SCIC tham gia thoái vốn: Thuận nhưng chưa thông

Được hậu thuẫn bởi các văn bản quan trọng của Chính phủ như Nghị định 151 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp… nhưng trên thực tế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn gặp phải không ít vướng mắc. Đặc biệt là tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước và tham gia thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, tổng công ty.

Được hậu thuẫn bởi các văn bản quan trọng của Chính phủ như Nghị định 151 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp… nhưng trên thực tế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn gặp phải không ít vướng mắc. Đặc biệt là tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước và tham gia thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, tổng công ty.

Theo Nghị quyết 15, Chính phủ giao SCIC xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp thoái vốn không thành công. Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, cho biết sau khi có định hướng của Chính phủ SCIC đã chủ động liên hệ với 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

Trên cơ sở thông tin được cung cấp của 12 doanh nghiệp, SCIC đang triển khai nghiên cứu cơ hội mua lại một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tên tuổi lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…

Tuy nhiên, ngoài việc thoái vốn của EVN tại Ngân hàng An Bình (ABBank), các kế hoạch khác dường như vẫn chờ. Bởi theo Nghị quyết 15, việc tham gia thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty của SCIC được hiểu là sau 2 đầu mối khác là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Điều này có thể hiểu SCIC muốn tham gia nhưng cũng phải “xếp hàng” theo trình tự, muốn nhanh cũng không được.

Không những vậy, các tập đoàn, tổng công ty còn phải đối mặt với việc dám cắt lỗ đến đâu và khả năng chịu trách nhiệm thua lỗ khoản đầu tư khi mà trước kia mua giá cao hơn. Bên cạnh đó, nếu các cổ phiếu trong danh mục thoái vốn đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì việc mua trở nên khá đơn giản ở khâu xác định giá, còn nếu cổ phiếu ngân hàng mà các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư chưa niêm yết thì việc xác định giá và mức trích lập dự phòng rất khó khăn. Trong khi đó, theo quy định và nguyên tắc đặt ra, giá SCIC mua lại không được cao hơn giá trị sổ sách trừ đi dự phòng rủi ro.

Thí dụ điểm khó nữa theo ông Đạo, chẳng hạn như EVN sau khi bán bớt nhưng còn nắm giữ cổ phần ở ABBank khoảng 16%. Vậy EVN sẽ thoái vốn tại ABBank thời điểm này hay để đến 2015 mới làm? Trường hợp SCIC tham gia mua nhưng có một ngân hàng khác cũng đồng ý mua cổ phần của ABBank từ EVN với giá cao hơn giá SCIC xác định, khi đó đã phát sinh quan hệ thị trường, có người bán-mua sẽ phải tính toán sao?

6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu SCIC đạt 3.355 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 57% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến 30-6, danh mục của SCIC là 335 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước trên 15.000 tỷ đồng, tổng số vốn điều lệ trên 65.000 tỷ đồng. Giá trị phần vốn nhà nước tại 349 doanh nghiệp nhận bàn giao (xác định tại thời điểm 20-12-2013) đạt hơn 71.000 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với giá trị sổ sách.

Xung quanh việc tham gia quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty trước quá trình IPO, ông Đạo thừa nhận đã họp trong nội bộ SCIC để bàn cách làm nhưng vẫn chưa thông. Thí dụ như SCIC tham gia quá trình cổ phần hóa EVN là đẩy nhanh tiến trình này bằng việc tham gia mua ngay một phần vốn của EVN khi chưa cổ phần hóa hay tham gia đầu tư vào các dự án của EVN? Đây là một bài toán đưa ra nhưng để có lời giải chuẩn xác cũng phải chờ cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 15.

Nhiều ý kiến đưa ra nếu tham gia mua lại phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng, SCIC sẽ nắm giữ bao lâu? Ông Đạo cho biết vai trò của SCIC tại ngân hàng đó sẽ giống vai trò của SCIC tại các doanh nghiệp đang nắm giữ hiện nay. Cùng với ngân hàng, SCIC sẽ tham gia củng cố hoạt động. Và đến thời điểm nào đó, SCIC có thể vẫn giữ vai trò cổ đông hay thời điểm thuận lợi sẽ hiện thực hóa lợi nhuận, thu vốn về cho Nhà nước để đầu tư vào lĩnh vực khác sẽ phải phụ thuộc vào chỉ đạo chung của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Được biết trong quý I-2015, “siêu tổng công ty” SCIC sẽ nhận bàn giao vốn nhà nước tại Vinatex sau khi tập đoàn này tiến hành cổ phần hóa xong. Đây là tập đoàn đầu tiên SCIC sẽ nắm giữ phần vốn. Xét trên bình diện chung về vấn đề nhận bàn giao doanh nghiệp, theo đại diện SCIC, thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ… SCIC đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhận bàn giao doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm do một số một số địa phương trì hoãn, chậm bàn giao. Trước thực tế này, SCIC đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Đạo, lý do được một số nơi chần chừ bàn giao như doanh nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, chưa hết thời hạn liên doanh…

Các tin khác