Đế chế đứng sau thảm kịch Sewol (K1): Làm giàu bằng tôn giáo

Ngày 22-7, cảnh sát Hàn Quốc xác nhận đã tìm thấy thi thể của ông Yoo Byung-eun, người bị truy nã và đã bỏ trốn sau vụ chìm phà bi thảm hồi tháng 4 vừa qua. Gia tộc Yoo đứng đằng sau Công ty Chonghaejin Marine, chủ sở hữu và vận hành chiếc phà Sewol bị chìm ngày 16-4 khiến 294 người chết và 10 người mất tích. Thảm họa này đã làm cả Hàn Quốc choáng váng.

Ngày 22-7, cảnh sát Hàn Quốc xác nhận đã tìm thấy thi thể của ông Yoo Byung-eun, người bị truy nã và đã bỏ trốn sau vụ chìm phà bi thảm hồi tháng 4 vừa qua. Gia tộc Yoo đứng đằng sau Công ty Chonghaejin Marine, chủ sở hữu và vận hành chiếc phà Sewol bị chìm ngày 16-4 khiến 294 người chết và 10 người mất tích. Thảm họa này đã làm cả Hàn Quốc choáng váng.

Từ những năm 1970, ông Yoo đã lợi dụng tôn giáo để làm giàu và phát triển một hệ thống các công ty rất phức tạp để chia sẻ quyền lợi cho những người trong gia tộc. Sự lạm dụng quá đáng và quản lý yếu kém của gia đình ông đối với công ty phà được xem là một trong các nguyên nhân gián tiếp dẫn tới thảm họa.

Tham vọng thiếu thời

Những tham vọng của ông Yoo bắt đầu từ thời niên thiếu. Là một đứa trẻ ốm yếu, ông mơ trở thành một nhà điêu khắc “vĩ đại hơn Michelangelo”. Nhưng ngay sau khi rời trường trung học, trong những năm 1960, ông đã tìm thấy một sự kêu gọi mới: Tôn giáo. Là một diễn giả lôi cuốn, ông nhanh chóng có đủ tín đồ để thành lập một phong trào tôn giáo mới. Giáo hội của ông Yoo, Hội thánh Tin Lành Baptist Hàn Quốc (EBCK), hiện tuyên bố có 100.000 thành viên, tôn trọng một cách giải thích phân cực làm thế nào đạt đến sự cứu rỗi các Kitô hữu.

"Họ không còn phải ăn năn, ngay cả khi họ phạm tội như ngoại tình và trộm cắp; họ là những người vô luật lệ" - Jin Yong-sik, một mục sư Presbyterian tại Anseong và là một chuyên gia về các giáo hội ở Hàn Quốc, cho biết. "Yoo Byung-eun là một nhà lãnh đạo tôn giáo. Ông được tôn sùng như một Moses hoặc một Chúa Cứu Thế trong số những người theo ông, và họ chu cấp tiền như đòi hỏi của ông". Một trong những nguyên lý của ông Yoo là tập trung vào sức khỏe. Ông rao giảng rằng làm sạch cơ thể, đặc biệt là máu, có thể giúp đạt được độ tinh khiết tinh thần.

Trong khi xây dựng giáo hội của riêng mình, ông Yoo bắt tay vào một sự nghiệp thứ hai như một ông trùm kinh doanh. Bắt đầu từ những năm 1970, ông biến nhà thờ thành một nguồn tiền mặt, bằng cách thuyết phục các tín đồ quyên góp hoặc đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào số công ty ngày càng nhiều của ông. Một số doanh nghiệp của ông tìm thấy một thị trường đặc biệt ở ngay trong đàn chiên của mình: bán cho những tín đồ đi theo ông.

Trong những năm gần đây, họ tiếp thị sản phẩm liên quan đến giáo lý của nhà thờ như trà xanh và thậm chí cả bộ thuốc xổ để làm sạch cơ thể. Ông đã có một nguồn tiền mặt lớn trong một thời kỳ khi Hàn Quốc vẫn còn nghèo khó và mới bắt đầu cái gọi là “phép lạ kinh tế”. Bằng cách sử dụng các tín đồ nhà thờ như một nguồn vốn, ông Yoo đã xây dựng các nhà máy và công ty cùng lúc Samsung và Hyundai nổi lên.

Đến năm 1980, ông đã xây dựng một chaebol cỡ nhỏ, sản xuất hàng loạt sản phẩm, từ viên bổ sung dầu cá mập và sữa hữu cơ đến mỹ phẩm, phụ tùng ô tô và sơn đặc biệt cho các nhà máy hạt nhân. 2 năm sau, ông Yoo bị nghi ngờ sử dụng kết nối chính trị ngày càng tăng của mình để thâm nhập lĩnh vực kinh doanh điều hành tàu chở khách. Một trong số các công ty của ông giành được quyền vận hành thuyền du lịch trên sông Hàn ở Seoul khi thành phố tổ chức Thế Vận hội mùa hè năm 1988.

