Đời cây, đời người

Tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi công tại TPHCM. Đây là tín hiệu vui cho thấy đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam đang dồn sức kiến thiết để sánh ngang với những thành phố hiện đại trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống ga ngầm và ga trung tâm, hàng chục cây xanh đã bị đốn hạ. Dư luận vừa mừng cho một quyết sách năng động vừa tiếc cho những gốc cổ thụ xum xuê rợp bóng mát.

Tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi công tại TPHCM. Đây là tín hiệu vui cho thấy đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam đang dồn sức kiến thiết để sánh ngang với những thành phố hiện đại trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống ga ngầm và ga trung tâm, hàng chục cây xanh đã bị đốn hạ. Dư luận vừa mừng cho một quyết sách năng động vừa tiếc cho những gốc cổ thụ xum xuê rợp bóng mát.

Lịch sử hình thành hơn 300 năm của Sài Gòn - TPHCM gắn liền với nhiều loại cây trồng mà có những địa danh như dốc Cây Gõ, ngã ba Cây Thị, chợ Cây Da Sà. Thậm chí vùng đất thuở nào trồng nhiều cây mã tiền (củ chi) trở thành huyện Củ Chi. Không thể nói khác hơn, cây xanh không chỉ là sinh vật mà giống như một phần văn minh đô thị vùng đất phương Nam.

Với số cây xanh bị bứng đi nhường chỗ cho công trình giao thông hoành tráng metro Bến Thành - Suối Tiên, chỉ vài chục cây xanh có độ tuổi dăm bảy năm có thể trồng lại nơi khác, còn những cây xanh trên 100 năm đều bấm bụng xem như đống gỗ. Cổ thụ biến mất, hồn vía của đô thị cũng hư hao. Bởi lẽ, những loại cổ thụ như cây dầu rái và cây sao đen chính là dấu vết rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng của miền Đông Nam bộ. Những thân cây cao vút và xù xì ấy cho con người hôm nay nhớ về thuở sơ khai của Sài Gòn - TPHCM vốn là một vùng rừng rậm hoang vu. Khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, một trong những đơn vị hành chính đầu tiên được thành lập là Sở Ươm cây Nam bộ nhằm quản lý những cây xanh hiện hữu và trồng mới hệ thống cây xanh đường phố. Nhắc lại điều này để biết rằng những gốc cổ thụ vừa bị đốn hạ không phải ngẫu nhiên có được trong một sớm một chiều.

Quá trình biến đổi khí hậu đang cảnh tỉnh nhân loại sâu sắc. Không chỉ bảo vệ rừng, mà tất cả quốc gia cần tăng cường phủ xanh đô thị. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64-2010 về quản lý cây xanh đô thị. Nếu so sánh mật độ cây xanh tính trên đầu người, TPHCM chỉ vỏn vẹn 1m2, trong khi Hà Nội được 3m2. Nếu so sánh với quốc tế, chúng ta sẽ thấy nao lòng vì mật độ cây xanh tính trên đầu người của Singapore đã đạt được 7,5m2, còn Vacsava (Ba Lan) lên đến 30m2.

Đành rằng, sự phát triển đồng nghĩa với việc phải chấp nhận xếp lại nhiều kỷ vật của đời sống vào ngăn kéo ký ức. Thế nhưng, khi những cây xanh quen thuộc không còn nữa, nỗi ngậm ngùi chẳng cách nào che giấu được. Câu hát “một đời người - một rừng cây” nghe cũng thật buồn.

Các tin khác