Châu bản triều Nguyễn - Kho sử liệu vô giá

Sáng 30-7, lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Hà Nội (ảnh). Đến thời điểm này, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012).

Sáng 30-7, lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Hà Nội (ảnh). Đến thời điểm này, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012).

Bức tranh toàn diện đất nước thời Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của 11/13 vị vua triều Nguyễn từ năm 1802-1945. Đó là các tập tấu, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn xem hoặc phê duyệt bằng mực màu son để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Châu bản là văn bản có dấu Châu phê do hoàng đế phê duyệt, kèm dấu ấn của vương triều, là tài liệu lưu trữ đặc biệt của vương triều. Khi vinh danh hồ sơ này, UNESCO nhấn mạnh các giá trị của Châu bản theo tiêu chí tư liệu thế giới: tính xác thực, đặc biệt quý hiếm và ý nghĩa quốc tế.

 

Theo chế độ văn thư triều Nguyễn, các văn bản do Nội các trình lên hoàng đế phê duyệt, văn bản gốc lưu tại Nội các và “phụng sao” một số bản giao cho các bộ, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Do đó Châu bản là bản gốc và duy nhất, độc bản. Ngoài ra Châu bản còn chứa đựng những thông tin trung thực để nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết qua các giai đoạn, các loại ấn chương, bút tích của nhà vua…

Ông Hà Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cho biết Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản với số lượng được giữ lại tương đối nhiều. Với gần 800 tập châu bản còn lưu giữ được, tương đương 85.000 văn bản bằng 200.000 tờ, Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu đồ sộ để tìm hiểu và nghiên cứu toàn bộ đường lối, quan điểm, chính sách, bộ máy hành chính và phục vụ sự phát triển mọi mặt của đất nước thời nhà Nguyễn. Được công nhận là di sản thế giới, giá trị của Châu bản nghiên cứu không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế và khu vực, đóng góp cho nghiên cứu lịch sử của Việt Nam mà còn cả khu vực và lịch sử thế giới.

Châu bản triều Nguyễn có giá trị đặc trưng của văn bản quản lý hành chính nhà nước chuẩn mực hàng đầu thời quân chủ Việt Nam. Về cơ quan quản lý và thể thức truyền đạt, châu bản hết sức chặt chẽ, cẩn mật, mang tính tối thượng của triều đình. Châu bản là nguồn tư liệu chân thực và chi tiết về tình hình bệnh tật của Nhân dân. Châu bản triều Minh Mệnh thứ 21 năm 1840 cho biết dịch bệnh ở Thanh Hóa từ tháng Giêng tới tháng 6 người dân các huyện Đông Sơn, Hậu Lộc, Nga Sơn, Mỹ Hóa bị nhiễm dịch khí chết 1.087 người.

Châu bản triều Minh Mệnh thứ 21 ngày 19-6 báo cáo tình hình dịch bệnh ở huyện Thừa Thiên có nhiều nhà chết cả gia đình 4-5 người. Dưới góc độ kinh tế châu bản cũng ghi lại chi tiết sự phát triển giao thương giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo.

Bằng chứng xác thực thực thi chủ quyền biển đảo

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trước đây số lượng Châu bản rất nhiều, nhưng trải qua chiến tranh, nên bị mất mát, hư hỏng nhiều do văn bản viết trên giấy bản, lại không có phương pháp bảo quản. Tuy số lượng Châu bản không còn nguyên vẹn song tài liệu này lại có giá trị đặc biệt quan trọng ở nhiều phương diện: khoa học, lịch sử, văn hóa… Việc UNESCO công nhận hồ sơ Châu bản triều Nguyễn không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa-Trường Sa.

Việt Nam đã quản lý và thực thi chủ quyền liên tục 2 quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17. Thời nhà Nguyễn, nhất là dưới triều vua Gia Long và Minh Mệnh, công việc quản lý và thực thi chủ quyền được tiến hành đều đặn và tổ chức rất chặt chẽ. Trong 773 tập Châu bản còn bảo tồn, có 19 tờ Châu bản liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa. Nội dung chủ yếu là phản ánh trung thực tổ chức và hoạt động quản lý của nhà Nguyễn trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chia sẻ trong lễ đón nhận bằng di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, GS. Phan Huy Lê cho biết các nghiên cứu mới nhất về kho sử liệu này đã phát hiện nhiều thông tin có giá trị, phản ánh rõ ràng về cách thức quản lý, chủ quyền của triều Nguyễn đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, triều Nguyễn đã có nhận thức rất sâu sắc về vị trí Hoàng Sa, Trường Sa trong vị trí địa chiến lược của đất nước. Trong Châu bản khẳng định rõ vùng Hoàng Sa, gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là địa giới lãnh thổ cương giới trên biển của nước ta. Chỗ khác nhấn mạnh, cương giới trên biển của chúng ta thì Hoàng Sa là tối hiểm yếu, đây là 2 điểm cực kỳ quan trọng, phản ánh một nhận thức mới về vị trí địa chiến lược của Hoàng Sa-Trường Sa.

Đây là dải đất tự nhiên cực kỳ hiểm yếu, bảo vệ cả mạn Đông của đất nước. Bên cạnh đó, nội dung của các Châu bản cũng phản ánh việc triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý Hoàng Sa-Trường Sa, không giao địa phương mà để các đội dân binh triều đình trực tiếp tổ chức và quản lý dưới sự chỉ đạo phê duyệt cuối cùng của các vua triều Nguyễn. Các văn bản liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa kể cả việc điều thuyền, thủy binh, thuê dân phu, cho đến việc đi và về đều phải báo cáo lên nhà vua.

GS. Phan Huy Lê khẳng định: “Tôi rất thích thú về phương thức quản lý bao quát rất nhiều mặt, hàng năm phái các đội thuyền, tháng 3 âm lịch bắt đầu xuất phát, tháng 8 trở về. Về mặt tự nhiên đây là thời gian thuận lợi nhất để ra Hoàng Sa và thực hiện việc quản lý. Trong thời gian ở Hoàng Sa, các đội khảo sát đã thực hiện chủ quyền của mình rất toàn diện, trước hết là tiến hành đo đạc thủy trình, tức đường ra Hoàng Sa, độ sâu cảng. Đặc biệt, đo đạc, vẽ bản đồ, miêu tả từng hòn đảo, chỗ hiểm yếu, viết nhật ký. Trong đó, đợt khảo sát năm 1834, rất công phu, đoàn đã khảo sát được 25 đảo. Toàn bộ Hoàng Sa bây giờ có 30 đảo, thời bấy giờ chúng ta đã khảo sát được 25 đảo. Trong đó có 15 đảo đã từng khảo sát trước và số còn lại là đảo hoàn toàn mới khảo sát”.

Các Châu bản cũng cung cấp những thông tin không chỉ là thực thi quyền, chủ quyền mà thực hiện quyền cứu hộ khi các tàu, thuyền nước ngoài mắc cạn ở Trường Sa-Hoàng Sa. Cụ thể, năm 1834 có 1 chiếc thuyền Pháp đi ra và mắc cạn ở Hoàng Sa, lập tức thủ phủ Đà Nẵng đã cử thuyền ra cứu hộ, đưa toàn bộ thuyền về an toàn. Về phương diện này, nội dung của Châu bản phù hợp với nhiều loại tư liệu khác như các bộ sử Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, các bộ hội điển, địa chí Đại Nam hội điển, Đại Nam nhất thống chí…

Các tin khác