Từng bị chỉ trích chở quá tải

Ngay từ thời đó, tàu của ông Yoo đã bị chỉ trích vì chở quá tải. Một lần, công ty của ông đã cố nhồi nhét gấp đôi giới hạn vận tải tối đa lên 200 hành khách trong một mùa lễ bận rộn, điều này khiến các hành khách giận dữ gần như nổi loạn. Sự nghiệp đang lên của ông Yoo phải tạm dừng vào năm 1991, khi ông bị bắt sau cái chết của 32 thành viên của một nhóm tín đồ. Họ được phát hiện đã chết trong căn gác tại một quán cà phê của nhà máy vào năm 1987; trong đó có một số người treo cổ.

Một cuộc điều tra của cảnh sát đã không cáo buộc ông Yoo liên quan đến những cái chết, nhà cầm quyền kết luận đó là một vụ tự sát tập thể mà dường như do các khoản vay nợ không trả nổi. Tuy nhiên, ông Yoo đã bị kết án về tội lừa đảo các tín đồ trong giáo hội của mình thông qua việc ép họ chuyển tiền vào các doanh nghiệp của ông. Ông đã trải qua 4 năm tù từ 1991-1995.

Khi ra tù, ông nắm lại quyền kiểm soát kinh doanh của mình bằng cách để 2 con trai mua lại những công ty từ cơ quan tiếp quản phá sản với giá giảm sau khi một chương trình cứu vãn của chính phủ đã bỏ qua nhiều khoản nợ. Với 2 người con trai và 1 người con gái, ông Yoo sau đó liên kết các công ty này thành một mạng lưới chặt chẽ với cổ phần được sở hữu chéo được ông Yoo kiểm soát bằng cách đặt các thành viên gia đình và các tín đồ trung thành vào những vị trí điều hành.

Mạng lưới phức tạp

Các công tố viên và chuyên gia tài chính cho biết ông Yoo và gia đình ngày càng có nhiều sáng tạo trong việc làm giàu cho mình. Một cách là buộc các công ty trong mạng lưới đóng phí sử dụng một số trong hơn 1.300 bằng sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa họ tuyên bố là của họ, mà nhiều trong số đó bị tố cáo là giả mạo/ăn cắp.

Trong một trường hợp, các nhà điều tra nói rằng con trai cả của ông Yoo, Dae-kyoon, 43 tuổi, buộc công ty phà Chonghaejin Marine phải trả 1,45 triệu USD phí sử dụng tên của một trong những chiếc phà của nó. Một người con trai khác nắm quyền sở hữu đối với tên Sewol, chiếc phà bị chìm, nhưng người ta không biết anh ta có bắt công ty phải đóng phí sử dụng cái tên này không.

Hồ sơ pháp lý cho thấy các thành viên họ Yoo không sở hữu cổ phiếu của Chonghaejin. Nhưng cổ đông lớn nhất của công ty phà là một doanh nghiệp đóng tàu, Công ty Chonhaiji. Ông Yoo nắm vai trò chủ tịch và là người đưa quyết sách đối với công ty phà và được trả lương khoảng 10.000USD/tháng. Sở dĩ ông Yoo có thể bí mật đứng sau điều hành công ty là vì CEO của ông ty, Kim Han-sik, là một tín đồ trung thành của ông Yoo và đã giấu 10% cổ phần công ty cho ông Yoo bằng tên của ông Kim. Ông Kim gần đây thừa nhận trước tòa án rằng đã dùng 131.000USD của công ty phà để trả phí cố vấn cho anh trai của ông Yoo.

Quang cảnh vụ chìm phà Sewol.

Quang cảnh vụ chìm phà Sewol.

Các công tố viên nói ông Yoo và 2 người con trai, hoặc các công ty họ kiểm soát, nhận tổng cộng hơn 3,82 triệu USD từ công ty phà trong những năm gần đây. Trong đó, hồ sơ cho thấy công ty phà đã chi 2,5 triệu USD để mua cổ phần trong các công ty khác của gia tộc họ Yoo, bao gồm một khoản đóng góp cho một cuộc triển lãm nghệ thuật của ông Yoo ở nước ngoài.

Vì tiền đổ hết vào gia đình Yoo, công ty phà lao đao về mặt tài chính, đã báo cáo lỗ 764.000USD vào năm ngoái, khiến công ty thiếu kinh phí để đào tạo và đầu tư các biện pháp an toàn, có thể dẫn đến thảm họa hồi tháng 4 của phà Sewol.

(Còn tiếp)

Các tin khác