Hành trình đất và lửa

Từ những chắt lọc trong cuộc đời, anh đã từng bước hình thành một phong cách thẩm mỹ thông qua đất. Và hành trình nghệ thuật của anh là sự khắc khoải bâng khuâng gởi vào đất và một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương. Có lẽ thế, tác phẩm gốm bằng đất nung của anh luôn mang một dấu ấn rất riêng, không thể lẫn vào đâu trong giới nghệ thuật điêu khắc. Anh là điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng, Chủ tịch CLB Gốm Mỹ thuật Sài Gòn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Từ những chắt lọc trong cuộc đời, anh đã từng bước hình thành một phong cách thẩm mỹ thông qua đất. Và hành trình nghệ thuật của anh là sự khắc khoải bâng khuâng gởi vào đất và một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương. Có lẽ thế, tác phẩm gốm bằng đất nung của anh luôn mang một dấu ấn rất riêng, không thể lẫn vào đâu trong giới nghệ thuật điêu khắc. Anh là điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng, Chủ tịch CLB Gốm Mỹ thuật Sài Gòn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tìm lối đi riêng

Chúng tôi có dịp đến thăm tư dinh của anh nằm sâu trên con đường Lê Đình Thám (quận Tân Phú, TPHCM) khi anh vừa trở về từ Nha Trang quê mẹ. Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là căn phòng khách loang lổ đất nung dính trên sàn nhà, những bức tượng, phù điêu bằng đất nung được xếp ngay ngắn như tô điểm thêm cho ngôi nhà một nét khác biệt. Như sợ cắt đứt mạch niềm cảm hứng, anh để mặc chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn, còn mình say sưa với những đường nét trên bức tượng. Giữa những ngổn ngang đất sét, tượng, phác thảo… Đoàn Xuân Hùng kể về hành trình đến với nghệ thuật đất nung của mình.

 Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng tạo hình bên tác phẩm.

Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng tạo hình bên tác phẩm. 

Sinh năm 1960 tại Nha Trang, Đoàn Xuân Hùng trải qua nhiều nghề trước khi đến với điêu khắc. Khi còn là học sinh tiểu học cậu bé Hùng đã say mê đất. Cứ đến giờ đi học, khi ngang qua ngôi chùa Linh Thứu, Hùng ngồi lại ngắm say sưa 2 ông thợ đắp hình con ngựa. Lên năm 13 tuổi, Hùng bắt đầu ôm đất về “nghịch”, đêm nào cũng tự nặn theo trí tưởng tượng của mình. Lớn hơn một chút lại say mê với những bức tranh vẽ. Và rồi đến năm 14 tuổi, cậu học trò Xuân Hùng bắt đầu nặn tượng. Hùng lấy đất về nặn, lúc ấy chỉ nặn theo tự nhiên và tặng bạn bè. Tốt nghiệp phổ thông Hùng lại chọn học ngành cơ khí rồi đi làm.

“Trong thời gian này, tôi luôn khắc khoải, khát khao với điêu khắc. Sau đó, tôi quyết định ra Huế học 1 năm dự bị Đại học Mỹ thuật Huế, sau đó học Đại học Mỹ thuật TPHCM, khoa Điêu khắc” - Xuân Hùng thổ lộ. Và chính thời gian trên ghế giảng đường, anh bắt đầu đi theo nặn tượng Chăm bằng đất sét và nung gốm theo kiểu người Chăm.

Ra trường Đoàn Xuân Hùng về lại quê hương, giảng dạy ở trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa. 2 năm sau, anh được bạn bè mời thi công công trình xưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Cứ tưởng cuộc đời của anh điêu khắc trẻ cứ rong ruổi với công trình nhưng đến năm anh 40 tuổi, Hùng quyết định “rẽ lối”.

Và anh đã chọn đất nung làm ngôn ngữ chất liệu để thực hiện những tác phẩm mang tính văn hóa Việt Nam. Điều này cũng xuất phát khi anh nhận ra chính mảnh đất dọc theo sông Cái quê hương có Tháp Bà Nha Trang, qua nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Chăm, đời sống của người Chăm trong cộng đồng dân tộc Việt. Anh đã chọn dùng đất sét ở đây là loại đất phù sa cổ làm chất liệu cho những tác phẩm nghệ thuật đất nung của mình.

