Góp ý sửa đổi Luật Báo chí: Cần cơ chế quản lý phù hợp

LTS: Mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN - NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Luật Báo chí sau 15 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh của công nghệ thông tin - là nhận định chung của các chuyên gia. ĐTTC giới thiệu một số ý kiến tại hội nghị đến bạn đọc.

LTS: Mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN - NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Luật Báo chí sau 15 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh của công nghệ thông tin - là nhận định chung của các chuyên gia. ĐTTC giới thiệu một số ý kiến tại hội nghị đến bạn đọc.

“Chiếc áo” đã quá chật!

Việc ban hành Luật Báo chí năm 1989 được đánh giá là một bước tiến, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Luật Báo chí đã được sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Tuy nhiên, sự phát triển có tính chất bước ngoặt của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi luật phải được sửa đổi một cách căn bản nhằm bao quát đầy đủ các loại hình báo chí và mô hình hoạt động báo chí mới xuất hiện, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc chậm sửa đổi Luật Báo chí hiện hành và việc thi hành luật bộc lộ nhiều bất cập một mặt gây trở ngại sự phát triển của báo chí và công tác quản lý báo chí, mặt khác dẫn đến tình trạng một số quy định trong luật mất tác dụng điều chỉnh thực tế, làm giảm tính tôn nghiêm của pháp luật.

Ở các nước phát triển, báo chí chủ yếu của tư nhân, tuy đa dạng về quan điểm, phong cách nhưng đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật có thể dẫn đến những án phạt rất nặng. Chúng ta cần tìm hiểu sâu việc này để giải quyết đúng đắn vấn đề báo chí tư nhân, không để nước ta luôn bị coi thiếu cởi mở với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Bất cập cần được quan tâm trước tiên là có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về báo chí. Luật Báo chí hiện hành chỉ điều chỉnh hành vi của cơ quan báo chí và nhà báo Việt Nam, trong khi hoạt động của cơ quan báo chí và phóng viên nước ngoài được quy định bằng một nghị định độc lập khác của Chính phủ. Những hiện tượng mới xuất hiện như trang tin điện tử và những hình thức thông tin khác trên mạng; hoạt động liên kết giữa các cơ quan báo chí với tổ chức khác để sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình; dịch vụ truyền hình trả tiền... cũng do các nghị định độc lập của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), thông tư liên bộ quy định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 50 VBQPPL trong lĩnh vực này, chưa kể các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và VBQPPL, văn bản chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện quy định về nhiệm vụ và quyền của báo chí tại Điều 6 Luật Báo chí, đặc biệt là “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và Nhân dân”, “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và hiện tượng tiêu cực xã hội khác”, báo chí phải được quyền tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Điều 7 của luật quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Tuy nhiên, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn. Trước hết, vì người phát ngôn có thể lấy lý do những điều báo chí hỏi là “vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn” hoặc “văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội” (Khoản 3 Điều 5) để từ chối phát ngôn hoặc cung cấp thông tin. Người phát ngôn thường là thủ trưởng cơ quan hoặc giữ trọng trách trong cơ quan nên bận họp hành, đi công tác, báo chí tiếp cận không dễ dàng.

Không phù hợp với thực tế

Ở nước ta, báo chí không chỉ là “cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” mà còn là “diễn đàn của Nhân dân” (Điều 1 Luật Báo chí). Để báo chí thực hiện vai trò này, Điều 5 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm: 1. Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do; 2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”.

Thực tế cho thấy quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm. Báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ.

Hội tụ thông tin cùng với những biến đổi về tâm lý xã hội đã làm thay đổi mô hình thông tin truyền thống, thay đổi sự phân bố số lượng độc giả - thính giả - khán giả theo hướng ngày càng ít người đọc báo in, nghe đài, xem truyền hình nhà nước; số người đọc, viết blog, giao lưu trên các mạng xã hội ngày càng tăng lên. Đã đến lúc chúng ta phải có cách ứng xử thích hợp hơn là khăng khăng không chấp nhận báo chí tư nhân và đặt mọi hoạt động thông tin không do báo chí nhà nước thực hiện ra ngoài Luật Báo chí.

Một trong những điểm được đánh giá cao trong Luật Báo chí hiện hành là quy định cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi “thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân... phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra” (Điều 9 Luật Báo chí).

Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện. Vả lại, trừ tổ chức, cá nhân bị đưa tin sai, bị xúc phạm quan tâm đến việc này, độc giả nói chung ít có điều kiện theo dõi liên tục để biết sự việc đã được báo chí cải chính, tổ chức, cá nhân bị xúc phạm đã được báo chí xin lỗi.

Cho đến nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng, cũng như các VBQPPL của Nhà nước đều không thừa nhận báo chí tư nhân. Chỉ thị số 37 CP ngày 29-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong một nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tập trung sang mô hình thị trường, quy định này rất khó thực hiện.

Do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.

Luật Báo chí hiện hành cũng bỏ qua một hiện thực là hiện có hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... và một số lượng lớn blog cá nhân trên website không kiểm soát được.

Nhiều trang tin điện tử, blog không chỉ đưa lên mạng những thông tin riêng của tổ chức, cá nhân sở hữu chúng mà còn cung cấp cho người đọc tin tức từ nhiều nguồn khác nhau và trình bày quan điểm riêng về nhiều vấn đề thời sự không khác một tờ báo điện tử. Với xu hướng hội tụ các loại hình thông tin trên hệ thống mạng hiện nay, để xem chương trình truyền hình, truy cập các trang tin điện tử, blog và thụ hưởng các loại dịch vụ có nội dung được số hóa khác, chỉ cần một chiếc máy vi tính, thậm chí một máy điện thoại di động.

Thiếu quy hoạch, bao cấp tràn lan

Trong khi giữ thái độ dè dặt, chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí nhà nước, Luật Báo chí và các VBQPPL về báo chí lại mở cửa khá rộng với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội các cấp. Tính đến năm 2010, cả nước có 702 cơ quan báo chí, trong đó có 633 tờ báo và 1 hãng thông tấn quốc gia, với 813 ấn phẩm; 140 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, trong đó có 13 báo điện tử; 68 đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương.

Sự phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành, đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần được điều chỉnh kịp thời. Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội bằng ngân sách nhà nước. Đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về công sức và tiền của cần sớm được khắc phục.

Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Điều 19a Luật Báo chí chỉ có một khoản quy định nguyên tắc chung về việc thành lập cơ quan đại diện và cử phóng viên thường trú ở các địa phương của cơ quan báo chí. Luật chưa quy định cụ thể và cũng không giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất của văn phòng đại diện và tiêu chuẩn phóng viên thường trú.

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng một số cơ quan báo chí cử trưởng văn phòng đại diện không có nghiệp vụ báo chí hoặc sử dụng cả những người có sai phạm, bị kỷ luật từ cơ quan báo chí khác làm phóng viên thường trú; thành lập văn phòng đại diện chủ yếu để giao dịch về quảng cáo không lành mạnh…

Các tin khác