Trái phiếu DN: Lợi cả đôi đường

Hiện tại, so với lãi suất ngân hàng, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang nhỉnh hơn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh huy động này bởi có nhiều ưu điểm.

Hiện tại, so với lãi suất ngân hàng, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang nhỉnh hơn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh huy động này bởi có nhiều ưu điểm.

Nhìn mặt, đắt hàng

So với năm 2013, năm kỷ lục về số lượng phát hành TPDN thì số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN kể từ đầu năm 2014 đến nay chưa thể sánh bằng. Tuy không bằng nhưng số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN vẫn ghi nhận được những con số không hề nhỏ. Hơn nữa, trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào, cộng với việc TPDN không có nhiều rủi ro nên đa phần TPDN phát hành đều có người mua và hiếm có trường hợp hàng “dội chợ”.

Có thể nhắc đến những trường hợp phát hành TPDN thành công trong nửa đầu năm 2014 với số lượng lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), thông báo phát hành 3.000 tỷ đồng TPDN trong năm 2014 (kỳ hạn 5 năm). Đây là TP ghi sổ, số lượng phát hành là 3.000 TP, giá phát hành bằng với mệnh giá 1 tỷ đồng/TP. Bắt đầu được phát hành vào ngày 27-6, ngày đến hạn thanh toán 27-6-2019.

Trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên lãi suất là 9,8%/năm, sau đó lãi suất sẽ được tính trên cơ sở bằng tổng của 2,75%/năm và trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ trả lãi sau, kỳ hạn 12 tháng được công bố tại 4 ngân hàng lớn của Việt Nam. Với lãi suất thả nổi được trả 6 tháng 1 lần, tiền gốc TP sẽ được thanh toán một lần khi đáo hạn. Theo Vinacomin, mục đích chính của đợt phát hành TP dài hạn lần này là để phân bổ vào các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn.

Nếu Vinacomin là doanh nghiệp phát hành TPDN với số lượng vốn khủng thu về, thì CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) là doanh nghiệp có “thâm niên” phát hành TPDN trên thị trường khi hầu như năm nào doanh nghiệp này cũng có 1 đợt phát hành TPDN. Cuối tháng 6 vừa qua, CII đã chào bán thành công 1.081 tỷ đồng TPDN chuyển đổi. Đây là loại TP không đảm bảo bằng tài sản có kỳ hạn 5 năm. Tiền lãi TP được thanh toán 1 năm/lần kể từ ngày phát hành cho người sở hữu, lãi suất 12%/năm.

Trong bối cảnh vốn ngân hàng giải ngân vào lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã chủ động chuyển hướng huy động vốn sang kênh TPDN. Đơn cử là trường hợp của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG). HĐQT của NLG vừa thống nhất phát hành 350 tỷ đồng TP không chuyển đổi có kỳ hạn 3 năm. Trái chủ sẽ được thanh toán lãi 6 tháng/lần với lãi suất kỳ tính lãi đầu tiên 10%/năm (6 tháng từ ngày giải ngân).

Thời gian sau đó lãi suất tính theo lãi suất thả nổi, điều chỉnh 6 tháng/lần, bằng trung bình cộng lãi suất huy động tiền gửi tiết  kiệm  kỳ hạn 12 tháng thanh toán lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng thương mại (VietinBank, BIDV, Vietcombank và OCB) tại ngày xác định lãi suất cộng biên độ 2,5%/năm (dự  kiến lãi suất phải trả tương đương 10%/năm).

Tương tự, HĐQT của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) đã thông qua kế hoạch phát hành 210 tỷ đồng (hoặc 10 triệu USD) TPDN chuyển đổi để tăng vốn điều lệ. Theo phương án đã thông qua trước đó, NBB sẽ phát hành 10 triệu USD hoặc 210 tỷ đồng TPDN chuyển đổi, tương ứng mệnh giá 100.000USD hoặc 1 triệu đồng/TP.

Đây là TPDN chuyển đổi không có tài sản đảm bảo, đáo hạn sau 5 năm (thời hạn chuyển đổi do 2 bên thỏa thuận), lãi suất 5-7,5%/năm trả hàng năm. Giá chuyển đổi căn cứ theo giá cổ phiếu (CP) NBB trung bình 30 phiên giao dịch gần nhất trừ đi 10-20% hoặc theo phương án chốt giá chuyển đổi.

Chi phí thấp, chủ động nguồn vốn

Với lãi suất trung bình 10%/năm mặt bằng lãi suất TPDN hiện cao hơn nhiều so với lãi suất huy động, thậm chí nhỉnh hơn đôi chút so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Vậy tại sao doanh nghiệp vẫn chuộng phương thức phát hành TP thay vì đi vay vốn ngân hàng hay phát hành CP?

Theo phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực TP, so với việc đi vay ngân hàng, một số ưu điểm của phát hành TPDN có thể kể đến như doanh nghiệp sẽ gọi được vốn ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt. Chính vì vậy, doanh nghiệp huy động được tiền từ TP sẽ chủ động nguồn vốn hơn trong việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh mỗi khi có thời cơ.

Với một số trường hợp, đặc biệt là khi lãi suất thấp, doanh nghiệp có thể phát hành TP kỳ hạn dài với lãi suất cố định để tận dụng nguồn vốn với chi phí thấp. Trong khi đối với hình thức đi vay ngân hàng thông thường, lãi suất thường thả nổi và sẽ được rà soát thay đổi định kỳ. Đặc biệt, chi phí phát hành TP không quá lớn nếu so với chi phí “bôi trơn” khi đi vay vốn ngân hàng.

Theo thống kê của CII, tổng chi phí cho đợt phát hành TP với giá trị hơn 1.081 tỷ đồng vừa qua chỉ hơn 220 triệu đồng. Nếu so với hình thức phát hành CP thì TPDN cũng ưu điểm là không chịu sự biến động của TTCK và ít chịu áp lực về EPS.

Ngoài các yếu tố trên, việc phát hành TPDN cũng giúp cho doanh nghiệp chủ động được các vấn đề rủi ro trong tương lại. Chẳng hạn, sau khi phát hành TP nếu tình hình tài chính khả quan, doanh nghiệp có thể mua lại TP để không phải tiếp tục trả lãi suất cho trái chủ.

Đơn cử là trường hợp phát hành TP của NLG. Trong quy định phát hành TP của mình, NLG cho biết sau 1 năm phát hành, doanh nghiệp có quyền mua lại 1 phần hoặc toàn bộ TP theo mệnh giá phát hành vào thời điểm điều chỉnh lãi suất (thông báo trước 30 ngày) và không chịu phí. Trái chủ có quyền bán lại TP trước hạn bằng mệnh giá phát hành sau 1,5 năm.

Tuy nhiên, đối với trái chủ sẽ có đôi chút bất lợi. Chẳng hạn, lượng CP chuyển đổi từ TP sẽ tăng thêm và theo đó tạo áp lực pha loãng CP hoặc giá CP tại thời điểm chuyển đổi thấp hơn kỳ vọng. Dù vậy, do không bị ảnh hưởng bởi dòng tiền, doanh nghiệp có thể duy trì được nguồn lực ổn định dành cho hoạt động sản xuất và thu được kết quả tốt hơn. Do đó, tuy giá chuyển đổi thấp có thể khiến nhiều cổ đông không hài lòng trong ngắn hạn, nhưng lại đem về nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông trong dài hạn.

Các tin khác