Huyền thoại piano thế giới

Công chúng Việt Nam yêu âm nhạc cổ điển thính phòng, đặc biệt yêu thích bộ môn piano, những ngày qua như đi trên mây trước thông tin: nghệ sĩ piano người Pháp Richard Clayderman sẽ biểu diễn cùng dàn nhạc dây 8 người của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong đó có nghệ sĩ violon Bùi Công Duy.

Công chúng Việt Nam yêu âm nhạc cổ điển thính phòng, đặc biệt yêu thích bộ môn piano, những ngày qua như đi trên mây trước thông tin: nghệ sĩ piano người Pháp Richard Clayderman sẽ biểu diễn cùng dàn nhạc dây 8 người của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong đó có nghệ sĩ violon Bùi Công Duy.

Tài năng piano thiên bẩm

Richard Clayderman  tên thật Philippe Pages, sinh ngày 28-12-1953 tại Pháp. Với nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc Việt Nam và công chúng mộ điệu, quả thực Richard Clayderman đã trở nên quen thuộc. Ông được mệnh danh là “huyền thoại piano thế giới”, từng xuất hiện trong cuốn sách kỷ lục Guinness thế giới với danh hiệu nghệ sĩ piano thành công nhất thế giới. Ông cũng là nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến khái niệm nghe nhạc cổ điển trên toàn thế giới với thành công đơn giản hóa, đại chúng hóa nhạc cổ điển, biến những bản nhạc pop đương đại thành những giai điệu piano du dương đầy mê hoặc... Tại Việt Nam, người yêu nhạc biết đến ông qua những nhạc phẩm như Mariage d’Amour, A Comme Amour, Ballade Pour Adeline…

Nghệ sĩ piano Richard Clayderman.

Nghệ sĩ piano Richard Clayderman.  

Richard Clayderman say mê nhạc ngay từ tuổi lên 5 khi cha ông, một giáo viên piano của Nhạc viện Paris, đặt ông bên cạnh cây đàn dương cầm. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Richard đã có thể đọc những nốt nhạc thậm chí còn rành rọt hơn cả nói tiếng Pháp, một tài năng bẩm sinh. Năm 6 tuổi, Richard Clayderman được người ông tặng một cây đàn piano nhỏ và từ đó, cây đàn dương cầm trở thành người bạn thân thiết với cậu bé. Richard học rất nhanh, chỉ trong 2 năm cậu bé đã giành giải nhất cuộc thi piano ở ngoại ô Paris, được tuyển vào Nhạc viện Paris, vườn ươm rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nước Pháp vào năm 12 tuổi.

Chỉ 4 năm sau, ông đoạt giải nhất trong cuộc thi piano thường niên có uy tín của nhạc viện. Một sự nghiệp nghệ sĩ piano cổ điển đầy xán lạn đã mở ra trước mắt chàng trai trẻ. Cha Richard mất khi ông vừa tròn 18 tuổi. Richard phải tự kiếm sống, ban ngày làm việc ở một nhà băng, tối tối trở thành nghệ sĩ đệm đàn cho những nghệ sĩ Pháp nổi tiếng như Michel Sardou hay Johnny Halliday. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ngôi sao, tôi hạnh phúc khi được chơi với nhóm nhạc. Là một người đệm đàn, tôi không nghĩ mình lại có thể trở thành một nhạc sĩ chơi solo" - Richard nói.

Năm 1977 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Richard khi vượt qua nhiều ứng viên để thể hiện những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của "Ballade Pour Adeline" khiến thế giới phải ngỡ ngàng. Richard Clayderman đã thực sự bước ra khỏi sự vô danh để trở thành "ông hoàng của sự lãng mạn". Một số nhà phê bình âm nhạc cho rằng âm nhạc của Richard Clayderman chỉ là một sự hào nhoáng rỗng tuếch, nhiều người lại phê phán các chương trình biểu diễn mang tính thương mại.