Nở hoa cho đất

Lặng lẽ giữa dòng đời tất bất, sôi động của cuộc sống thường nhật, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng lặng lẽ trải lòng mình, gom lấy những biến động, những thay đổi, những nét đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên và con người để đúc kết những tác phẩm nghệ thuật mang một dấu ấn riêng, một khát vọng riêng. Và theo mỗi bước chân kiếm tìm, đất in sâu trong lòng, điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng đã tìm thấy một sức sống âm thầm vẫn lặng im đâu đó  trong những viên gạch được làm nên từ đất qua những ngôi tháp Chăm ngày đêm trầm mặc giữa cuộc đời.

Trong mỗi tác phẩm của anh, phong cách của anh đều nhất quán, dù thực hiện tác phẩm theo nhiều chủ đề khác nhau nhưng xuyên xuốt vẫn là sự tin yêu và trân trọng những nét đẹp văn hóa. Có lẽ tuổi thơ của anh gắn liền với dòng sông quê hương-sông Cái, nên đất cứ nhẹ nhàng đi vào suy nghĩ của Đoàn Xuân Hùng một cách tự nhiên và đọng lại trên con đường nghệ thuật. Đoàn Xuân Hùng đã nhìn và nhìn cuộc sống bằng cảm hứng động và đa chiều được khơi dậy từ một tâm tình thẩm thấu niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.

Điều độc đáo là khi sáng tác các tác phẩm tượng anh không theo một khuôn mẫu nào mà chỉ với bàn tay và đất, cùng sự dũng cảm của tâm hồn anh đã tạo ra những đời tượng, hồn tượng. Nét độc đáo và kỳ công của anh là mỗi tác phẩm đều có chiếc lò nung riêng. Nguyên liệu đốt tượng chủ yếu là trấu và rơm, trấu cho màu tượng, rơm tạo nên hoa văn trên tượng.

Anh có thể tính toán pha chế đất đồng thời tính toán khống chế ngọn lửa, tìm ra sự hòa hợp giữa đất và lửa, từ đó anh có được tác phẩm nghệ thuật giá trị cao. Ấn tượng khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh, người xem cảm nhận được sự gần gũi sâu lắng. Mỗi sáng tác là một quá trình trải nghiệm, anh đến với đất như một sự chiêm nghiệm, gắn bó với đất như một sự giãi bày, đồng hành với đất như một hoài vọng và thổi hồn vào đất như một khát khao.

Có thể thấy những tác phẩm của Đoàn Xuân Hùng là một sự kết hợp giữa 2 nền văn hóa Chăm-Việt. Các tác phẩm của anh phần lớn thể hiện 3 chủ đề: tình mẫu tử, tình yêu và thiếu nhi: Chắp cánh, Mẹ Chăm, Ngước cao, Nũng nịu, Bập bênh, Hoài vọng, Mộng mơ…

“Tôi thích chọn chủ đề về tình mẫu tử và hình tượng người phụ nữ vì đất là một chất liệu dân gian có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật dễ thụ cảm với mọi người. Và hình tượng người mẹ, người phụ nữ, thiếu nhi hay những mảng đề tài dân gian Việt Nam có thể lột tả được điều tôi muốn nói lên từ đất” - Xuân Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, Đoàn Xuân Hùng còn có những tác phẩm mang tính lễ hội như: Người đánh trống baranưng, Thầy cúng, Người thổi kèn saranai… vừa hiện thực vừa huyền thoại, có cảm giác ta mới gặp hình ảnh này hôm qua, nhưng cũng có thể nằm ở đâu đấy trong tiềm thức. Tượng đất nung của anh hiện nay có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Có duyên với đất và dường như cái chất mộc mạc, dung dị của đất đã ngấm sang con người điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng. Anh bảo: Nhiều người hết lời khẳng định gốm của mình là đẹp nhất hoặc ra sức “đắp” thêm cho gốm những công dụng tuyệt vời nhằm mục đích thương mại. Còn tôi, là người thợ, người nghiên cứu về gốm, tôi không nói được những điều ấy. Tôi chỉ có thể “cảm” được nét đẹp hình hài, của đất và lửa hòa hợp.

Trong ngôi nhà ngập tràn hơi thở của gốm, bất cứ ai yêu thích, muốn tìm tòi về gốm, đối với anh đều là những vị khách quý được đón tiếp nồng hậu. Người nghệ sĩ tài hoa Đoàn Xuân Hùng đã dành cả cuộc đời mình để khiến cho những thớ đất vô tri biết “nở hoa”. Và khi tiếp xúc với anh, người ta cũng chợt nhận ra: Chính anh cũng là một bông hoa của đất.

Các tin khác