Đế chế đứng sau thảm kịch Sewol (K2): Đền tội

Sau tất cả những màn lợi dụng tôn giáo, mua danh bán tiếng cả ở trong và ngoài nước kéo dài nhiều thập niên, Yoo Byung-eun đã kết thúc cuộc đời bằng một cái chết bí ẩn, con trai ông cũng bị bắt vì liên quan đến vụ chìm phà Sewol.

Sau tất cả những màn lợi dụng tôn giáo, mua danh bán tiếng cả ở trong và ngoài nước kéo dài nhiều thập niên, Yoo Byung-eun đã kết thúc cuộc đời bằng một cái chết bí ẩn, con trai ông cũng bị bắt vì liên quan đến vụ chìm phà Sewol.

Lợi ích gia đình là trên hết

Theo các công tố viên, gia đình ông Yoo sử dụng một nhóm ít nhất 70 công ty ở trên 3 châu lục như những máy rút tiền của họ. Các thành viên gia đình sở hữu ít nhất 8 triệu USD bất động sản ở Hoa Kỳ. Tại Pháp, họ sở hữu nguyên một ngôi làng trên một cánh đồi thơ mộng. Gia đình cũng chi hàng chục triệu USD để giúp ông Yoo nổi tiếng.

Trong đó, 1,5 triệu USD được chi cho bảo tàng Louvre, để họ khắc danh tính mới của ông - dưới nghệ danh Ahae - bằng vàng lên một bức tường đá cẩm thạch tại bảo tàng. Gia đình trưng bày hình ảnh tour du lịch vòng quanh thế giới của ông tại Grand Central Terminal ở New York. Họ cũng chi gần 1 triệu USD để thuê không gian triển lãm tác phẩm của ông Yoo trong nhiều tháng tại cung điện Versailles, Pháp.

Lễ khai trương không gian triển lãm được tiến hành rất xa hoa với sự phục vụ của đầu bếp ngôi sao Michelin, đã thu hút các đại sứ và những nhân vật nổi tiếng như mẹ của bà Carla Bruni -Sarkozy - đệ nhất phu nhân nước Pháp lúc bấy giờ. Tại một buổi hòa nhạc đặc biệt vào cuối cuộc triển lãm, Dàn nhạc Giao hưởng London đã ra mắt một tác phẩm kinh điển mới: Bản giao hưởng số 6 - Ahae.

Hàng triệu USD từ mạng lưới công ty này, bao gồm cả từ công ty sở hữu chiếc phà Sewol, đã chảy vào túi của ông Yoo và 2 con trai ông. Các công tố viên nói rằng hoạt động kinh doanh của công ty phà ngày càng trở nên nguy hiểm vì nó đặt lợi ích của gia đình ông Yoo lên trên an toàn của hành khách. Để thỏa mãn nhu cầu hư danh của ông Yoo, cabin trên những chiếc phà của công ty được cải biến thành một phòng trưng bày nghệ thuật cho ông Yoo.

Việc cải biến bao gồm ốp gạch men vào sàn, khiến phần đầu của chiếc phà quá nặng. Ngoài ra, có rất nhiều thứ được thêm vào khiến cabin không đủ không gian yêu cầu. Các công tố viên cũng cho biết nước dằn tàu của phà, rất cần thiết để cân bằng tất cả trọng lượng bổ sung, đã bị xả hết để tàu không bị choáng nước quá sâu do chở quá tải, đây là điều rất nguy hiểm.

Gốc rễ thảm họa

Nhiều người đã bị bắt liên quan đến vụ chìm tàu, trong đó có các nhà quản lý, trưởng phà, các quan chức và thành viên thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, trung tâm của thảm kịch được cho là gia đình ông Yoo. "Gia đình Yoo Byung-eun, gốc rễ của thảm họa này, đang khiến người dân giận dữ hơn khi coi thường pháp luật và không tỏ ra ăn năn và giúp tiết lộ sự thật” - Tổng thống Park Geun-hye nói.

Nhiều tín đồ nhà thờ của ông Yoo cáo buộc Tổng thống cố tình vu khống ông Yoo để giảm bớt chỉ trích đối với chính phủ của bà. Nhưng hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà quản lý, lực lượng bảo vệ bờ biển, công tố viên, nhân viên quản lý cảng và những người có liên quan đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình họ Yoo trong thảm họa, khi cắt giảm chi tiêu cho an toàn của chiếc phà, cũng như các hoạt động huấn luyện cứu hộ đối với nhân viên. Do bị gia đình họ Yoo bòn rút quá nhiều tiền, nên công ty phà chỉ chi vỏn vẹn 2USD cho công tác huấn luyện an toàn cho các nhân viên của phà Sewol.

