu chiến binh Dương Khắc Kiểm. 20 năm nay, ông Kiểm làm một việc không liên quan đến lúa gạo, ngô, khoai: dạy bóng đá cho các nữ cầu thủ nhí, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi Trẻ.

Nhớ lại, năm 1993, đình làng Cống Xuyên quê ông được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Trưởng thôn Nguyễn Văn Minh giao cho ông Kiểm, với tư cách Phó ban Văn hóa, trọng trách tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho thanh, thiếu niên, khuấy động phong trào, tăng thêm tình làng, nghĩa xóm. Ông Kiểm nghĩ ngay đến bóng đá. Rất nhiều người nghĩ không làm được thì ông khẳng định: Sẽ làm được, chỉ là có dám hay không.

Ông Dương Khắc Kiểm.

Ông Dương Khắc Kiểm. 

Được “bật đèn xanh”, ông Kiểm tập hợp các cháu thanh, thiếu niên lại, hình thành Câu lạc bộ bóng đá, chia làm 2 đội Tuổi Trẻ và Thanh Xuân. Cầu thủ lớn nhất 25 tuổi, cầu thủ ít tuổi nhất là con gái ông mới 13 tuổi. Để huấn luyện cho những cầu thủ “phái yếu”  thật chẳng dễ dàng gì. Trong khi đó thời gian luyện tập lại gấp rút. Song, với cái “mẹo” mà ông Kiểm nghĩ ra, ông đã khiến kỹ thuật của các nữ cầu thủ tiến bộ rõ rệt.

Nhận thấy thế mạnh của mình và niềm đam mê của các cháu nhỏ, ông Kiểm quyết định bỏ công việc buôn bán đang thuận lợi để trở thành “ông bầu” không lương, và thành lập câu lạc bộ, dạy miễn phí cho các em. Nhiều người mới nhìn nói ông rảnh nên vẽ chuyện ra làm cho hết thời gian, hoặc “dở hơi” chuốc thêm mệt, khổ cả gia đình.

Không phụ công thầy Kiểm, năm 1996, đội bóng đá nữ do ông làm chủ nhiệm được đi dự Giải bóng đá nữ Hà Tây, rồi giải Phù Đổng toàn quốc và đều được giải nhì. Đến năm 1998, Sở Thể dục thể thao tỉnh Hà Tây tuyển chọn đội bóng đá đại diện cho tỉnh, và Nghiêm Xá trở thành cái nôi của bóng đá nữ Hà Tây (cũ) từ bấy giờ. Huấn luyện viên Dương Khắc Kiểm được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo 2 lớp năng khiếu U9 và U12 để làm lực lượng kế cận cho Đội tuyển nữ Hà Tây, nay là tuyển nữ Hà Nội 1 và Hà Nội 2.

Món quà thành tích các học trò

Dù hoàn cảnh còn khó khăn, tuổi già, lại là thương binh, nhưng vì các học trò nhí, ông Kiểm không quản thời tiết khắc nghiệt, dù trời lạnh cắt da hay những ngày nắng nóng gay gắt vẫn cùng đội bóng ra sân tập luyện đều đặn. Ông tâm sự: “Tôi còn sống, còn có thể chạy còn tiếp tục sự nghiệp đào tạo cầu thủ cho đất nước. Ngoài ra, hiện nay tình trạng đạo đức của một số tầng lớp thanh thiếu niên xuống cấp trầm trọng. Lũ trẻ bị cuốn vào những trò chơi trên mạng internet, cờ bạc, ma túy. Vì vậy tôi muốn kéo bọn trẻ vào con đường đúng đắn và bóng đá là môn thể thao lành mạnh, vừa rèn luyện được sức khỏe, sự nhanh nhạy, sáng tạo lại vừa giúp các em có môi trường học tập lẫn nhau, tăng tinh thần đoàn kết. Việc quảng bá và hướng dẫn môn thể thao này đáng được cộng đồng hưởng ứng, tổ chức thi đua vào những dịp lễ tết để học hỏi, giao lưu văn hóa”.

Trước đây, ông làm việc không công, xã cấp cho 15.000 đồng mỗi tháng, chỉ đủ mua gói chè. Sau này là chủ nhiệm câu lạc bộ, có tiền trợ cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng nhưng ông lấy luôn tiền ấy để mua nước và thỉnh thoảng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí đôi lúc ông còn bỏ tiền túi để thưởng cho các em nhằm động viên khích lệ. Dù số tiền không lớn nhưng sẽ giúp các em có thêm nhiệt huyết và lòng đam mê bóng đá. Ông hết lòng dạy dỗ, hy vọng sau này các em phát huy được tài năng và cống hiến cho sự nghiệp thể thao của nước nhà.

Tổng kết sơ sơ, “bầu Kiểm” đã đào tạo được 200 cầu thủ, cung cấp cho đội tuyển quốc gia 38 em, Đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội 60 em. Nhiều gương mặt quen thuộc như Thu Trang, Lê Thị Oanh, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Lý, Thanh Hường, Hồng Loan… Câu lạc bộ đã đạt gần 60 huy chương ở các cấp huyện, tỉnh, toàn quốc và khu vực. Có được thành quả như vậy là nhờ tâm huyết của huấn luyện viên Dương Khắc Kiểm. Có cháu trước đây ông dạy mẹ đến nay tiếp tục dạy con.

Trong đó, có nhiều em có triển vọng như: em Nguyễn Thu Phương, sinh năm 1996, là thành viên Đội bóng đá nữ trẻ Hà Nội, tham gia 2 kỳ Festival. Hay em Phạm Thị Thu Huyền, sinh năm 1999, là tiền đạo nhanh nhẹn, có triển vọng tốt. Các em Nguyễn Hạo Nhi (sinh năm 2001), Nguyễn Hồng Hạ (sinh năm 2001), Nguyễn Trà My (sinh năm 2004)… mới nhập sân cỏ xã nhưng đã thể hiện năng khiếu và niềm đam mê cũng như sự quyết tâm “theo thầy Kiểm” của mình.

Em Nguyễn Trà My chia sẻ: “Gia đình em có 5 anh chị em, chị gái đầu học lớp 11, em là con thứ 3 hiện đang học lớp 4 tại trường của xã, cả 2 chị em đang tham gia vào đội tuyển của thầy Kiểm. Chiều nào chúng em cũng đến sân đều đặn, những hôm phải học về muộn cũng tranh thủ ra tập để không bị ngắt quãng giáo án. Thầy Kiểm hiền và vui tính nhưng rất nghiêm khắc trong khi luyện tập. Hôm nào không đi tập được phải gọi điện xin phép, hoặc hôm sau đến phải trình bày rõ nguyên nhân với thầy”.

Mỗi khi khách đến, hỏi chuyện bóng đá và công việc ông lại mang cuốn nhật ký của mình ra khoe. Trong cuốn nhật ký đó, ông ghi các quy tắc tham gia câu lạc bộ, những hình ảnh các trận đấu, tên tuổi những học trò dưới sự dìu dắt của ông hay những bài báo về câu lạc bộ đều được ông giữ gìn cẩn thận. Giờ ông hạnh phúc bên những câu thủ nhí của mình.

“Tôi được rất nhiều thứ, đó là sự thành đạt của các thế hệ học trò, cái tình của bà con và sự kính trọng trong giới thể thao. Công sức như vậy đã được đền đáp phần nào, và chỉ thế là đủ” - ông Kiểm tâm sự.

Các tin khác