"Vua bánh" ABC Bakery

Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc DN tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) - một nhân vật không mới với câu chuyện thành công đã được nhiều người biết đến. Song không vì thế người ta thôi tò mò với những kế hoạch mới của “vua bánh” Việt Nam. Chia sẻ với ĐTTC, ông cho biết DN vẫn phát triển rất tốt và đang có nhiều dự định đầu tư trong tương lai gần.

Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc DN tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) - một nhân vật không mới với câu chuyện thành công đã được nhiều người biết đến. Song không vì thế người ta thôi tò mò với những kế hoạch mới của “vua bánh” Việt Nam. Chia sẻ với ĐTTC, ông cho biết DN vẫn phát triển rất tốt và đang có nhiều dự định đầu tư trong tương lai gần. 

PHÓNG VIÊN: - Có vẻ như khủng hoảng kinh tế đã “bỏ qua” DN của ông?

Ông KAO SIÊU LỰC: - Năm nay, việc có thêm nhiều khách hàng mới đã giúp DN chúng tôi có tốc độ tăng trưởng khá tốt, khoảng 30% so với năm ngoái. Khủng hoảng, khó khăn nhưng nhu cầu về thực phẩm của mọi người không thể ngưng nên chúng tôi gần như không bị ảnh hưởng nhiều.

Dự kiến trong khoảng 1 tháng nữa ABC sẽ có thêm cửa hàng trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TPHCM), nâng tổng số cửa hàng lên con số 33. Trong năm nay chúng tôi cũng đưa vào sản xuất 1 nhà máy nữa tại quận Bình Tân, với mức vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 triệu USD. Sang năm 2015, theo kế hoạch chúng tôi sẽ bắt đầu tiến ra phía Bắc với việc xây dựng xưởng tại Hà Nội, dự kiến năm 2016 xưởng này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Tiếp theo nhiều cửa hàng của ABC tại Hà Nội sẽ được mở phục vụ người dân thủ đô. Có thể nói, việc tái đầu tư cho ABC là quan tâm hàng đầu của tôi. Chỉ tính riêng trong năm 2014, chúng tôi đã đầu tư 1 triệu USD cho máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chưa kể nhiều cửa hàng đang hoạt động được nâng cấp để phục vụ khách hàng tốt nhất.

- Lần đầu ra Bắc nhưng ông không đưa bánh đông lạnh ra để thử nghiệm thị trường mà lại tính đến việc xây dựng nhà xưởng?

Bánh đông lạnh chủ yếu ABC dành cho xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Australia, Anh. Xưởng mới ở Hà Nội được đầu tư một phần cũng để phục vụ nhu cầu làm bánh đông lạnh xuất khẩu, vì nhu cầu các thị trường này khá lớn.

- Tôi tự tin nói rằng tôi nắm rất rõ ngành bánh tươi Việt Nam. Theo đó, tôi đã vạch sẵn chiến lược đầu tư máy móc trong 3-5 năm đầu tiên, mở cửa hàng tại khu vực nào, thu hút khách ra sao… Từ đó, tôi quyết định thành lập xưởng tại Hà Nội. Cũng có một số lời mời tôi nhượng quyền, nhưng tôi chưa đồng ý.

Bởi lẽ đầu tư một cửa hàng bán bánh tươi phải mất ít nhất 2 năm mới bắt đầu có lời. Không phải ai cũng có thể chấp nhận khoảng thời gian chờ này. Chưa kể làm bánh phải yêu nghề, chịu khó học hỏi đưa ra những sản phẩm mà thị trường chưa có.

Chính vì thế các cửa hàng phần lớn do ABC tự đầu tư, một số có liên kết với đối tác có mặt bằng để giảm bớt gánh nặng thuê. Ngay cả ở Campuchia cũng do tôi tự đầu tư, đến nay tôi cũng đã có 5 cửa hàng bên đó. Tương lai có thể tôi sẽ tìm hiểu thêm về thị trường Myanmar.

- Ông có gặp khó khi mở cửa hàng ở Campuchia, như thuê mặt bằng, sản xuất bánh?

- Việc thuê mặt bằng ở Campuchia khá dễ và giá thuê cũng rẻ hơn Việt Nam nên chúng tôi không gặp khó trong việc này. Về sản xuất, ban đầu tôi đưa thợ Việt Nam qua làm, sau tuyển thợ người Campuchia đào tạo cho họ. Hiện nay cả 5 cửa hàng của chúng tôi ở Campuchia đều do thợ bánh người bản địa phụ trách. Khi ABC ra sản phẩm mới họ sẽ được đưa qua Việt Nam học cách làm.

- Được biết năm 2013 ông đã  đầu tư dây chuyền máy móc 2 triệu USD chỉ để sản xuất bánh mì tròn cho 1 thương hiệu thức ăn nhanh mới đến Việt Nam. Liệu có quá tầm?

- Hiện nay ABC cung cấp bánh mì tròn cho hầu hết thương hiệu thức ăn nhanh có mặt tại Việt Nam. Thị phần bánh mì tròn chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sản xuất của ABC và đang không ngừng tăng thêm. Các thương hiệu thức ăn nhanh thường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

Để đáp ứng được yêu cầu cao này, ngoài kỹ thuật chúng tôi phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Vì thế, việc đầu tư 1 dây chuyền mới phục vụ 1 thương hiệu nổi tiếng tôi nghĩ hoàn toàn xứng đáng. Người thợ bánh giờ đây không chỉ làm tay đơn thuần mà còn phải điều khiển tốt máy móc.

Tôi không chỉ là một người thợ làm bánh mà còn là một người thợ máy, tôi cũng tự sản xuất một số máy móc phục vụ cho sản xuất của ABC và xuất khẩu sang một số nước. Điều này giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí, đồng thời giúp ngành bánh Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn.

Ông Kao Siêu Lực tại một xưởng làm bánh tươi.

Ông Kao Siêu Lực tại một xưởng làm bánh tươi.

- Vừa là người thợ bánh, vừa là thợ máy lại vừa điều hành kinh doanh ông có thấy mình bị quá tải?

- Hành trình của tôi nay đã có sự đồng hành của 3 người con nên tôi cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc. Một ngày tôi thường dành khoảng 6-8 tiếng trong xưởng nghiên cứu, sản xuất cùng các nhân viên. Người đồng hành trong xưởng là con trai út năm nay 18 tuổi, cũng rất mê làm bánh, tò mò tìm hiểu máy móc. Cuối năm nay tôi sẽ cho con trai qua Nhật Bản học làm bánh chuyên nghiệp.

Còn 2 cô con gái hiện đang phụ giúp tôi điều hành công việc trong nội bộ công ty cũng như các công việc kinh doanh bên ngoài, mỗi người mỗi mảng nên gần như không có mâu thuẫn nào. Chúng tôi tuy điều hành thông qua người trong gia đình nhưng cũng áp dụng những hệ thống quản lý tiên tiến để giúp DN có những bước phát triển nhanh, mạnh.

Có người hỏi tôi rằng, tương lai có muốn cổ phần hóa DN? Có lẽ câu trả lời sẽ dành cho các con tôi. Đến khi chúng cảm thấy cần thiết chúng sẽ làm.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác