Cửa hàng đồng giá loay hoay tìm đất sống

Sản phẩm không đa dạng, bị cạnh tranh bởi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng đồng giá đang ngày càng kém hấp dẫn, phải thu hẹp mạng lưới.

Sản phẩm không đa dạng, bị cạnh tranh bởi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng đồng giá đang ngày càng kém hấp dẫn, phải thu hẹp mạng lưới.

Bắt đầu rộ lên ở Việt Nam từ năm 2008, thương hiệu cửa hàng đồng giá Nhật Bản như Daiso, Hachi Hachi... từng cuốn hút người tiêu dùng. Có thời điểm, Daiso lên kế hoạch đến năm 2012 sẽ hoàn thiện hệ thống 20 siêu thị đồng giá với 90.000 sản phẩm, mỗi tháng bổ sung 1.000 sản phẩm mới.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường hàng tiêu dùng, các cửa hàng đồng giá đã giảm rõ sức hút của mình so với thời kỳ đầu mới vào Việt Nam. Nhiều thương hiệu thậm chí rơi vào tình trạng ế ẩm.

Theo khảo sát của VnExpress, tại một cửa hàng bán giày Zago trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (TP HCM), khách vắng hoe. Nhân viên nơi đây cho biết cách đây gần một tháng, cửa hàng đã phải giảm giá thành sản phẩm từ 290.000 xuống còn 190.000 đồng, nhưng tình hình kinh doanh cũng không khá hơn là bao. Hiện tại, Zago giảm số lượng từ 9 xuống còn 5 của hàng.

Hệ thống cửa hàng Daiso với nhiều sản phẩm đồng giá 39.500 đồng cũng không khả quan hơn. Nhân viên một cửa hàng vừa khai trương trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 cho biết lượng khách vào mua hàng rất ít. Còn tại cửa hàng Daiso trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, quan sát thực tế cho thấy lượng khách hàng đến đây cũng khá thưa thớt. Mặt bằng tại đây được thuê với giá 50 triệu đồng một tháng, diện tích bên trong khoảng 160 m2, nhưng bề mặt khá hẹp nên khách hàng gặp khó khăn trong việc đậu xe vào mua hàng. Nhân viên cửa hàng cho biết sức mua tại đây có chiều hướng giảm. Vào những ngày cuối tuần lượng khách đông hơn nhưng cũng không đáng kể.

Ông Nguyễn Đức Duy, Phó phòng kinh doanh của Daiso cho biết doanh thu hiện nay của cửa hàng giảm 20% so với năm 2010. Từ năm 2008 đến nay, Daiso đã giảm số lượng từ 4 xuống còn 2 cửa hàng vì nhiều lý do khác nhau. Khó khăn lớn hiện nay của thương hiệu này là thuê được mặt bằng kinh doanh vừa ý.

Thực tế, mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá đã giảm sức hút đối với người tiêu dùng. Nhiều khách hàng cho biết từ lâu họ đã không còn hứng thú với những cửa hàng đồng giá như thời gian đầu vì có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn ở các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc, nhà ở quận 3, TP HCM cho biết trước đây chị hay mua hàng đồng giá của Daiso hay Hachi Hachi, nhưng sau đó thì không mua nữa vì nhiều cửa hàng tự dưng… biến mất, tìm trên mạng cũng không có địa chỉ chính xác. “Bây giờ tôi chủ yếu đi siêu thị quen thuộc vì ở đó hàng hóa đa dạng, nhiều sự lựa chọn hơn. Giá cả nếu có cao hơn chút cũng không vấn đề gì, chất lượng lại tốt, đó là chưa kể đến các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn”, chị Ngọc cho hay.