 Song một điều ai cũng phải thừa nhận, ông đã đưa âm nhạc bác học xích lại gần hơn với đông đảo công chúng. Lối chơi đàn điêu luyện, phong thái nghệ sĩ và cá tính trầm lặng đã tạo cho ông một phong cách độc đáo. Các bản nhạc do ông thể hiện đã trở thành món ăn tinh thần cho nhiều người yêu nhạc Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Người nghe dễ dàng cảm nhận được những cảm xúc, rung động và biết bao hơi thở nồng nàn của cuộc sống, là niềm vui, là nỗi buồn và một chút tĩnh lặng trong tâm hồn.

Những tác phẩm nổi tiếng ông biểu diễn đã được chọn làm bài tập vỡ lòng cho nhiều thế hệ người học đàn piano và keyboard (hay còn được gọi là đàn organ) ở Việt Nam. Ông là biểu tượng cho sự kết hợp tinh tế và ngọt ngào giữa nhạc cổ điển và nhạc đương đại, được mệnh danh là “ông hoàng” piano của âm nhạc hiện đại thế giới.

Ông hoàng của sự lãng mạn

Richard Clayderman không thuần túy là một nghệ sĩ trình diễn piano cổ điển hay là một pianist hiện đại. Nghệ sĩ này hầu như không sáng tác, ông thường chơi lại những tác phẩm của nhạc cổ điển (Hungarian dance No 6 của J. Brahms, Bohemian melody của F. Liszt, Ave Maria của Schubert...) hoặc trình tấu những ca khúc pop - rock đã được viết lại cho piano và dàn nhạc (Every thing I do it for you của Bryan Adams, Yesterday của Beatles, It's hard to say goodbye của Anka & White Spiro, Unbreak my heart của Warren (ca khúc được Tony Braxton biểu diễn)...

Cùng một sáng tác nhưng khi cover lại, tác phẩm do Richard Clayderman trình tấu thường đơn giản hơn. Nếu đó là một concerto hoặc symphony, Clayderman thường chỉ chơi lại một đoạn nào đó hấp dẫn nhưng đơn giản, hoặc sẽ giản lược bớt để công chúng dễ tiếp thu.

Thậm chí với cả những tình khúc cổ điển (romance) tương đối ngắn cũng bị chi phối bởi quan điểm trình tấu này (For Elise của Beethoven, Serenade của F. Schuber)... Richard Clayderman đã ghi âm được hơn 1.200 giai điệu và đã tạo ra một phong cách lãng mạn mới qua việc kết hợp kỹ thuật biểu diễn riêng điêu luyện của ông giữa classic và nhạc pop tiêu chuẩn. Ông cũng là người nắm giữ những kỷ lục về lượng tiêu thụ đĩa nhạc trên quy mô toàn cầu đạt trên 90 triệu CD, trong đó có 267 đĩa vàng, 70 đĩa bạch kim. Ông đã dành phần lớn thời gian tổ chức hòa nhạc và làm hài lòng các fan như việc biểu diễn 200 sô trong 250 ngày.

Sau lần ra mắt khán giả Việt Nam tại TPHCM năm 1999, sự có mặt và đêm biểu diễn duy nhất của nghệ sĩ piano Richard Clayderman tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội lần này thực sự gây hào hứng với khán giả những người hâm mộ những ngón đàn lãng mạn và trữ tình của danh cầm Richard Clayderman.

Cũng theo đại diện của đơn vị tổ chức thì điều đặc biệt nhất là cùng đi với Richard Clayderman trong chuyến đi này có nhà soạn nhạc lừng danh Olivier Toussaint, người đứng đằng sau tất cả những thành công của Richard Clayderman từ khi ông mới bắt đầu sự nghiệp đến nay. Ngoài những bản nhạc quen thuộc, Richard cũng thể hiện một số tác phẩm trong album mới phát hành của ông. Một điều đặc biệt trong chương trình, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy và dàn dây 8 người của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ tham gia biểu diễn cùng Richard Clayderman.

Để mời được Richard Clayderman sang Việt Nam và chuẩn bị kỹ lưỡng cho đêm nhạc lớn nhà tổ chức cho biết họ đã phải liên hệ với công ty quản lý của nghệ sĩ nổi tiếng này từ 2 năm trước. Sau nhiều lần thương thảo với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp, Richard đã đồng ý. Những người yêu nhạc kỳ vọng sức lan tỏa của đêm diễn sẽ tiếp tục mở đường cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến với công chúng Việt Nam.

Các tin khác