Trong thời gian xảy ra thảm họa, tình trạng hỗn loạn gây ra bởi việc thiếu đào tạo có thể được nhìn thấy rõ ràng. Một số thành viên thủy thủ đoàn thừa nhận trong các cuộc phỏng vấn sau thảm họa rằng họ không biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp, do không bao giờ được diễn tập sơ tán. Họ đã đưa ra những quyết định sai lầm chết người như nhiều lần nói với hành khách qua hệ thống loa rằng mọi người phải "ở trong phòng và chờ đợi" khi tàu bắt đầu chìm, kéo theo hàng trăm học sinh.

Sự phẫn nộ công chúng kể từ vụ tai nạn phà đã khiến Tổng thống Park phải thề sẽ tăng cường các tiêu chuẩn an toàn sau những gì bà gọi là "các lớp tham nhũng", bao gồm các mối quan hệ thông đồng giữa các quan chức và doanh nghiệp. Các công tố viên và thanh tra chính phủ cho biết các quan chức trong lực lượng bảo vệ bờ biển đã làm ngơ các vấn đề an toàn sau khi họ đã được đưa tới hòn đảo nghỉ mát Jeju, nơi họ được công ty phà tài trợ ăn chơi thỏa thích. Một thanh tra thừa nhận họ thường chỉ khám xét chiếc phà bằng cách quan sát từ xa xem độ choáng nước của nó để kết luận nó có chở quá tải hay không.

Mua danh bán tiếng

Trong tất cả nỗ lực biển thủ công quỹ của gia đình Yoo, theo các công tố viên và các cơ quan quản lý tài chính, phức tạp nhất là các hoạt động liên quan đến những bức ảnh nghệ thuật của ông Yoo, dưới nghệ danh Ahae. Các thành viên gia tộc Yoo và cộng sự của họ buộc các doanh nghiệp trong mạng lưới (bao gồm cả công ty phà) phải mua những bức ảnh của ông Yoo với giá cực cao, rồi lại quảng bá rằng đó là những khoản đầu tư tốt.

Các tín đồ của ông Yoo cũng bị gây sức ép phải mua những tấm ảnh, mặc dù một số tín đồ đã tỏ ý hoài nghi về quảng cáo của ông Yoo rằng những bức ảnh đó trong tương lai sẽ rất có giá trị. Một số người ủng hộ đã đầu tư vào các bức ảnh của ông Yoo với hy vọng giá sẽ tăng đột biến. Nhưng những người khác, mặc dù không hài lòng, vẫn mua các bức ảnh để phục hồi danh tiếng cho ông Yoo và cũng để mở rộng nhà thờ của họ.

“Chúng tôi kỳ vọng nếu Ahae được quốc tế công nhận như là một nhiếp ảnh gia và nếu mọi người biết được Ahae thực sự là Yoo Byung-eun, nó có thể giúp xua tan những hiểu lầm và định kiến với nhà thờ của chúng tôi ở Hàn Quốc” - một tín đồ tên Yi nói.

Một triển lãm ảnh của ông Yoo ở Nhà ga Trung tâm New York năm 2011.

Một triển lãm ảnh của ông Yoo ở Nhà ga Trung tâm New York năm 2011.

Cái tên Ahae - một cụm từ xa xưa chỉ trẻ em ở Hàn Quốc - dường như bùng nổ trên sân khấu nghệ thuật 3 năm trước đây với hàng loạt cuộc triển lãm ảnh được tổ chức tại các địa điểm nổi tiếng trên thế giới. Cuộc triển lãm tại bảo tàng Louvre - trong không gian thuê tại khu vườn của bảo tàng - đã trả tiền cho Ahae Press Inc, một công ty ở New York. Ahae Press được điều hành bởi con trai út của ông Yoo, Yoo Hyuk-kee, 41 tuổi.

Chi phí thuê không gian tiêu tốn hơn nửa triệu USD, chưa bao gồm chi phí xây dựng một không gian đặc biệt. Cuộc triển lãm với tên gọi “Qua khung cửa sổ”, trưng bày các bức ảnh được chụp hàng ngày trong 4 năm từ một cửa sổ trong phòng của ông Yoo tại một nhà thờ ở phía Nam Seoul, theo các thành viên nhà thờ. Trong một tuyên bố bằng văn bản để đối phó với câu hỏi này, giám đốc điều hành của Ahae Press, Michael Ham, nói rằng ông Yoo đã chụp 2,7 triệu hình ảnh từ cùng một cửa sổ trong một dự án lấy cảm hứng từ thời gian ở tù của mình, khi ông xem thế giới bên ngoài thông qua một cửa sổ nhà tù.

Các tin khác