Hoa Kỳ, EU bắt tay trừng phạt Nga

Hôm thứ ba (29-7), Hoa Kỳ và EU đồng loạt công bố gia tăng các biện pháp trừng phạt  đối với Nga nhằm trả đũa sự can thiệp của nước này vào Ukraine.

Hôm thứ ba (29-7), Hoa Kỳ và EU đồng loạt công bố gia tăng các biện pháp trừng phạt  đối với Nga nhằm trả đũa sự can thiệp của nước này vào Ukraine.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 3 ngân hàng quốc doanh Nga gồm Bank of Moscow, Russian Agricultural Bank và Ngân hàng VTB. Công ty đóng tàu United Shipbuilding Corp. ở thành phố St. Petersburg cũng nằm trong diện bị trừng phạt. Với lệnh trừng phạt này, 3 ngân hàng của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, EU nhất trí áp đặt những hạn chế trong các lĩnh vực như tài chính, quốc phòng, năng lượng, hàng hóa lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm nhằm khiến Nga chịu tổn thất lớn hơn sau cáo buộc nước này tiếp tục can thiệp và hỗ trợ lực lượng nổi dậy thân Moscow ở Ukraine. EU cũng cấm vận thêm 3 nhân vật thân cận của Tổng thống Nga nhưng chưa công khai danh tính.

Theo tờ New York Times (NYT), các biện pháp trừng phạt mới vượt ra ngoài những bước đi trước đó với các ngành công nghiệp ngân hàng và quốc phòng để nhắm đến việc ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ phương Tây hòng khai thác các mỏ dầu và đá phiến sét ở Bắc Cực.

Mục đích của các lệnh trừng phạt mới không phải để kiềm chế hoạt động sản xuất hiện nay, mà nhằm cản trở tương lai năng lượng của Nga. Mục tiêu chiến lược nhắm thẳng vào cơ cấu nền kinh tế Nga, hiện là nước nắm trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển trong 2 thập niên qua đã tạo lực đẩy cho nền kinh tế Nga và giúp nước này nổi lên về địa chính trị kể từ sự sụp đổ của Liên Xô. Nga hiện bơm được 10,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.

“Lưỡi dao bén nhất phương Tây vẫn nắm giữ là công nghệ năng lượng, đó là lý do tại sao những cấm vận lần này sẽ có ảnh hưởng nặng” - theo Michael A. Levi, một chuyên gia năng lượng của Council on Foreign Relations. Cắt đường công nghệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng vì Nga chỉ ở giai đoạn đầu trong việc phát triển các nguồn tài nguyên biển sâu và đá phiến sét mới ở Bắc Cực.

Hầu hết các sản phẩm hiện nay của Nga đến từ các mỏ Siberia đã cạn kiệt. Hiện một số công ty dầu phương Tây đang làm việc với Nga để mở rộng nguồn tài nguyên của họ. ExxonMobil có một liên doanh với Rosneft, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước, để phát triển dầu Bắc Cực và dự kiến sẽ bắt đầu khoan ở Biển Kara trong vòng vài tuần nữa. BP, công ty sở hữu 19,75% cổ phần Rosneft, vừa ký một liên doanh với công ty Nga hồi tháng 5 để tìm kiếm dầu đá phiến sét ở khu vực Volga-Urals.

Người biểu tình giơ biểu ngữ kêu gọi ông Putin rút tay ra khỏi Ukraine.

Người biểu tình giơ biểu ngữ kêu gọi ông Putin rút tay ra khỏi Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết nền kinh tế của Nga sẽ tiếp tục phải chịu đựng tổn thất cho đến khi chính phủ nước này “hồi tâm chuyển ý”. Obama cho biết việc châu Âu cùng Hoa Kỳ triển khai các biện pháp trừng phạt mở rộng sẽ tạo ra “một vết cắn lớn hơn”.

Nhưng ông nhấn mạnh đây không phải là một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Ông cũng nói rõ không xem xét việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine như một số đảng viên Cộng hòa đã gợi ý. EU cố gắng giảm tổn thất cho các công ty nhà, chẳng hạn chỉ cấm các hợp đồng mua bán vũ khí mới, để mở một cửa cho hợp đồng cung cấp tàu chở trực thăng Mistral của Pháp đối với Nga.

Các tin khác