Nghề vận chuyển

Thường được gọi là shipper là những người vận chuyển phụ trách việc nhận hàng từ người bán mang đến cho người mua. Công việc tưởng đơn giản này lại đầy tình huống phát sinh không ngờ, đôi khi là thiệt hại về tài sản, tính mạng. Vận chuyển, mua hàng theo yêu cầu của khách nhưng nếu hàng không đúng yêu cầu, shipper phải mua lại cho đến khi khách vừa lòng mới thôi.

Thường được gọi là shipper là những người vận chuyển phụ trách việc nhận hàng từ người bán mang đến cho người mua. Công việc tưởng đơn giản này lại đầy tình huống phát sinh không ngờ, đôi khi là thiệt hại về tài sản, tính mạng. Vận chuyển, mua hàng theo yêu cầu của khách nhưng nếu hàng không đúng yêu cầu, shipper phải mua lại cho đến khi khách vừa lòng mới thôi.

"Vượt nắng, thắng mưa, say sưa vận chuyển”

Xuất hiện ở Việt Nam khoảng 2 năm gần đây, dịch vụ giao hàng (ship) nhanh chóng được đón nhận vì những tiện ích mang lại cho người bán, người mua, đặc biệt là giới văn phòng, những người không có nhiều thời gian mua sắm, ngại đường xa. Người vận chuyển thường là sinh viên, cũng có thể là các xe ôm nhận thêm việc trong lúc nhàn rỗi chờ khách. Nếu chăm chỉ cả ngày, nghề giao hàng có thể đem lại thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, làm bán thời gian cũng được 2-2,5 triệu đồng.

Shipper Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Có tháng cao điểm, nhiều đơn hàng, trừ tất cả chi phí xăng xe, ăn uống, mình tiết kiệm được 8 triệu đồng”. Nhận thấy nhu cầu của khách ngày một lớn, từ những cá nhân đơn lẻ, nhiều người tập hợp thành nhóm để chia sẻ đơn hàng, lợi nhuận, tăng chất lượng phục vụ, sự chuyên nghiệp. Hơn 1 năm nay, cứ 9 giờ sáng, Tuấn Anh lại có mặt tại nhà nhóm trưởng nhận đơn hàng, gọi điện cho khách thống nhất thời gian, địa điểm rồi sắp xếp lộ trình. Giá mỗi đơn hàng dao động 10.000-70.000 đồng tùy quãng đường, thời gian giao hàng và mức độ quan trọng hàng hóa.

Tuấn Anh tâm sự: “Nghề này thực sự vất vả, cái khó khăn nhất luôn từ phía khách hàng, có những người rất khó tính, hay mặc cả. Khách hàng có người dễ dãi thoải mái, có người khó tính yêu cầu không đến đúng giờ không nhận hàng. Hàng đến muộn 15-20 phút bị mắng sao lâu thế, mặc mình giải thích khách vẫn khó chịu. Nhưng mình coi đó là những rủi ro của nghề nên chấp nhận và cố gắng” - Tuấn Anh chia sẻ.

 Phan Tiến Đức - Điều hành viên nhóm "Chuyên phục vụ" ghi lại lộ trình cho mỗi đơn hàng và yêu cầu của khách.

Phan Tiến Đức - Điều hành viên nhóm "Chuyên phục vụ" ghi lại lộ trình cho mỗi đơn hàng
và yêu cầu của khách. 

“Công việc của bọn mình như làm dâu trăm họ, luôn luôn phải chiều tất cả khách hàng, họ thoải mái thì công việc mới trôi chảy” -  Trần Đình Huy (phố Hồ Giám, Hà Nội) chia sẻ thêm. Những bực dọc, vất vả chỉ người trong nghề mới thấu hiểu, gặp khách dễ tính thì may mắn, tiếp xúc với khách khó tính những người vận chuyển chỉ biết uất ức kể cho nhau, nếu quá đáng tự nhủ lần sau không nhận giao địa chỉ này nữa.

Phan Tiến Đức, Điều hành nhóm shipper “Chuyên phục vụ”, cho biết: “Nếu không nhiệt tình, nhẫn nhịn, khéo léo chẳng thể đảm trách công việc này. Trung bình mỗi shipper chạy 170-190 cây số, thu nhập 150-200.000 đồng. Chẳng may có những đơn hàng phải vòng đi vòng lại 2-3 lần mới giao được mà chỉ tính công một lần coi như mất lãi”.

Tai nạn nghề nghiệp “đau thương” nhất, đáng nhớ nhất là lần Đức cùng nhóm hùn tiền, ứng gần chục triệu đồng mua 3 vé tàu cho khách, nhưng khi đến địa điểm giao nhận, khách không bắt máy. Cực chẳng đã, họ phải mang vé về ga, chấp nhận bán lại với giá thấp hơn. Mệt nhọc, khó khăn đầy rẫy, nhưng nhiều nhóm shipper vẫn kiên trì theo đuổi, vì với họ đây không chỉ là việc làm, mà còn là danh dự, chữ tín, là sự quan tâm và thấu hiểu khách hàng. Phan Tiến Đức tếu táo: “Chúng tôi là những người vượt nắng, thắng mưa, say sưa vận chuyển”.

Thân cò đi đêm

Ngay cả khi phố phường lên đèn, mọi người rục rịch chơi phố, nghỉ ngơi, thư giãn, những người giao hàng vẫn tất bật phục vụ. Có những nhóm nhận chuyển hàng đến 2 giờ sáng, đơn hàng thường là đồ ăn khuya lót dạ. “Thế mạnh của nhóm mình là giao hàng hỏa tốc, từ lúc nhận được đơn hàng đến khi giao chỉ 45 phút, cùng lắm 1 giờ” - Nguyễn Duy Anh, thành viên nhóm “Chuyên phục vụ”, cho biết.

Theo các shipper, khó khăn lớn nhất khi chuyển hàng vào ban đêm không phải là trộm cắp, kiểm tra đột xuất, bị giục hàng mà là khách gọi đồ nhưng không lấy. Duy Anh như đã quen với những việc thế này, lẳng lặng liệt khách hàng vào danh sách “không phục vụ”: “Khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, khách hay yêu cầu mua đồ ăn, nhưng khi đến nơi có khách không nghe máy, hoặc tắt máy, đồ ăn phải mang về anh em tự ăn với nhau. Có khi khách chê đồ ăn không ngon, phải mua bù đồ khác. Đấy là rủi ro, chứ không phải khách nào cũng khó tính như vậy”.

Bên cạnh những khó khăn, nghề giao hàng còn đem lại bài học về sự trân trọng sức lao động, kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống trong cuộc sống và cả những niềm vui hết sức giản dị. Sự hài lòng của khách là niềm vui, động lực cho những người vận chuyển trên mỗi chặng hành trình. Tuấn Anh trải lòng: “Hôm nào đi hết đơn hàng bên người, không cái nào bị trả về là vui, cảm giác hứng thú đi làm hơn. Mỗi khi được “tip” (bo) thêm cũng rất hạnh phúc vì chứng tỏ khách hài lòng với dịch vụ của mình, nghĩa là mình đã làm tốt công việc”.

Công bằng mà nói, nghề đi đêm về hôm của các shipper còn mệt mỏi hơn nghề xe ôm nhiều lần. Xe ôm đón trả khách, tiền công họ chắc chắn nhận được, không phải đi lòng vòng tìm những địa chỉ ở sâu trong các ngõ ngách chật như nêm của Hà Nội, cũng chẳng có xe ôm chạy giữa đường lúc 2 giờ sáng.

Các tin khác