Tương tự, chị Quỳnh Đông, một giảng viên đại học chia sẻ trước đây chị rất hay vào những cửa hàng đồng giá vì bị hấp dẫn bởi giá cả và nghĩ là sẽ có nhiều sự lựa chọn. Nhưng vào một số nơi, sau một vài lần, chị thấy không còn hứng thú nữa, bởi các mặt hàng không được cập nhật thường xuyên và không đúng với sở thích của mình. Chị nói thà chịu đắt hơn vài nghìn đến vài chục nghìn đồng mà mua được món hàng mình yêu thích ở những cửa hàng lớn. “Tôi cho rằng những cửa hàng đồng giá hiện nay nên ‘lau lớp bụi’ mỗi ngày bằng cách cập nhật thêm nhiều mặt hàng, mẫu mã mới. Bên cạnh đó là cải thiện hình thức trưng bày sản phẩm, tránh đơn điệu và tẻ nhạt”, chị Đông chia sẻ.

Đứng trước tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại, nhiều cửa hàng đồng giá phải thay đổi chiến lược và tung nhiều chiêu thu hút khách. Daiso có chương trình tích lũy điểm để quy ra giá một món hàng. Hachi Hachi từ năm 2009 đến nay đã thay đổi chiến lược kinh doanh bán hàng đồng giá thành mô hình “cửa hàng Nhật Bản”. Nếu như trong các năm 2007 đến năm 2009, cửa hàng này chỉ bán hàng với 3 mức giá là 35.000, 45.000 và 55.000 thì từ năm 2009 trở về sau đã chuyển sang bán hàng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Nhân viên một cửa hàng Hachi Hachi trên đường 3/2, quận 10 cho biết, hiện nay nhiều khách hàng đến với cửa hàng vì họ có nhu cầu sử dụng nhiều hơn những mặt hàng xuất xứ từ Nhật Bản, chất lượng và tất nhiên giá sẽ cao hơn.

Không chỉ cạnh tranh với hệ thống siêu thị, cửa hàng đồng giá của các thương hiệu nước ngoài còn đang chịu sức ép của các đối thủ trong nước. Ở TP HCM và Hà Nội bắt đầu nở rộ các cửa hàng đồng giá 10.000, 20.000 đến 50.000 đồng. Sở dĩ các sản phẩm đồng giá này có mức giá thấp như vậy, theo giới kinh doanh là do nhập hàng từ Trung Quốc.

Chủ một cửa hàng đồng giá 10.000 đồng ở Hà Nội tiết lộ các sản phẩm bán ở cửa hàng của chị được đặt mua trên các trang bán hàng Trung Quốc. Phía phân phối cho người chở sản phẩm đến tận nơi giao hàng. "Hàng có loại giá cao hơn, nhưng cũng có những món thấp hơn mức 10.000 đồng, nên khi bán đồng giá, món nọ bù cho món kia và tạo ra lợi nhuận", chủ cửa hàng đồng giá này cho biết.

Chuyên gia marketing Nguyễn Xuân Nhật Huy cho rằng mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá, đặc biệt từ một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… rất khó phát triển mạnh mà chỉ tồn tại ở dạng thị trường ngách. Theo ông Huy, tần suất mua hàng ở những cửa hàng đồng giá không cao vì hàng hóa không đa dạng, thường đồng giá ở mức giá thấp (2-5 USD) và ít thương hiệu mạnh.

Cũng theo ông, mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá tại Việt Nam hiện nay cũng giống với xu hướng phát triển chung của thế giới là chỉ tồn tại ở một phân khúc nhất định nào đó. “Sức mua của thị trường tập trung vào những người thu nhập trên trung bình, trong khi các cửa hàng đồng giá thì nhắm vào người thu nhập thấp nên khó phát triển. Những khách hàng thường xuyên của các cửa hàng đồng giá hiện nay khi có thu nhập cao hơn sẽ bỏ cửa hàng này để mua hàng với giá cả đa dạng hơn ở những nơi khác. Tôi cho rằng mô hình bán hàng đồng giá tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại chứ không thể phát triển mạnh hơn”, ông Huy nhận định.

Các tin khác