Còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn gặp nhiều khó khăn do lãi suất, nhất là lãi suất trung và dài hạn chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp (DN). Xung quanh vấn đề lãi suất và tín dụng, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã trao đổi với ĐTTC.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn gặp nhiều khó khăn do lãi suất, nhất là lãi suất trung và dài hạn chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp (DN). Xung quanh vấn đề lãi suất và tín dụng, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã trao đổi với ĐTTC.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay do thừa vốn buộc các NHTM đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) khá mạnh, trong khi tín dụng cho nền kinh tế hạn chế?

Vấn đề tín dụng nghẽn hiện nay có nguyên nhân từ nợ xấu, thị trường, nhưng lãi suất trung hạn cũng là nguyên nhân không hấp dẫn DN vay tái cấp vốn đầu tư.

-TS. TRẦN DU LỊCH: - Sau 7 tháng thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu và phương thức điều hành của NHNN được đề ra từ cuối năm 2013, cũng như triển khai theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ từ đầu năm về mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nối tiếp vấn đề tái cấu trúc NHTM, giải quyết nợ xấu, xử lý tình trạng NH thừa tiền nhưng nền kinh tế thiếu vốn… đã xuất hiện một số vấn đề liên quan đến tín dụng và lãi suất cần quan tâm.

Cụ thể, những năm gần đây mà đặc biệt 2013 và 2014, lượng TPCP thực hiện dùng để bù đắp bội chi ngân sách và chương trình vay theo các mục tiêu do Quốc hội đề ra cho thấy nó đã cạnh tranh với thị trường tín dụng và của các thành phần kinh tế khác. Bởi TPCP có thanh khoản trên thị trường liên NH, chiết khấu lại cho NHNN và rủi ro thấp. Trong khi đó, lượng TPCP chủ yếu trung và dài hạn (3-5 năm) thực sự là nguồn tín dụng đang rất cần cho DN, đặc biệt khi NHTM nước ta chủ yếu huy động nguồn ngắn hạn.

Để cân bằng, việc xác định lãi suất trái phiếu phải trên cơ sở đảm bảo mục tiêu Nhà nước, Chính phủ phải vay được tiền, tức đưa ra lãi suất có cạnh tranh hấp dẫn. Còn yêu cầu của DN, nhất là các DN tái cấu trúc phải kéo giảm được lãi suất trung và dài hạn. Nhưng nếu duy trì lãi suất TPCP như hiện nay rất khó kéo giảm lãi suất trung và dài hạn xuống. Đó là hạn chế của thị trường này.

- Theo ông cần giải pháp gì khai thông nguồn vốn ra DN?

- Nhìn một cách tổng thể, mặt bằng lãi suất hiện nay, nhất là lãi suất ngắn hạn tương đương với mặt bằng lãi suất của 10 năm trước. Nhưng theo tôi mặt bằng hiện nay vẫn cao, đặc biệt lãi suất trung và dài hạn; đồng thời chi phí tài chính của DN trong giai đoạn hiện nay rất lớn.

Do đó, điều đang cần không chỉ tăng tín dụng mà phải giảm được lãi suất. Để giải quyết vấn đề này, lãi suất tái cấp vốn của NHNN nên giảm, nhất là tái cấp vốn cho các khoản tín dụng trung và dài hạn. Nếu NHNN mạnh tay hơn để giảm lãi suất tái cấp vốn sẽ kéo lãi suất trung hạn xuống.

Từ đó khả năng những DN muốn tái cấu trúc, đầu tư mới dám vay vốn, tín dụng mới tăng lên, nguồn vốn mới ra được nền kinh tế. Nửa đầu năm 2014, dư nợ tín dụng mới đạt 3,52%, trong khi mục tiêu cả năm 12-14%. Điều này cho thấy số DN có tình trạng tài chính tốt với lãi suất trung hạn hiện nay không được khuyến khích vay để đầu tư mới.

Do đó theo tôi cần thực hiện đồng bộ mấy giải pháp. Thứ nhất, với chỉ số giá cả trong 7 tháng so với tháng 12-2013 chỉ tăng 1,62%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua, rõ ràng có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Với dư địa này, chúng ta hoàn toàn có thể tăng lượng tín dụng, tăng tổng cung tiền nhưng không gây ra lạm phát. Bởi mục tiêu lạm phát kỳ vọng năm nay là 6,5-7% như Quốc hội đề ra vẫn còn dư địa để tăng tổng cung tiền ở mức độ có thể kiểm soát được.

Công cụ hiện nay có thể sử dụng để thực hiện vấn đề này là lãi suất. Thứ hai, về mặt tỷ giá, dù chúng ta giữ ổn định giá trị VNĐ nhưng để khuyến khích xuất khẩu, giải quyết quan hệ giữa sức mua của VNĐ, có thể không phá giá 1% nhưng nới biên độ giao dịch từ 1% lên 2% và để cho thị trường quyết định tỷ giá. Những giải pháp như vậy mang tính chất nới lỏng chính sách tiền tệ là hoàn toàn cần thiết.

Còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh 1

Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH

- Theo yêu cầu của NHNN, thời gian tới các NHTM phải tăng cường khả năng cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo. Ông nghĩ giải pháp này liệu có khả thi?

- Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các NHTM tăng tín dụng tín chấp do hiện nay tình trạng nợ xấu và mất thanh khoản của tài sản thế chấp bất động sản vẫn còn tiếp diễn. Đây là hướng đi cần thiết. Song khi NHNN đưa ra tín hiệu không phải là bắt buộc, NHTM bắt tín hiệu và an tâm thực hiện chính sách vì đó là thực hiện chủ trương của NHNN. Theo đó, NHTM sẽ tính toán việc cho vay tín chấp tùy thuộc vào khả năng giám sát dòng tiền, bởi NH sẽ tự chịu trách nhiệm nếu mất tiền.

Thực chất chương trình kết nối NH-DN tại TPHCM cũng đã thực hiện việc này và đã có kết quả. Do đó, chúng ta nên tiếp tục chủ trương này. Nhưng để không tăng nợ xấu cần bảo đảm điều kiện tiên quyết là NHTM phải kiểm soát được dòng tín dụng đưa ra đúng mục đích, tránh tình trạng DN dùng tiền tín chấp để làm việc khác, như đảo nợ ở một nơi khác mà không kiểm soát được gây nợ xấu trở lại. Tức tập trung mở rộng cho vay tín chấp nhưng phải kiểm soát được dòng tín dụng mới tạo được hiệu quả. Chủ trương này nếu làm được tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn.

Nhưng việc này vẫn chưa đủ và quan điểm của tôi là NHNN hoàn toàn có thể giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn đối với trung hạn để kéo giảm lãi suất, thúc đẩy DN vay đầu tư mở rộng. Thí dụ, tại TPHCM hiện nay khoảng 1/3 DN đang hoạt động tốt, NH sẵn sàng cho vay nhưng lãi suất trung hạn cao nên cũng không khuyến khích vay đầu tư mới. Bởi hiện nay thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, các DN buộc phải giảm chi phí tài chính và để làm được điều này lãi suất phải giảm.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác